Dữ liệu cũ
Thứ tư, 13/05/2015, 11:59 AM

Gánh nặng trên vai người dân

(NTD) - Theo thông tin từ Bộ Tài chính, năm 2015, cả nước thiếu khoảng 32.000 tỷ đồng (1,5 tỷ USD) để bù đắp bội chi ngân sách và trả nợ công.

Theo đó, năm nay, tổng nợ đến hạn phải trả chiếm 30% số thu ngân sách (năm 2014 là 26%). Trong khi đó, chi thường xuyên vẫn giữ ở mức 70%. Như vậy, trả nợ đã “ăn”hết tiền đầu tư. Việc thiếu hụt, thất thu ngân sách dồn áp lực lên vai Bộ Tài chính. Có lẽ đó là lý do khiến năm 2015 đã xuất hiện nhiều hình thức thu phí, lệ phí được coi là nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt ngân sách.

ddcThay-Duong-Trong-Dat
Ảnh minh họa

Sau cú đúp tăng giá của điện và xăng, việc Bộ Tài chính tăng thuế môi trường xăng dầu lên 300% đã khiến xăng dầu mất cơ hội giảm giá trong khi giá xăng dầu thế giới vẫn có xu hướng giảm. Phí cầu đường cũng đang trở thành nỗi lo của các doanh nghiệp. Chẳng hạn, cầu Đồng Nai đã áp mức phí từ 15.000-120.000 đồng/phương tiện từ 8/4. Đoạn đường cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình chỉ có 20 km có mức thu phí xe container 40 feet cao nhất lên đến 5 triệu đồng/tháng… đây chỉ là một vài trong số nhiều ví dụ tiêu biểu cho việc tăng phí và phụ thu. Theo nhiều chuyên gia, tăng thuế, phí và phụ phí là lợi bất cập hại. Nó có thể giúp bù đắp cho ngân sách, nhưng về lâu dài, nó làm gia tăng mạnh chi phí sản xuất. Quan trọng hơn, nó khiến nền sản xuất của chúng ta mất lợi thế của nền sản xuất giá rẻ, giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế so với các nước trong khu vực.

Theo kế hoạch trả nợ, tính đến năm 2015, tổng số nợ mà Việt Nam phải trả là 150.000 tỷ đồng (khoảng 7,1 tỷ USD). Đây là số nợ trong nước, nợ phát hành trái phiếu Chính phủ trước đó, nợ các quỹ tài chính mà Việt Nam vay để đầu tư phát triển. Nợ đến hạn phải trả tăng nhanh trong khi ngân sách Nhà nước có nguy cơ thất thu cao vì dầu thô, ngành thu ngân sách chính giảm giá và có thể sẽ tiếp tục giảm giá. Theo tính toán của các chuyên gia, với giá dầu thô thế giới như hiện nay, ngân sách thất thu từ 12.000-13.000 tỷ đồng. Cùng lúc, cam kết trở thành thành viên chính thức của Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015 trở đi khiến hàng hóa từ nhiều nước ASEAN vào Việt Nam sẽ có thuế suất 0%. Ngân sách Nhà nước sẽ mất đi một lượng lớn từ thuế nhập khẩu các nước trong khu vực. Mới đây, tình hình tiếp tục khó khăn hơn khi thực hiện Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản, không đánh thuế với 3.000 mặt hàng từ Nhật Bản. Ngân sách năm 2015 đã ở mức báo động đỏ.

Đó là chưa kể, hiện có đến 80% các tỉnh thu ngân sách không đủ cho chi thường xuyên và đầu tư. Chỉ có 20% các tỉnh có thể thu đủ chi, cân đối và chủ động ngân sách. Do vậy, bên cạnh tính toán của Bộ Tài chính về việc thu phí, tăng thuế ở tầm “vĩ mô”, người ta có quyền lo ngại về việc các địa phương sẽ gia tăng thuế phí ở cấp “vi mô” sai thẩm quyền, sai chính sách, làm gia tăng gánh nặng lên nền kinh tế và người tiêu dùng. Ngoài ra, còn một hiện tượng không lành mạnh cũng cần quan tâm. Do thiếu vốn đầu tư, Bộ Tài chính sẽ tăng cường huy động vốn phát triển qua phát hành trái phiếu. Nhưng trái phiếu huy động không đến tay các quỹ đầu tư, các kênh huy động vốn mà lại đến tay các ngân hàng thương mại. Các ngân hàng thương mại tăng mua trái phiếu để hưởng lãi suất và đồng tiền vẫn nằm im. Tăng trưởng tín dụng, vì vậy, là tăng trưởng ảo, các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn và dòng vốn trên thực tế không được chảy vào sản xuất.

Tăng thu để cân đối ngân sách là việc rất cần thiết. Nhưng không thể dùng biện pháp tăng thuế, phí, phụ thu để giải bài toán bội chi. Việc cần làm đầu tiên là phải quyết liệt tinh giản bộ máy công chức cồng kềnh, những chi phí quá lãng phí để giảm tối đa mức chi thường xuyên. Triển khai quyết liệt cải cách hành chính, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp phát triển, nuôi nguồn thu để tăng thu một cách lâu dài và căn cơ. Chấm dứt nạn đầu tư dàn trải, vô tội vạ, lãng phí và nạn bày ra đầu tư để tham nhũng, xà xẻo bớt xén của công, thay vì tăng thuế, phí - một việc làm đi ngược quy luật chung của thế giới.

Tăng thuế phí để giảm áp lực ngân sách là thứ tư duy không phù hợp với tái cơ cấu. Bởi tư duy tái cơ cấu không chỉ nhìn thấy quyền lợi của Nhà nước mà phải nhìn thấy quyền lợi của người dân. Tái cơ cấu, theo quan điểm của TS Nguyễn Đình Cung: “Phải tư duy thế nào, sử dụng tốt nhất nguồn lực hiện có để tạo số bánh nhiều nhất. Hoàn toàn không phải là giải pháp chuyển gánh nặng Nhà nước lên vai người dân. Phí và thuế tăng vô hạn trong khi sức chịu đựng người dân có hạn là mâu thuẫn với quan điểm: khoan sức dân để lấy đó làm kế sâu rễ bền gốc của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của chúng ta”.

Dương Trọng Dật

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.