Thứ ba, 06/04/2021, 20:23 PM

Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”

(CL&CS)- Việc cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu “ (KTCL, KTATTP đ/v HHNK) nhằm cắt giảm chi phí, thời gian thông quan hàng hóa nhập khẩu, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi thực hiện xã hội hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra, bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước, bảo vệ môi trường, quyền lợi và sức khỏe cộng đồng,… là việc làm ý nghĩa và cấp thiết.

Ngày 12 tháng 01 năm 2021 Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số  38/QĐ-TTg  phê duyệt Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu “.

Đề án nhằm mục tiêu chung là tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng; nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

A

Mục tiêu cụ thể của Đề án là cải cách toàn diện các quy định về hoạt động KTCL,KTATTP đ/v HHNK theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng quản lý rủi ro, đơn giản hóa quy trình, thủ tục KTCL,KTATTP đ/v HHNK, giảm đầu mối tiếp xúc giữa doanh nghiệp với các cơ quan, tổ chức; cắt giảm chi phí, thời gian thông quan hàng hóa nhập khẩu; tạo môi trường, điều kiện cần thiết thực hiện xã hội hóa hoạt động KTCL,KTATTP; bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước, bảo vệ môi trường, quyền lợi và sức khỏe cộng đồng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động KTCL,KTATTP đ/v HHNK nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ, đúng quy định pháp luật đối với hàng hóa nhập khẩu, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, an toàn kinh tế;  tổ chức lại mô hình hoạt động KTCL,KTATTP đ/v HHNK theo hướng đơn giản, hiệu quả, phân công trách nhiệm một cách hợp lý, rõ ràng, minh bạch giữa các bên tham gia (các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, cơ quan hải quan, các tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định).

7  cải cách trong KTCL, KTATTP đ/v HHNK

Cải cách 1: Giao cơ quan hải quan là đầu mối trong KTCL,KTATTP đ/v HHNK

Cơ quan hải quan là đầu mối thực hiện KTCL,KTATTP đ/v HHNK tại cửa khẩu, thực hiện tiếp nhận hồ sơ đăng ký KTCL,KTATTP hàng hóa nhập khẩu;  quyết định phương thức kiểm tra (kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường, kiểm tra giảm); và thực hiện kiểm tra hồ sơ.

Trường hợp hàng hóa phải lấy mẫu để chứng nhận hợp quy/giám định thì thực hiện chứng nhận hợp quy/giám định tại tổ chức chứng nhận/giám định hoặc các đơn vị, tổ chức của cơ quan hải quan được bộ quản lý ngành, lĩnh vực chỉ định theo lựa chọn của người khai hải quan.  Khi xác định hàng hóa không đáp ứng yêu cầu về chất lượng, về an toàn thực phẩm, cơ quan hải quan dừng thông quan hàng hóa và thông báo cho các cơ quan, tổ chức liên quan để phối hợp xử lý theo quy định pháp luật.

Cải cách 2: Áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra cho cả lĩnh vực KTCL, KTATTP nhằm cắt giảm số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra

Áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra đối với lĩnh vực KTATTP và kiểm tra chất lượng nhằm cắt giảm số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra.  Phương thức kiểm tra chặt gồm kiểm tra hồ sơ kết hợp lấy mẫu chứng nhận, giám định, kiểm nghiệm).  Phương thức kiểm tra thông thường gồm kiểm tra hồ sơ đăng ký KTCL,KTATTP.  Phương thức kiểm tra giảm gồm kiểm tra hồ sơ ngẫu nhiên không quá 5% trên tổng số lô hàng thuộc diện kiểm tra giảm của năm liền kề trước đó).

Hàng hóa đã có 03 lần liên tiếp đạt yêu cầu nhập khẩu theo phương thức kiểm tra chặt được chuyển sang phương thức kiểm tra thông thường; hàng hóa đã có 03 lần liên tiếp đạt yêu cầu nhập khẩu theo phương thức kiểm tra thông thường được chuyển sang phương thức kiểm tra giảm. Doanh nghiệp không phải gửi văn bản yêu cầu để được áp dụng kiểm tra giảm mà hệ thống công nghệ thông tin và cơ quan kiểm tra nhà nước tự động xác định hàng hóa được miễn giảm kiểm tra. Việc áp dụng phương thức kiểm tra và chuyển đổi phương thức kiểm tra phụ thuộc vào mức độ rủi ro, khả năng gây mất an toàn của hàng hóa nhập khẩu (ví dụ, đối với hàng hóa có độ rủi ro cao như vật liệu nổ, thuốc thú y... phải kiểm tra chặt chẽ hơn nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa).

Cải cách 3: Đơn giản hóa thủ tục KTCL, KTATTP đ/v HHNK

Cơ quan hải quan thực hiện đồng thời thủ tục nhập khẩu hàng hóa và thủ tục KTCL,KTATTP, doanh nghiệp chỉ thực hiện với một đầu mối là cơ quan hải quan.  Hàng hóa nhập khẩu được phân loại vào các quy trình kiểm tra khác nhau dựa trên các phương thức kiểm tra theo hướng đơn giản dần trên cơ sở ứng dụng tối đa công nghệ thông tin.  Hệ thống tự động quyết định đối tượng được miễn, giảm kiểm tra, doanh nghiệp không phải thực hiện thủ tục đề nghị miễn, giảm kiểm tra. Cắt giảm trình tự, thủ tục và thời gian thông quan hàng hóa (cắt giảm 3 bước thủ tục trong 10 bước đối với quy trình kiểm tra chất lượng, cắt giảm 2 bước thủ tục trong 5 bước đối với quy trình kiểm tra an toàn thực phẩm).

 Cải cách 4: Thực hiện kiểm tra theo mặt hàng để cắt giảm số lượng các lô hàng phải kiểm tra

Áp dụng phương thức kiểm tra, chuyển đổi phương thức kiểm tra từ kiểm tra chặt sang kiểm tra thông thường, từ kiểm tra thông thường sang kiểm tra giảm thực hiện đối với hàng hóa giống hệt, không phân biệt nhà nhập khẩu để cắt giảm một số bước kiểm tra không cần thiết và cắt giảm tỷ lệ kiểm tra đối với cùng một mặt hàng. Người nhập khẩu chịu trách nhiệm với lô hàng nhập khẩu và sẽ bị xử lý theo quy định nếu hàng hóa không đạt chất lượng.

Cải cách 5: Áp dụng đầy đủ, thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro trong KTCL, KTATTP đ/v HHNK để bảo đảm vai trò quản lý nhà nước và nâng cao tính tuân thủ của doanh nghiệp

Áp dụng đầy đủ, thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro trong KTCL, KTATTP đ/v HHNK, trong đó đánh giá theo tiêu chí lựa chọn đối với nhà xuất khẩu, nhà sản xuất ở nước ngoài;  đánh giá tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; và xây dựng Danh mục hàng hóa rủi ro của từng lĩnh vực quản lý chuyên ngành.

Các bộ quản lý ngành, lĩnh vực phối hợp cung cấp cho cơ quan hải quan các thông tin rủi ro để thực hiện áp dụng quản lý rủi ro “tích hợp” trong KTCL, KTATTP.   Cơ quan hải quan thực hiện KTCL, KTATTP trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm hoặc ngẫu nhiên (không quá 5%) để đánh giá tuân thủ pháp luật của người khai hải quan.

Cải cách 6: Bổ sung đối tượng được miễn KTCL, KTATTP

Áp dụng thống nhất các trường hợp miễn kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực thẩm trên cơ sở tổng hợp các trường hợp miễn kiểm tra tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Nghị định số 85/2019/NĐ-CP quy định thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia, cơ  chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu; bổ sung, mở rộng một số trường hợp miễn phù hợp với thực tiễn; công nhận, thừa nhận hàng hóa đã được kiểm tra tại nguồn, hàng hóa được sản xuất theo công nghệ tiên tiến và có xuất xứ từ những nước, vùng lãnh thổ có tiêu chuẩn chất lượng cao.  Đề án đưa ra 19 nhóm tài sản, hàng hóa  được miễn kiểm tra chất lượng, miễn kiểm tra an toàn thực phẩm.

Cải cách 7: Ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin để triển khai mô hình mới

Kế thừa lại phần thiết kế các chức năng xử lý dữ liệu thuộc hệ thống xử lý chuyên ngành và chuyển luồng dữ liệu từ Cổng thông tin một cửa quốc gia trực tiếp tới hệ thống thông quan hải quan, các hệ thống chuyên ngành tiếp tục chia sẻ thông tin hiện có và chia sẻ thêm thông tin thông quan từ phía cơ quan hải quan để phục vụ công tác quản lý nhà nước của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực.  Nâng cấp Cổng thông tin một cửa quốc gia, hệ thống thông quan tự động và hệ thống quản lý rủi ro để bổ sung các tính năng mới (Hỗ trợ doanh nghiệp xác định hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành; hỗ trợ doanh nghiệp công bố tiêu chuẩn/quy chuẩn áp dụng đối với hàng hóa; kết nối và chia sẻ hồ sơ, dữ liệu cho các bên liên quan; phân luồng kiểm tra chuyên ngành kết hợp với phân luồng kiểm tra hải quan; cung cấp các chỉ dẫn cho doanh nghiệp để thực hiện các công đoạn trong kiểm tra chuyên ngành kết hợp với kiểm tra hải quan; lấy mẫu, giao nhận mẫu và quản lý mẫu...).

B

Nội dung mô hình mới về KTCL,KTATTP đ/v HHNK

Hoạt động KTCL,KTATTP đ/v HHNK theo mô hình mới được thực hiện tại bộ quản lý ngành, lĩnh vực hoặc cơ quan hải quan theo lựa chọn của tổ chức, doanh nghiệp. Trường hợp thực hiện tại cơ quan hải quan, cơ quan hải quan giải quyết đồng thời thủ tục hải quan và thủ tục KTCL, KTATTP.

Mô hình mới về kiểm tra chất lượng

- Phương thức kiểm tra: Hàng hóa nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chất lượng được thực hiện theo 03 phương thức. 

+ Phương thức kiểm tra chặt: Áp dụng đối với hàng hóa thuộc một trong các trường hợp hàng hóa chưa có chứng nhận hợp quy;  Hàng hóa không đạt yêu cầu nhập khẩu tại lần kiểm tra trước đó; Hàng hóa không đạt yêu cầu trong các lần thanh tra, kiểm tra (nếu có); có cảnh báo của bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc của cơ quan có thẩm quyền tại nước ngoài hoặc của nhà sản xuất.

+ Phương thức kiểm tra thông thường: Áp dụng đối với hàng hóa thuộc một trong các trường hợp hàng hóa đã có chứng nhận hợp quy; hàng hóa đã có 03 lần liên tiếp trong vòng 12 tháng đạt yêu cầu nhập khẩu theo phương thức kiểm tra chặt.

+ Phương thức kiểm tra giảm: Áp dụng đối hàng hóa đã có 03 lần liên tiếp trong vòng 12 tháng đạt yêu cầu nhập khẩu theo phương thức kiểm tra thông thường.

Việc áp dụng phương thức kiểm tra và chuyển đổi phương thức kiểm tra (từ chặt sang thông thường, từ thông thường sang giảm) áp dụng đối với hàng hóa giống hệt, không phân biệt nhà nhập khẩu. Việc chuyển đổi phương thức kiểm tra được áp dụng trong thời hạn nhất định.

- Cơ quan kiểm tra: Đề án nêu rõ trình tự, thủ tục, các nội dung thực hiện của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra chất lượng.

Mô hình mới về kiểm tra an toàn thực phẩm

- Phương thức kiểm tra: Hàng hóa nhập khẩu thuộc diện kiểm tra an toàn thực phẩm được thực hiện theo 03 phương thức.

+ Phương thức kiểm tra chặt: Áp dụng đối với hàng hóa thuộc một trong các trường hợp hàng hóa không đạt yêu cầu nhập khẩu tại lần kiểm tra trước đó;  hàng hóa không đạt yêu cầu trong các lần thanh tra, kiểm tra (nếu có); có cảnh báo của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc của cơ quan có thẩm quyền tại nước ngoài hoặc của nhà sản xuất.

+ Phương thức kiểm tra thông thường: Áp dụng đối với hàng hóa thuộc một trong các trường hợp: Không thuộc trường hợp áp dụng phương thức kiểm tra chặt và phương thức kiểm tra giảm; Đã có 03 lần liên tiếp trong vòng 12 tháng đạt yêu cầu nhập khẩu theo phương thức kiểm tra chặt.

+ Phương thức kiểm tra giảm: Áp dụng đối hàng hóa thuộc một trong các trường hợp đã được xác nhận đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước đã ký kết Điều ước quốc tế thừa nhận lẫn nhau trong hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm mà Việt Nam là thành viên; có kết quả kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu đối với lô hàng, mặt hàng phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam; Đã có 03 lần liên tiếp trong vòng 12 tháng đạt yêu cầu nhập khẩu theo phương thức kiểm tra thông thường; Được sản xuất trong các cơ sở áp dụng một trong các hệ thống quản lý chất lượng GMP, HACCP, ISO 22000, IFS, BRC, FSSC 22000 hoặc tương đương.

Việc áp dụng phương thức kiểm tra và chuyển đổi phương thức kiểm tra (từ chặt sang thông thường, từ thông thường sang giảm) áp dụng đối với hàng hóa giống hệt, không phân biệt nhà nhập khẩu. Việc chuyển đổi phương thức kiểm tra được áp dụng trong thời hạn nhất định.

- Cơ quan kiểm tra: Đề án nêu rõ trình tự, thủ tục, các nội dung thực hiện của cơ quan kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu do Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao/chỉ định, Cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu .

bacninh_MSMP

Các giải pháp triển khai mô hình mới

Giải pháp về hoàn thiện cơ sở pháp lý

Xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu để thực hiện phương án cải cách mô hình KTCL, KTATTP đ/v HHNK tại cửa khẩu.

Giải pháp về hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin

Nâng cấp, bổ sung một số chức năng của hệ thống công nghệ thông tin để đáp ứng các yêu cầu về tự động xác định đối tượng hàng hóa thuộc hoặc không thuộc diện miễn kiểm tra; kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động nhập khẩu, với những thông tin cơ bản; công khai, minh bạch các thông tin về chất lượng hàng hóa với những thông tin cơ bản; tích hợp Hệ thống thông quan tự động hải quan với Cổng thông tin một cửa quốc gia, một cửa ASEAN.

Giải pháp về nguồn lực thực hiện KTCL,KTATTP đ/v HHNK

Nâng cao năng lực KTCL,KTATTP đ/v HHNK của cơ quan hải quan.Mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định.

Giải pháp về hoàn thiện hệ thống quản lý rủi ro trong KTCL,KTATTP đ/v HHNK

 Hoàn thiện cơ chế áp dụng quản lý rủi ro trong KTCL,KTATTP.  Xây dựng, nâng cấp các chức năng của hệ thống công nghệ thông tin phục vụ thu thập thông tin, phân tích, đánh giá rủi ro, đối với hàng hóa phải KTCL,KTATTP.

Giải pháp tăng cường phối hợp, kết nối, chia sẻ thông tin giữa khâu kiểm tra trước thông quan và khâu kiểm tra sau thông quan

Bộ quản lý ngành, lĩnh vực tăng cường cảnh báo đối với hàng hóa có rủi ro, nguy cơ về chất lượng, an toàn thực phẩm, kịp thời thông báo cho cơ quan hải quan để ngăn chặn, phòng ngừa ngay tại cửa khẩu. Đồng thời thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, trung tâm quản lý rủi ro liên ngành, thông tin về việc KTCL,KTATTP trước thông quan được công khai minh bạch để các cơ quan kiểm tra thuộc bộ quản lý ngành, lĩnh vực thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại khâu lưu thông trên thị trường nội địa.

Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899) được giao nhiệm vụ chỉ đạo triển khai Đề án cải cách mô hình KTCL,KTATTP đ/v HHNK.  Thành lập Tổ triển khai thực hiện Đề án do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan làm tổ trưởng với các thành viên là đại diện lãnh đạo cấp tổng cục, vụ, cục thuộc các bộ quản lý ngành, lĩnh vực; đại diện các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan. Đề án còn phân công nhiệm vụ và phối hợp thực hiện giữa   Bộ Tài chính  và các bộ quản lý ngành, lĩnh vực.

Lộ trình thực hiện trong 6 năm

Giai đoạn 1: Từ năm 2020 đến năm 2023. Giai đoạn này sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu trong quý II năm 2021. Tổ chức triển khai thực hiện Đề án.

Giai đoạn 2: Từ năm 2023 đến năm 2026.  Rà soát, sửa đổi bổ sung các luật quản lý chuyên ngành và văn bản có liên quan, báo cáo các cấp có thẩm quyền theo hướng áp dụng các thông lệ quốc tế tốt nhất và thống nhất đầu mối KTCL,KTATTP đ/v HHNK tại cửa khẩu là cơ quan hải quan.

Đề án được  các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan  thực hiện  nghiêm túc sẽ nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, đồng thời tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng./.

Vũ Thao - Hoàng Tuấn

Bình luận

Nổi bật

Nâng cao khả năng quản lý chất lượng vật liệu xây dựng

Nâng cao khả năng quản lý chất lượng vật liệu xây dựng

sự kiện🞄Thứ sáu, 22/11/2024, 17:56

(CL&CS) - Nhằm nâng cao khả năng quản lý chất lượng vật liệu xây dựng (VLXD), ngày 01/11/2024 Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT-BXD như một giải pháp đảm bảo chất lượng công trình và nâng cao vị thế ngành trên thị trường quốc tế.

Tiêu chuẩn ISO 22000: Bảo vệ người tiêu dùng và xây dựng niềm tin trong chuỗi cung ứng thực phẩm

Tiêu chuẩn ISO 22000: Bảo vệ người tiêu dùng và xây dựng niềm tin trong chuỗi cung ứng thực phẩm

sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 21:46

(CL&CS)- Việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 22000 không chỉ đảm bảo an toàn thực phẩm mà còn mang lại nhiều lợi ích khác như nâng cao uy tín, tuân thủ pháp luật và cải tiến quy trình quản lý.

Bắc Giang hướng dẫn triển khai quy định về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng

Bắc Giang hướng dẫn triển khai quy định về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng

sự kiện🞄Thứ tư, 20/11/2024, 14:14

(CL&CS)- Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang vừa có công văn hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương, các tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện các quy định về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng.