Dữ liệu cũ
Thứ hai, 30/09/2019, 21:40 PM

Gia vị thông dụng có ích cho người cao huyết áp

(NTD) - Việc chế biến các món ăn trong bữa cơm gia đình không thể thiếu các loại gia vị. Có loại gia vị cầu kỳ đòi hỏi việc chế biến tinh vi, đặc biệt các loại gia vị bình thường lại không thể thiếu và càng đặc biệt hơn, ngoài việc nêm nếm, tăng hương vị cho các món ăn, còn là những vị thuốc rất có ích cho sức khỏe mọi người.

1/ Hành:

Còn gọi là hành hoa, hành hương, hành ta, đại thông, thông bạch, hom búa (Thái), sông (Dao), tên khoa học Allium fistulosum L., thuộc họ Hành (Alliaceae).

Ở Việt Nam, hành là gia vị không thể thiếu trong các món chiên, xào, nấu canh, nấu súp, hủ tiếu, phở, cháo thịt... Hành làm tăng độ thơm ngon và có tác dụng khử tanh món ăn từ thịt, cá...

Ở những vùng trồng nhiều hành, các món hành luộc, hành làm dưa chua, cũng được dùng như một loại rau thông dụng

Người Trung Quốc thường dùng hành lá trong các món xào, nấu, cháo, súp...

Người Ấn Độ dùng hành như một món khai vị với bữa ăn chính.

Công dụng: Chữa cảm cúm, nhức đầu, sổ mũi, tiêu hóa kém, nhiễm trùng đường ruột, thấp khớp, đau răng, mụn nhọt, bí tiểu tiện.

Ngày 30-60g cây tươi dạng sắc, nước ép hoặc ăn với cháo nóng. Thân hành giã đắp chữa mụn nhọt hoặc thêm nước sôi vào xông để giải cảm.

Theo y học cổ truyền, hành hoa có vị cay, ngọt, tính ấm, có tác dụng giải cảm, diệt khuẩn, hành làm thông khí, khí đẩy huyết, huyết đẩy khí... điều hòa kinh mạch và tạng phủ.

Hành tím giúp giảm hàm lượng cholesterol xấu, LDL, duy trì hàm lượng cholesterol tốt, HDL, cho cơ thể, từ đó có tác dụng ngừa bệnh tim mạch, tăng huyết áp.

- Theo các nhà khoa học thuộc Đại học Hongkong (Trung Quốc), hành khô, hành tím giúp loại bỏ cholesterol xấu và duy trì hàm lượng cholesterol tốt cho cơ thể, từ đó có tác dụng ngừa bệnh tim mạch.

a2
 

2/ Hành tây:

Hành tây có tên khoa học Allium cepa L., thuộc họ Hành tỏi. Hình dạng có khác nhau tùy giống như: Hình cầu, hình cầu hơi dẹt, bầu dục, hoăc hình bầu dục dài. Thường có màu trắng, vàng hoặc tím.

Hành tây được người phương tây sử dụng làm rau ăn từ rất lâu đời. Người Việt Nam đã nhập trồng thành công và sử dụng thông dụng trong các bữa ăn, bữa tiệc, dưới dạng trộn dầu giấm ăn sống, trộn chung trong dĩa xà lách, làm tăng hương vị cho các món gỏi (gỏi ngó sen, gỏi cóc, gỏi su hào, gỏi dưa leo...), xào với các loại thịt, trứng, nấu xúp, cà ri... Hành tây có thể được dùng dưới dạng nước ép, nấu chín cùng thức ăn hay chiên giòn.

Hành tây giàu chất khoáng, can-xi, natri, sắt, đặc biệt chứa tinh dầu disulfurallyl, protid, glucid, nhiều chất xơ, giàu sinh tố B1, B2, PP và C.

Công dụng: Hành tây có tác dụng kích thích, lợi tiểu, hòa tan và làm giảm urê và các chlorua, làm dễ tiêu hóa, sát khuẩn, chống nhiễm khuẫn, trị ho, giúp an thần nhẹ, chống đau nhức, mệt mỏi, bổ thần kinh, bổ dưỡng cơ thể, giúp phòng ngừa huyết khối, tăng huyết áp, đái tháo đường, các bệnh ngoài da...

Thường được khuyên dùng trong các trường hợp như: Suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, đi tiểu ít, phù thũng, thừa urê huyết, tăng chlorua huyết, đầy hơi, giảm nhu động ruột, viêm nhiễm đường tiết niệu - sinh dục, suy giảm sinh dục, đái tháo đường, béo phì, xơ cứng động mạch, tăng huyết áp, ký sinh trùng đường ruột, cảm cúm, nhức đầu...

Ngày dùng 50-100g trong các bữa ăn hoặc ngâm trong nước nóng để ăn.

Một số lợi ích khác:

- Hiện nay hành tây là loại thực vật duy nhất mà người ta biết được có chứa prostaglandin.

Đặc điểm thành phần của hành tây khiến nó có tác dụng giãn nở mạch máu, giảm thấp trở lực đối với mạch máu ngoại vi và động mạch vành tim; đối với các catecholamine kháng thể nội, những chất làm tăng huyết áp, nó thúc đẩy sự bài tiết muối natri.

- Y học hiện đại đã phát hiện ra, hành tây có chất kháng khuẩn chống viêm, lợi tiểu, có khả năng điều chỉnh lượng đường trong máu, mỡ máu, cholesterol, huyết áp và có thể bảo vệ tuyến tiền liệt. Hành tây có tác dụng phòng chống bệnh tiểu đường vì trong hành có chứa glucoquinine, có tác dụng giảm đường huyết.

- Hành tây cũng là thực phẩm nên dùng đối với những người mắc bệnh về gan: Viêm gan mãn tính, gan nhiễm mỡ, xơ gan hay suy gan.

Để có một liều thuốc kháng sinh tự nhiên với hành tây, bạn chỉ cần ngâm 2 lát hành tây trong 1 lít nước sôi, sau đó uống hết chỗ nước này trong ngày. Tác dụng chữa bệnh của nó sẽ mạnh hơn nếu thêm một ít mật ong vào.

a4
 

3/ Tỏi ta:

Còn gọi là đại toán, hom kía (Thái), sluộn (Tày), tên khoa học Allium sativum L., thuộc họ Hành tỏi.

Công dụng: Chữa lỵ amip, lỵ trực khuẩn: Ngày dùng 4-6g.

Cồn tỏi chữa ho, ho gà, viêm phế quản. Nước tỏi nhỏ mũi, cháo tỏi ăn trị cảm cúm,

Tỏi còn dùng để chữa chứng tăng cholesterol xấu LDL trong máu: Do có chứa tinh dầu cay có tinh bốc hơi, có thể thanh lọc chất mỡ tích chứa trong mạch máu, có tác dụng hạ thấp lượng cholesterol LDL trong máu rõ rệt.

- Tỏi vừa làm tăng hương vị món ăn, vừa giúp hạ mỡ trong máu, mỗi ngày sử dụng bột tỏi hoặc tinh dầu tỏi, cho tới việc ăn tỏi, sau 4-5 tuần, huyết áp sẽ hạ khoảng 10%, tổng cholesterol hạ thấp từ 80-100%.

Tỏi có đặc tính chống huyết áp tăng cao là nhờ nó kích thích việc sản sinh nitric oxide và hydrogen sulfit, những hóa chất có tác dụng làm giãn nở mạch máu.

Ngoài ra, loại tỏi tây (boireau) thường dùng cho các món chay, cũng rất giàu chất dinh dưỡng, có thể giúp thư giãn mạch máu, thúc đẩy tuần hoàn máu, rất tốt cho người bị cao huyết áp, người bệnh tim mạch.

a3
 

4/ Gừng:

Cây gừng có tên khoa học là Zingiber officinale Rose, thuộc họ Gừng (Zingiberaceae).

Củ gừng là thân rễ của cây gừng, còn gọi là khương. Nếu gừng còn tươi thì gọi là sinh khương. Nếu gừng già rửa sạch, đồ chín rồi phơi khô sẽ có gừng khô, gọi là can khương.

Người ta dùng gừng trong các món ăn có vật liệu mát, lạnh, mùi tanh như cá, cua, ốc, hến, ba ba, thịt vịt, rau cải, thịt trâu, thịt bò, thịt thú rừng... Gừng còn dùng để pha nước chấm, nước mắm, vừa làm tăng hương vị món ăn, vừa làm ấm tỳ vị, lợi tiêu hóa.

Theo đông y, gừng tươi (sinh khương) có vị cay, tính ấm, tác dụng tán phong hàn, làm ấm tỳ vị, tiêu đàm, cầm nôn mửa, lợi thủy, giải độc. Thường dùng làm thuốc chữa cảm mạo phong hàn (cảm lạnh), lạnh bụng, ăn uống không tiêu, nôn mửa, ho có đàm, giải độc cua, cá, thịt...

Dùng ngoài, gừng tươi giã nhỏ đắp chữa tụ huyết do chấn thương, đau tức. Hoặc ngâm với rượu để xoa bóp tay chân nhức mỏi, đau nhức khi trời lạnh.

Tinh dầu của gừng có khả năng ức chế sự hấp thu cholesterol của cơ thể. Ngăn cản sự tăng cholesterol trong máu, có tác dụng với các bệnh mỡ máu cao, nhiễm mỡ gan, tăng huyết áp.

- Trong gừng có một chất đặc biệt, có cấu tạo hóa học gần giống với chất acid salicylic trong thuốc aspirin. Các nhà bào chế đã sử dụng chất đó chế thành một loại thuốc hòa loãng máu để chống sự đông máu. Thuốc này còn có tác dụng làm giảm mỡ trong máu, làm hạ huyết áp, đặc biệt là nó có thể phòng ngừa chứng huyết khối và chữa trị bệnh tắc nghẽn cơ tim. Hơn nữa, thứ thuốc này lại không gây nên tác dụng phụ.

Ngăn cản sự tăng cholesterol trong máu, có tác dụng với các bệnh mỡ máu cao, nhiễm mỡ gan, huyết áp cao.

a1
 

5/ Nghệ:

Còn gọi là nghệ vàng, uất kim, khương hoàng, co hem, co khản mỉn (Thái), khinh lương (Tày), tên khoa học Curcuma domestica Valet, thuộc họ Gừng.

Công dụng: Chữa viêm loét dạ dày, tá tràng, viêm gan vàng da, kinh nguyệt không đều, bế kinh, tích máu sau đẻ, ngã tổn thương tụ máu, thấp khớp, tay chân đau nhức, mụn nhọt, ghẻ lở. Ngày dùng 3-12g, dạng khô, dạng bột, sắc uống.

Nghệ dùng làm gia vị giúp hoạt huyết, trợ tiêu hóa, phòng ngừa ung thư, chống mỡ máu tăng, phòng ngừa tăng huyết áp có hiệu quả.

Dùng ngoài bôi vết thương mới lành để chống sẹo.

a
 

 Lương y Đinh Công Bảy (Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP.HCM) - Ảnh: TL

 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.