Dữ liệu cũ
Thứ hai, 21/03/2016, 09:59 AM

Đế chế HAG và cú sốc giảm sàn

(NTD) - Liên tục giảm sàn và xác lập mức giá thấp kỷ lục chỉ với 7.600 đồng/cổ phiếu vào phiên giao dịch ngày 3/2/2016, giảm 65,6% so với đầu năm 2015, cổ phiếu HAG của CTCP Hoàng Anh Gia Lai đã gây sốc cho cả thị trường và khiến các nhà đầu tư vô cùng hoang mang.

-oan NguyOn -_c
Ông Đoàn Nguyên Đức

HAG bị siết nợ

Mới đây, thị trường hoang mang khi HAG đột ngột thông báo đã thực hiện giao dịch bán 5,82 triệu cổ phiếu (tương đương 0,82% vốn điều lệ) của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG). Sau giao dịch này, HAG còn nắm giữ hơn 543 triệu cổ phiếu HNG, tương đương 76,69% vốn điều lệ.

Trong thông báo gởi đi, HAG cho biết giao dịch do Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) chi nhánh Gia Lai thực hiện bán giải chấp chứng khoán cầm cố để thu hồi nợ vay và được thực hiện từ ngày 1-4/3/2016 theo phương thức khớp lệnh qua sàn.

Một chuyên gia chứng khoán giấu tên cho biết: “Rất có khả năng trong thời gian tới sẽ có thêm một ngân hàng “ACB thứ 2” bán giải chấp cổ phiếu HAG để thu hồi nợ. Bởi, một khi doanh nghiệp này báo cáo lỗ là cho thấy doanh nghiệp đã có dấu hiệu khó khăn về vốn. Vì nếu không khó khăn thì đâu đến mức bị giải chấp và điều này sẽ ngày càng xuất hiện thường xuyên hơn”.

Nguyên nhân thua lỗ

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2015 của HAG, trong năm 2015, HAG đạt 6.251 tỷ đồng doanh thu, tăng 104% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế lần lượt giảm 47% và 53,3%, đạt 882,9 tỷ đồng và 678,6 tỷ đồng. Như vậy, so với kế hoạch 2.100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế mà HAG đề ra, công ty mới thực hiện 42% kế hoạch. Tính riêng quý 4/2015, HAGL đã báo lỗ 589 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (LNTT) và lợi nhuận sau thuế (LNST) lỗ hơn 566 tỷ đồng. Đây là quý đầu tiên doanh nghiệp này báo lỗ kể từ khi niêm yết vào năm 2008.

Trao đổi với báo giới, Tổng Giám đốc HAG Võ Trường Sơn cho biết, nguyên nhân lỗ trong quý 4 là do Công ty thực hiện tái cấu trúc, đánh giá lại các ngành nghề kinh doanh, tài sản và các khoản nợ tại ngân hàng.

"Lĩnh vực khai thác mỏ sắt không còn phù hợp. Các mỏ ở Lào, Campuchia và ở Việt Nam đã khai thác gần xong, trữ lượng không còn nhiều, hiệu quả cũng không cao nữa nên chúng tôi quyết định xóa sổ lĩnh vực kinh doanh này", ông Sơn cho biết.

Trong khi đó, các khoản nợ ngắn và dài hạn của HAG lại tăng lên với tổng các khoản vay là 27.099 tỷ đồng, tăng 49% so với năm 2014, bằng 0,5 lần so với tổng tài sản (48.604 tỷ đồng). Trong đó, vay ngắn hạn của HAG tăng thêm gần 1.162 tỷ đồng, lên hơn 8.001 tỷ đồng. Vay dài hạn tăng thêm 7.810 tỷ đồng, lên 19.097 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính quý 4/2015, tất cả các khoản vay đều không được HAG công bố vay tại ngân hàng nào.

Với nguồn vốn vay tăng mạnh nên chi phí lãi vay cũng tăng cao so với năm 2014 là 1.151 tỷ đồng, cao hơn cả lợi nhuận đạt được trong năm 2015. Theo giải trình của HAG, chi phí hoạt động tài chính trong kỳ tăng 34 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2014, biến động chủ yếu do chi phí lãi vay ngân hàng và trái phiếu tăng 20 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2014 do Công ty phát hành thêm trái phiếu mới và tăng vay ngân hàng. Lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái tăng 13 tỷ đồng. Chi phí lãi vay ngân hàng và trái phiếu của HAG trong năm 2015 lên đến 1.151 tỷ đồng, cao hơn năm trước 681 tỷ đồng, tương đương 68,9%.

Theo thống kê, doanh thu của HAG chủ yếu đến từ mảng bán bò chiếm 42% cơ cấu doanh thu của HAG, thứ 2 là đến từ các hợp đồng xây dựng chiếm 17%, về mảng bán mủ cao su chỉ đạt 3%. Tuy nhiên, việc Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan), đơn vị phân phối thịt tươi hàng đầu, dừng mua bò của HAG ngay sau lần hợp tác đầu tiên vào tháng 2/2015, đã khiến cho chiến lược chăn nuôi bò của HAG không xuôi chèo mát mái như dự tính.

Cổ phiếu công ty con bất ngờ rớt thảm hại

Không chỉ công ty mẹ làm ăn sụt giảm kéo theo cổ phiếu HAG rớt giá thê thảm mà giá cổ phiếu HNG của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai cũng giảm sâu. Tính đến ngày 3/3/2016, cổ phiếu HNG đã lấy đi 77,6% tài sản của nhà đầu tư, từ mức 33.500 đồng/cổ phiếu xuống còn 7.500 đồng/cổ phiếu.

Không “thua kém” HAG về khoản vay nợ, tính đến cuối năm 2015 tổng nợ vay của HNG là 26.470 tỷ đồng. Trong đó, vay nợ ngắn hạn là 2.979 tỷ đồng, nợ dài hạn 10.411 tỷ đồng.

Và chủ nợ lớn nhất của HNG là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) lên đến 2.315 tỷ đồng. Kế đến là Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) với khoản cho vay 937,3 tỷ đồng. Đáng chú ý, khoản vay tại HDBank Chi nhánh Đồng Nai, được thế chấp bằng 42,8 triệu cổ phiếu HAG thuộc sở hữu của ông Đoàn Nguyên Đức, với lãi suất cho vay 7%/năm trong vòng 60 tháng. Đối với khoản vay 250 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) Chi nhánh Thủ Đức được thế chấp bởi 28,4 triệu cổ phiếu HNG và tiền gửi có kỳ hạn của HAG trị giá 24 tỷ đồng.

Chưa dừng lại ở đó, doanh nghiệp này còn thuê tài chính ngắn hạn 2.101 tỷ đồng tại Ngân hàng Liên doanh Lào Việt, chi nhánh Attapeu thời hạn thanh toán vào năm nay với các tài sản thế chấp như một phần khách sạn Hoàng Anh Attapeu - do HA Attapeu sở hữu, 3 máy robot cắt mía, tài sản hình thành từ nguồn vay đàn bò thuộc dự án… Bên cạnh đó, khoản vay đối với các bên liên quan, cụ thể là HAG lên đến 3.750 tỷ đồng và còn nhiều khoản vay với lãi suất lớn khác…

Giá trị cổ phiếu HAG, HNG vì vậy chứa đựng giá trị của các dự án nuôi bò, cao su, bất động sản, công trình tài sản khác... Do đó, việc lấy cổ phiếu và tài sản của doanh nghiệp làm tài sản bảo đảm, vô hình trung đã tăng rủi ro cho chính các tổ chức tín dụng và cho cả HAG.

Ngay sau khi báo cáo tài chính hợp nhất của HNG được công bố sau nhiều ngày trì hoãn với các khoản vay không ngừng tăng lên, các nhà đầu tư đã đặt dấu chấm hỏi liệu đế chế HAG đã đến thời suy tàn?

Đa ngành nhưng không có cốt lõi

Doanh thu của HNG chủ yếu đến từ mảng bán bò chiếm tỷ lệ 57%, 22% đến từ mảng bán đường. Mảng cao su chỉ đóng góp 5% trong cơ cấu doanh thu của công ty này, đồng thời doanh thu năm 2015 ghi nhận đạt 200 tỷ đồng có phần sụt giảm so với năm 2014 (226,6 tỷ đồng).

Vào hồi đầu tháng 3/2016, khi chưa đầy 2 tuần thực hiện việc chào bán 59 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho hai tổ chức bao gồm Công ty TNHH Đầu tư Cao su Cường Thịnh (27,5 triệu cổ phiếu) và Công ty TNHH Đầu tư Cao su An Thịnh (31,5 triệu cổ phiếu) và thu về 1.652 tỷ đồng, HNG đã nhanh chóng dùng khoản tiền trên để mua lại Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển cao su Đông Dương (công ty này có vốn 1.450 tỷ đồng).

Được biết, từng được xem là “vàng trắng” vì mang lại giá trị cao nhưng thời gian gần đây cao su liên tục rớt giá, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Nhưng HNG lại đang đổ tiền vào đây, điều này được chuyên gia trong ngành đánh giá là khá rủi ro. Tuy nhiên, theo một chuyên gia chứng khoán xin giấu tên, “bầu” Đức không hề còn hứng thú với công ty cao su nữa mà đó chỉ là một thủ thuật điều chuyển vốn cho 2 cổ đông mới góp vốn vào công ty mà thôi.

Chuyên gia chứng khoán này cũng cho biết thêm, nhà đầu tư đang mất niềm tin vào các doanh nghiệp của “bầu” Đức, bởi hoạt động kinh doanh đang ngày càng khó khăn, nợ càng tăng. Ông Đoàn Nguyên Đức quá “tham” khi đầu tư quá nhiều ngành nhưng không rõ thế mạnh và cốt lõi hoạt động của doanh nghiệp mình ở đâu.

“Cổ phiếu HAG và HNG vẫn có thể tăng trở lại nhưng điều này chỉ mang tính chất ngắn hạn vì khi khối ngoại bán ròng, các nhà đầu tư lớn rút lui thì xu hướng tăng giá dài hạn sẽ gặp khó khăn”, vị này nói thêm.

Chpn nu(i b_ HNG
Chăn nuôi bò đang là doanh thu chính của HAG và HNG.

Ánh Hoa

 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.