Giải pháp phát triển thị trường vàng ổn định và bền vững

(CL&CS) - Với tính chất một sản phẩm hàng hóa đặc thù, có tính thanh khoản cao; đồng thời cũng là tài sản cất trữ, nguồn vốn lưu thông, kênh đầu tư quan trọng của thị trường… Có thể nói, vàng có vai trò và vị trí hết sức quan trọng đối với nền kinh tế của các quốc gia nói chung và của nước ta nói riêng.

Vàng vẫn giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế

Thời gian qua, các cơ chế, chính sách về quản lý, phát triển thị trường vàng ở nước ta được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm, không ngừng bổ sung và hoàn thiện. Qua đó, thị trường vàng cơ bản có sự phát triển ổn định, có những đóng góp hết sức hiệu quả đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước cũng như mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư.

VÀNG

TS Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Trường đại học Kinh tế quốc dân cho hay, ở Việt Nam đã có Sở Giao dịch hàng hóa và nên coi vàng như một loại hàng hóa, niêm yết trên Sở Giao dịch hàng hóa với các hợp đồng tương lai (futures), quyền chọn (options) và các sản phẩm khác. Như vậy vừa đảm bảo sự kết nối giữa giá vàng Việt Nam và thế giới, vừa giúp thị trường trong nước phản ứng nhanh nhạy với các biến động của giá thế giới.

Mới đây, nhóm nghiên cứu của Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, mặc dù không còn được biết đến với vai trò là một loại tiền tệ, nhưng vàng vẫn giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế. Việt Nam là một  đất nước mà người dân có thói quen và nhu cầu cao về cất trữ, tiêu  dùng, đầu tư, đầu cơ vàng.

Do đó, trong khoảng 20 năm trở lại đây, Chính phủ và các bộ, ban, ngành đã liên tục thay đổi các chính sách quản lý liên quan đến thị trường vàng để vận hành và điều tiết thị trường một cách hiệu quả, đảm bảo biến động của giá vàng không  ảnh hưởng đến tỷ giá, thị trường ngoại hối và sự ổn định kinh tế vĩ  mô.

Kiến nghị giải pháp phát triển thị trường vàng ổn định và bền vững, nhóm nghiên cứu của Đại học Kinh tế Quốc dân nêu ra 4 đề xuất, khuyến nghị, gồm:

Thứ nhất, cần giảm thiểu can thiệp hành chính trực tiếp vào thị trường vàng

Theo nhóm chuyên gia nghiên cứu, NHNN cần sớm sửa đổi Nghị định 24 theo hướng không can thiệp trực tiếp vào thị trường vàng bằng các biện pháp hành chính, chỉ quản lý và hoạch định chính sách, điều tiết dự trữ ngoại hối bằng vàng theo quy định pháp luật hiện hành. Cụ thể, không nên một mình giữ quyền sản xuất vàng miếng mà nên cân nhắc nghiên cứu việc cấp phép cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện thực hiện nhập khẩu và sản xuất vàng miếng để cân đối cung - cầu và đáp ứng nhu cầu đầu tư, tích trữ của người dân. Bên cạnh đó, cần sớm thay đổi, ban hành nghị định mới phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thứ hai, liên thông thị trường vàng trong nước với thị trường vàng thế giới

NHNN cần có các biện pháp nhằm loại bỏ chênh lệch giá, đặc biệt là giá vàng SJC, tiến tới tự do hóa xuất, nhập khẩu vàng bao gồm: Xem xét cho một số doanh nghiệp được sản xuất vàng miếng để cung ứng cho thị trường. Điều này phù hợp với thông lệ quốc tế và sẽ giúp giảm chênh lệch giá vàng miếng SJC trong nước và quốc tế.

Ngành công nghiệp sản xuất, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ chưa được chú trọng phát triển, đề nghị đưa sản xuất, kinh doanh vàng trang sức - mỹ nghệ khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện tại Phụ lục IV, Luật Đầu tư năm 2020, bởi lẽ không giống như vàng miếng, vàng trang sức - mỹ nghệ là hàng hoá bình thường.

NHNN xem xét cho phép doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức được nhập khẩu vàng nguyên liệu. Hiện nay, thị trường vàng tương đối ổn định nên việc xem xét cấp giấy phép nhập khẩu cho doanh nghiệp là cần thiết, không nên tiếp tục kéo dài thêm "giải pháp tình thế" đã áp dụng trong suốt 10 năm qua.

Nhóm chuyên gia cũng đề nghị Bộ Tài chính đưa thuế xuất khẩu vàng trang sức về 0% như cũ, thay vì tăng lên 1% như ban hành mới đây, để khuyến khích tái khẩu, tái tạo nguồn ngoại tệ, đồng thời tăng sức cạnh tranh của nghệ mỹ nghệ kim hoàn của Việt Nam.

Thứ ba, sớm chuyển đổi từ thị trường vàng vật chất sang vàng kỳ hạn

Theo nhóm chuyên gia nghiên cứu, hiện nay, thị trường vàng Việt Nam là thị trường hiểu theo nghĩa hẹp, tức là chỉ được phép giao dịch các loại hàng hóa là vàng vật chất, còn vàng kỳ hạn thì không được phép thực hiện do không có quy định.

Điều 19 Nghị định 24/2012/NĐ-CP đã quy định rõ hoạt động kinh doanh vàng khác khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép và NHNN cấp giấy phép là hành vi vi phạm pháp luật. Để phát triển thị trường vàng, Việt Nam cần sớm chuyển đổi sang thị trường vàng kỳ hạn, giao dịch thông qua Hợp đồng kỳ hạn, Hợp đồng quyền chọn.

Đầu tiên, cần phép thực hiện huy động vốn thông qua phát hành chứng chỉ chứng nhận vàng. Việc sử dụng chứng chỉ vàng có những ưu điểm là an toàn, tiện lợi, không sợ vàng giả, vàng thiếu tuổi, thiếu trọng lượng, không mất phí gia công dập ra vàng miếng. Đặc điểm của vàng huy động thông qua phát hành chứng chỉ, là người gửi vàng không được phép rút vàng trước hạn, thay vì hình thức tiết kiệm như trước đây. 

Để đảm bảo tính nhất quán, chứng chỉ chứng nhận vàng sẽ do NHNN phát hành với các biện pháp bảo đảm an toàn và thông qua các ngân hàng thương mại để thực hiện. Việc mua, bán chứng chỉ chứng nhận vàng sẽ được phép thực hiện với những quy định chặt chẽ của NHNN và là những giao dịch đầu tư hoàn toàn tự nguyện. Người sở hữu chứng chỉ chứng nhận vàng cũng có quyền chuyển đổi chứng chỉ chứng nhận vàng thành vàng vật chất sau thời hạn ghi trên chứng chỉ.

Trong dài hạn, Chính phủ nên xây dựng một thị trường vàng hiện đại, để thị trường vàng trong nước liên thông với thị trường vàng thế giới, một thị trường cho phép vàng trong dân được đưa vào lưu thông trong hệ thống tín dụng thông qua chứng chỉ vàng và sàn vàng quốc gia.

Đồng bộ với những bước đi trên, NHNN cần xây dựng các điều kiện, tiêu chí cụ thể đối với từng loại hình kinh doanh vàng, cũng như đảm bảo khả năng giám sát đối với thị trường vàng bằng những công cụ giám sát hiệu quả hơn. Việc nghiên cứu để thành lập chính thức hệ thống thị trường vàng với những thiết chế tập trung phù hợp sẽ có ý nghĩa quan trọng để khơi thông nguồn vốn vật chất quan trọng này đối với nền kinh tế.

Thứ tư, thay đổi tư duy quản lý nhằm tăng cường huy động nguồn lực vàng trong dân cư

Theo đó, chống vàng hóa không thể bằng giải pháp hành chính mà là phải chuyển hướng từ giao dịch vàng miếng sang giao dịch các sản phẩm khác của vàng (chứng chỉ vàng, công cụ phái sinh,..) trên một trung tâm giao dịch tập trung.

Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ và NHNN cần tạo ra một môi trường kinh doanh ổn định, nhiều tiềm năng để thu hút tài sản đầu tư của người dân chảy qua các tài sản và kênh đầu tư có lợi hơn.

Ngoài ra, cần sớm cho phép Sở Giao dịch hàng hóa giao dịch mặt hàng vàng kỳ hạn thông qua Hợp đồng kỳ hạn, Hợp đồng quyền chọn 7 như các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Các thành viên tham gia phải đáp ứng những tiêu chuẩn chặt chẽ, được phép xuất nhập khẩu vàng (căn cứ theo đặc tả Hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn vàng do Sở Giao dịch hàng hóa ban hành).

Đồng thời, cho phép thành lập các quỹ tín thác bằng vàng (ETFExchange Traded Fund) như một công cụ tài chính quốc tế. Chứng chỉ quỹ cũng có thể được mua bán trên Sở giao dịch hàng hóa, sẽ khuyến khích người dân gửi vàng, bỏ vốn vào sản xuất kinh doanh, đầu tư, thay vì nắm giữ vàng miếng. ETF nếu được mua bán, tham gia các sản phẩm forward, futures, options trên sàn thế giới, được xuất nhập khẩu vàng thì dự trữ vàng của ETF sẽ có một vai trò như quỹ bình ổn, giảm bớt áp lực cho NHNN khi xảy ra sốt giá, giúp tạo lập môi trường kinh tế vĩ mô ổn định.

Tùng Lộc

Bình luận

Nổi bật

Giải pháp phát triển thị trường vàng ổn định và bền vững

Giải pháp phát triển thị trường vàng ổn định và bền vững

sự kiện🞄Thứ tư, 03/07/2024, 14:47

(CL&CS) - Với tính chất một sản phẩm hàng hóa đặc thù, có tính thanh khoản cao; đồng thời cũng là tài sản cất trữ, nguồn vốn lưu thông, kênh đầu tư quan trọng của thị trường… Có thể nói, vàng có vai trò và vị trí hết sức quan trọng đối với nền kinh tế của các quốc gia nói chung và của nước ta nói riêng.

ACB tìm kiếm “Đối tác sự nghiệp 2024” với các vị trí cần đến nhân sự có kinh nghiệm

ACB tìm kiếm “Đối tác sự nghiệp 2024” với các vị trí cần đến nhân sự có kinh nghiệm

sự kiện🞄Thứ tư, 03/07/2024, 14:22

(CL&CS) - “Đối tác sự nghiệp” là chương trình tuyển dụng thường niên lớn nhất của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và đã bước sang năm thứ bảy.

Trả góp dễ dàng, trúng vàng cực đã với thẻ trả góp Muadee by HDBank

Trả góp dễ dàng, trúng vàng cực đã với thẻ trả góp Muadee by HDBank

sự kiện🞄Thứ hai, 01/07/2024, 11:35

(CL&CS) - Nhanh tay mở thẻ, mua sắm cùng thẻ trả góp Muadee by HDBank để nhận ngay cơ hội trúng thưởng 1 lượng vàng SJC.