Được mùa rau quả, vẫn chưa vui...

(NTD) - Tăng ấn tượng 130% so với năm trước, hoạt động xuất khẩu rau quả Việt Nam năm 2016 đã chứng kiến những bước tiến vượt bậc với kim ngạch vọt lên con số 2,5 tỷ USD và xem như lần đầu tiên vượt qua kim ngạch xuất khẩu gạo (ước đạt trên dưới 5 triệu tấn, thu về khoảng 2,3 tỷ USD).

Đây là tỷ lệ tăng mạnh nhất trong số các mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu và mang lại những tín hiệu hết sức phấn khởi không chỉ cho nông dân, đặc biệt là nông dân các vùng nguyên liệu trọng điểm, mà còn cho các nhà hoạch định chính sách khi vui vẻ nghĩ đến cơ cấu GDP nay dường như đã tìm ra thêm một lực đẩy mới. Có thể nói, 10 năm trở lại đây, ngành hàng này đã ghi nhận sự gia tăng phi mã. Năm 2005, rau quả Việt Nam được xuất khẩu sang 36 quốc gia với kim ngạch 235 triệu USD. Sau 11 năm, chúng đã có mặt tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo như thông tin từ Bộ Công thương, nếu như năm 2012, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả chỉ đạt 827 triệu USD, năm 2013 đã nâng lên trên 1 tỷ USD, năm 2014 chạm ngưỡng 1,5 tỷ USD và năm 2015 vượt mốc 1,8 tỷ USD. Do đó, rau quả đã lọt vào nhóm không nhiều các ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu “tỷ đô” mỗi năm cùng với thị trường không ngừng mở rộng.

IMG_5731
Ảnh minh họa - Ảnh: Thảo Du

Việc hàng loạt các mặt hàng trái cây tươi của Việt Nam như: Vú sữa, thanh long, chôm chôm, vải, nhãn, xoài... thâm nhập vào các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Úc, New Zealand, Đài Loan... cho thấy cơ hội lớn cho đặc sản từ vườn Việt Nam.

Hiện nay, ngoài Trung Quốc là thị trường tiêu thụ rau quả Việt lớn nhất trong nhiều năm qua thì Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã nổi lên thành các thị trường giàu tiềm năng, có nhu cầu lớn và có xu hướng chuyển sang đẩy mạnh mua hàng từ Việt Nam. Ba quốc gia này đã gia tăng nhập khẩu rau quả Việt so với năm 2015 lên 26% (Hàn Quốc), 52% (Mỹ) và 10% (Nhật). Đây tuy là những thị trường khó tính với các đòi hỏi ngặt nghèo về chất lượng và kiểu dáng sản phẩm nhưng mỗi năm đều có kim ngạch biến động tích cực.

Theo chuyên gia nông nghiệp TS. Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm thì “kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt được hiện nay hoàn toàn chưa tương xứng với tiềm năng. Thực tế, xuất khẩu rau quả có thể nâng lên mức 5 tỷ USD/năm nếu giải quyết được các điểm yếu còn tồn tại”. Từ phát biểu đầy trách nhiệm này, đối chiếu với lời khẳng định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường rằng “hai ưu tiên” để lấy lại đà tăng trưởng cho nông nghiệp chính là thủy sản và rau - quả, người ta mới nhìn thấy được ngành rau quả hiện đang bị “chân không” về chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Tính đến thời điểm này, số lượng vùng nguyên liệu rau quả trong cả nước có thể đáp ứng được cho công nghiệp chế biến tập trung là không nhiều.

Ở phía Bắc có vùng dứa Đồng Giao, Lào Cai; cam ở Hà Giang, Hòa Bình, Tuyên Quang; phía Nam có vú sữa Vĩnh Kim, xoài cát Hòa Lộc... gần như đủ để phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa. Theo ông Đinh Cao Khuê, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Đồng Giao, do chưa có chính sách quy hoạch vùng đối với bất kỳ loại mặt hàng rau quả nào nên đây là một cản trở rất lớn đối với sự phát triển theo quy trình khép kín của ngành.

Hiện có nhiều vùng có thể trồng rau quả được như các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai có thể quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu chanh leo, khoai lang Nhật... với số lượng rất lớn và đều là các sản phẩm thị trường thế giới đang có nhu cầu. Còn với các tỉnh phía Nam, hiện có các khu vực đất nhiễm phèn mặn như Gò Quao (Kiên Giang) lại phù hợp để quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu khóm năng suất cao; trong khi các tỉnh trung du như Lào Cai, Sơn La, Lai Châu... lại thích hợp để quy hoạch phát triển các vùng trồng dứa thay thế cho diện tích cây cao su đang kém hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh, Trưởng Ban chỉ đạo Phát triển thị trường rau, hoa quả cho biết: Để ngành hàng phát huy được tiềm năng, ngoài nỗ lực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cần phải có sự tham gia tích cực của các cấp ngành, các doanh nghiệp và của người nông dân. Trong khi bộ này có vẻ còn loay hoay trong việc triển khai rà soát và đổi mới công tác quản lý quy hoạch, dường như 2,5 tỷ USD “tiềm năng” còn lại của thị trường rau quả thế giới vẫn còn đang bỏ ngỏ. Chúng ta nhận thấy rằng nếu GDP trung bình năm của Việt Nam vào khoảng 220 tỷ USD thì con số đề cập ở trên đã chiếm tới hơn 1% cấu trúc. Hơn nữa, trong khi lúa gạo xuất khẩu của Việt Nam đang bị Ấn Độ, Thái Lan và Campuchia lấn lướt từ lâu thì xem ra rau quả hoàn toàn có thể trở thành một chiến lược được xoay chuyển nhằm mang lại các giá trị giàu tính thực tiễn hơn và xứng đáng hơn với công sức của người làm nông Việt.

Vấn đề còn lại chỉ là độ quyết liệt trong thực hiện và tính liên kết chặt chẽ giữa các bộ ngành!

 Bích Phượng

 

NTD So 80 (290)_Page_05
 

Bình luận

Nổi bật

Tiếp tục đồng hành cùng VPIM 2024, ANTA sẽ đem đến bất ngờ nào?

Tiếp tục đồng hành cùng VPIM 2024, ANTA sẽ đem đến bất ngờ nào?

sự kiện🞄Thứ ba, 14/05/2024, 14:05

(CL&CS) - Đón nhận nhiều phản hồi tích cực từ các vận động viên ở mùa giải 2023, ANTA Sports Vietnam sẽ tiếp tục là nhà tài trợ Kim cương của giải chạy VPBank Hanoi International Marathon 2024 (VPIM 2024). Theo đó, ANTA sẽ tài trợ độc quyền toàn bộ hơn 15.000 áo đấu chuyên nghiệp.

MIK Group ghi dấu với các dòng sản phẩm BĐS cao cấp

MIK Group ghi dấu với các dòng sản phẩm BĐS cao cấp

sự kiện🞄Thứ ba, 14/05/2024, 13:59

(CL&CS) - Lựa chọn cách xuất hiện không ồn ào với chiến lược “hữu xạ tự nhiên hương” để các sản phẩm tự chứng minh giá trị và thuyết phục khách hàng, MIK Group khẳng định vị thế trên thị trường bất động sản với hàng ngàn sản phẩm đã được bàn giao tới khách hàng.

VINAMILK & Quỹ Sữa Vươn Cao Việt Nam năm thứ 17: Thêm nhiều bữa ăn có sữa cho trẻ em

VINAMILK & Quỹ Sữa Vươn Cao Việt Nam năm thứ 17: Thêm nhiều bữa ăn có sữa cho trẻ em

sự kiện🞄Thứ ba, 14/05/2024, 13:40

(CL&CS) - Năm 2024, Quỹ Sữa Vươn Cao Việt Nam và Vinamilk tiếp tục hành trình năm thứ 17, dành tặng 630.000 hộp sữa cho gần 8.000 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn khắp cả nước. Không chỉ mang “niềm vui uống sữa” cho hàng trăm nghìn trẻ em, chương trình đã tiếp thêm sức mạnh cho nhiều em nhỏ theo đuổi ước mơ, hoài bão của mình.