Dữ liệu cũ
Thứ sáu, 13/12/2013, 15:00 PM

Dương Chí Dũng bỏ trốn sau cú điện thoại mật báo

Ngày thứ hai của phiên xử “đại án tham nhũng” tại Vinalines, cựu cục trưởng Hàng hải Dương Chí Dũng khai lý do bỏ trốn trước lệnh bắt là do biết các sai phạm tại Vinalines đang bị phát hiện và muốn đi thật xa.

Theo lời khai của ông Dũng: “Khoảng 18h ngày 17/5/2012, nhận được cuộc gọi của người quen mật báo, bị cáo hoảng quá cứ thế đi luôn, càng xa Hà Nội càng tốt”. Công tố viên truy hỏi người báo tin ngay trước thời điểm lệnh khởi tố được ban hành nhưng ông Dũng cho rằng đã khai với cơ quan điều tra. Việc này liên quan một vụ án khác nên không muốn nói ra tại phiên toà này. 

Cơ quan công tố hỏi trong thời gian bỏ trốn ai đã cung cấp tiền, ông Dũng không trả lời và chỉ nói do thường phải đi công tác xa nên lúc nào cũng chuẩn bị sẵn tiền trong người.

Trong khi đó, vụ cố ý làm trái gây thiệt hại hơn 366 tỷ đồng do ông Dũng và 9 đồng phạm gây ra khi mua ụ nổi 83M, Vinalines được xác định là nguyên đơn dân sự. Có mặt tại tòa, ông Lê Trương Thanh, đại diện Vinalines cho hay, ụ nổi đang neo giữ ở tỉnh Long An và đã được bàn giao cho nhà máy sửa chữa tàu biển. Chi phí hàng tháng cho bảo vệ, sửa chữa cho ụ nổi hết khoảng một tỷ đồng, trong khi suốt 5 năm qua, ụ chưa một lần được đưa vào sử dụng.

Khi chủ tọa hỏi Vinalines có kiến nghị yêu cầu bồi thường như thế nào, ông Thanh ấp úng cho rằng “tuân thủ theo phán quyết của toà”. Chủ tọa Ngô Thị Ánh giải thích, Vinalines là tập đoàn của Nhà nước, không phải cá nhân nên không thể theo thoả thuận. Trách nhiệm của Vinalines là bảo vệ tài sản nhà nước nên ông “phải có đề nghị chính thức”.

Quay trở lại việc ông Dũng cùng 3 thuộc cấp nhận “lại quả” 1,666 triệu USD từ Công ty AP – Singapore sau khi thương vụ mua ụ nổi cũ nát với “giá trên trời” 9 triệu USD thành công, HĐXX xét hỏi nhân vật trung tâm của vụ chia chác này là bị cáo Trần Hải Sơn (nguyên giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines).

Bị cáo Sơn khai đã nhận tiền từ AP chuyển qua tài khoản của công ty em gái Trần Hải Hà. Ông Sơn khẳng định đã hai lần chuyển hai valy tiền (tổng cộng 10 tỷ đồng) cho ông Dũng. Tuy nhiên, giống như hôm qua, ông Dũng tiếp tục phủ nhận, cho rằng đó chỉ là valy rượu.

Có mặt tại tòa, bà Trần Hải Hà khai, năm 2008, sau khi nhận được điện thoại của anh trai đã vội vàng ra ngân hàng rút 5 tỷ đồng. Do nhận tiền nhiều mệnh giá khác nhau nên ông Sơn yêu cầu bà đổi ra tiền 500.000 đồng, nói rằng để mang tới khách sạn cho ông Dũng. “Anh ấy còn nói đùa, nhiều loại tiền vậy thì bắt anh dùng bao tải để đựng à”, bà Hà khai.

Theo lời khai của bị cáo Sơn, chuyển xong tiền cho ông Dũng, Sơn tiếp tục chuyển 10 tỷ đồng “lại quả” cho Tổng giám đốc Mai Văn Phúc. Tuy nhiên, ông Phúc đã phủ nhận việc này. “Tôi đề nghị HĐXX thẩm vấn lại bị cáo Sơn. Nếu đúng là đến nhà, giao tiền nhiều lần cho tôi, thì anh ta có biết phòng khách ở đâu, bố trí ở gian nào”, ông nói.

Tòa triệu tập vợ chồng bà Trần Thị Hải Huyền, em gái ông Sơn, hỏi về việc này. Theo đó, Tết âm lịch cuối năm 2008 hay 2009, họ có nghe anh trai bảo chuẩn bị 2,5 tỷ đồng để mang về đến đám giỗ ở nhà ông Phúc. Họ thấy ông Sơn xếp tiền vào túi to. Chồng bà Huyền trực tiếp lái xe chở bị cáo Sơn đến nhà ông Phúc tại huyện An Dương, Hải Phòng vì hôm đó ông Phúc về đây.

Có mặt tại toà, bà Phạm Thị Mai Phương, vợ ông Dũng, phủ nhận lời khai của Sơn về việc mang valy tiền đến nhà mẹ bà trong lần giao tiền thứ hai. Theo bà, việc bị cáo Sơn khai khi đến nhà không có ai là sai, vì con gái bà đang đẻ nên nhà luôn có người.

Dù cho biết “không chứng kiến việc Sơn đưa tiền”, nhưng bà Phương tin rằng không có việc Sơn chuyển 10 tỷ đồng cho chồng bà như cáo trạng quy kết và lời khai của bị cáo này.

Về hai căn hộ chung cư theo cáo buộc ông Dũng mua bằng tiền tham ô cho người tình, hiện bị kê biên, bà Phương cho rằng nguồn tiền là của gia đình bà. Theo bà, khi ông Dũng nói đưa tiền “để có việc”, bà đã giao mà không biết chồng dùng để mua cho bồ nhí. Giờ bà muốn nói lại việc này trước tòa cho rõ để “chồng không bị oan sai”.

Cùng tâm trạng của người vợ, bà Ngô Thị Vân (vợ của ông Phúc) nghẹn ngào cho biết nếu có việc Sơn đưa số tiền lớn như vậy cho ông Phúc tại An Dương thì chắc bà đã biết. “Tôi là chủ nhân ở đó, có tiền tôi phải biết”, bà Vân rớm nước mắt trình bày.

Khép lại phiên xử buổi sáng, các đại diện của Bộ Giao thông vận tải, ngân hàng Citibank… cũng được HĐXX thẩm vấn. Tất cả đều cho rằng đã làm đúng chức năng, phủ nhận cáo buộc của cơ quan công tố rằng có sai phạm trong việc quản lý, xét hồ sơ và giải ngân khi mua ụ nổi 83M…

2h chiều nay, phiên toà tiếp tục.

Việt Dũng

Nguồn: vnexpress.net

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.