Thứ hai, 21/10/2019, 15:08 PM

Đảo và bờ biển Việt Nam nhìn từ trên cao

(NTD) - Tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP. HCM vừa diễn ra sự kiện triển lãm ảnh ra mắt sách ký sự “Không ảnh Đảo và bờ biển Việt Nam” của nhà báo Giản Thanh Sơn. Đây là lần thứ sáu Giản Thanh Sơn ra mắt công chúng những quyển sách hình mang nét độc đáo bởi cách sáng tác “không đụng hàng” của riêng anh.

Cánh nhà báo chúng tôi hay gọi đùa Giản Thanh Sơn là “Ông thần đi mây - về gió”, bởi không phải ai (đặc biệt là báo giới) có được cái may mắn thường xuyên ngồi trên máy bay (dân sự và quân sự) như anh, để rồi từ vị thế đó cộng với lòng yêu nghề, yêu tổ quốc mãnh liệt anh đã có những bộ ảnh hết sức độc đáo - khẳng định tên tuổi của mình mà chắc chắn từ trước đến nay không một nhiếp ảnh gia Việt Nam nào có thể thực hiện được như thế...

a1
Giản Thanh Sơn đang tác nghiệp.

Sinh năm 1957, tại Cần Giuộc (Long An), Giản Thanh Sơn có dáng người thấp đậm và mái tóc dài bạc phơ trông rất nghệ sĩ. Với hơn 40 năm gắn bó với nghề báo, Giản Thanh Sơn đã tạo cho mình một uy tín và độ tin cậy để được chọn tháp tùng các chuyến công du ngoại giao của các lãnh đạo cấp Nhà nước. Đến nay anh đã tác nghiệp ở hơn 80 quốc gia cũng như ở các hội nghị quốc tế, cuộc họp của Đai hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ)... Anh kể lại một vài kỷ niệm về các vị nguyên thủ quốc gia mà anh đã chụp ảnh họ trong những trường hợp hết sức đáng nhớ: Năm 2006, trong Hội nghị thượng đỉnh Đại hội đồng LHQ, Tổng thống Iran lúc đó là ông Ahmadinejad bị Mỹ và các đồng minh rầm rộ cáo buộc về chương trình làm giàu Uranium (để chế tạo đầu đạn hạt nhân). Thời điểm đó, ông tổng thống này rất nổi tiếng và Giản Thanh Sơn quyết chụp ông cho bằng được. Khi bế mạc, mỗi đoàn đi ra theo một lối riêng (tòa nhà LHQ vốn nhiều cửa). Giản Thanh Sơn may mắn đã canh đúng cửa ra của phái đoàn Iran. Khi Tổng thống Ahmadinejad xách chiếc cặp cùng đoàn tùy tùng đi ra, anh đưa máy ảnh lên thì nhóm cận vệ đã ập sát che chắn cho tổng thống, Giản Thanh Sơn nhanh trí la lớn “Việt Nam! Việt Nam!”. Nghe vậy, vị tổng thống dừng chân và đưa tay lên vẫy vẫy, đám cận vệ giãn ra. Thế là Giản Thanh Sơn bấm máy lia lịa...

a2
Giản Thanh Sơn và phi hành đoàn 917.

Tại Hội nghị APEC lần thứ 18 tại Yulohama (Nhật, 2010), trong một buổi chiêu đãi có biểu diễn âm nhạc truyền thống Nhật Bản, Giản Thanh Sơn tình cờ được ngồi rất gần Tổng thống Mỹ Barack Obama, anh nghĩ đây là cơ hội không dễ gì có được lần thứ hai nên đánh liều đưa máy ảnh lên (quy định ở đây không được chụp ảnh), lập tức bộ phận an ninh của Nhật Bản xông đến khoát tay không cho chụp. “Bổn cũ soạn lại”, Giản Thanh Sơn lại la lớn: “Việt Nam! Việt Nam!”. Nghe vậy, ông Obama đưa ngón tay cái “number one” lên dứ dứ... Cánh an ninh dạt ra, vậy là Giản Thanh Sơn cứ thoải mái chụp một loạt cận cảnh chân dung vị tổng thống này.

Trở lại sự kiện triển lãm ảnh (tuyển chọn 180 ảnh) và ra mắt cuốn vựng ảnh “Không ảnh Đảo và Bờ biển Việt Nam” (dày 340 trang, với khoảng 400 ảnh do NXB Thông tấn ấn hành vào quý 2/2019). Có lẽ, chưa bao giờ tại Nhà Văn hóa Thanh Niên có một cuộc triển lãm ảnh “hoành tráng” như thế. Không gian triển lãm chiếm trọn khoảng sân A4 với cách bài trí được nhóm cộng sự của anh thiết kế một cách bài bản và đẹp mắt còn trong hội trường là buổi giao lưu tác giả - tác phẩm, khách đến dự (trong đó có nhiều vị lãnh đạo cao cấp) ngồi kín cả hội trường kể cả phần gác lửng...

a6
Vịnh Cam Ranh.

Giản Thanh Sơn kể lại rằng, ngay từ lần đầu tiên được tháp tùng các quan chức Việt Nam từ Vũng Tàu bay ra Côn Đảo trên một chiếc trực thăng nhân kỷ niệm 10 năm ngày thống nhất đất nước (1975-1985), từ trên cao nhìn xuống thấy đất nước mình đẹp quá, hùng vĩ quá, anh đã nảy ra ý tưởng chụp ảnh từ trên không... Đến khoảng năm 1995, anh có cơ hội kết thân với Trung đoàn Không quân 917 (thuộc Sư đoàn Không quân 370), được các sĩ quan chỉ huy tạo mọi điều kiện cho anh đồng hành trong các chuyến phi trình xuyên Việt từ Nam ra Bắc, từ mũi Cà mau đến vịnh Bắc bộ... Như vậy, Giản Thanh Sơn đã có hơn 20 năm chuyên chụp không ảnh.

a
Đảo Trường Sa lớn.

Giản Thanh Sơn bộc bạch: “Đất nước mình, mỗi vùng miền có một nét đẹp riêng, đặc biệt là miền Tây Nam bộ với đồng bằng thẳng tắp (các thửa ruộng rất ít chia ô chằng chịt như ở miền Trung, miền Bắc). Từ trên cao nhìn xuống, màu vàng của lúa chín xen lẫn những mảng xanh của cây cối, vườn tược... Thỉnh thoảng bốc lên những cột khói đốt đồng mờ mờ ảo ảo, rồi những con sông uốn lượn, những đường lộ ngoằn ngoèo... Tất cả, đẹp như một bức tranh mà không một họa sĩ nào có thể vẽ được. Đặc biệt, mỗi lần bay trên quê hương Long An của tôi: Nhìn xuống những con sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, cầu Bến Lức, cầu Tân An... tôi xúc động đến nghẹn lời, nước mắt lưng tròng... Cũng từ miền Tây Nam bộ bay ra vùng biển Tây Nam của tổ quốc, cảm xúc thật dạt dào khi được ngắm nhìn các hòn đảo Phú Quốc, Thổ Chu, Nam Du, Hải Tặc... từ trên cao. Từ đó bay ra vùng biển trong vịnh Thái Lan sẽ gặp một hòn đảo nằm cô độc giữa biển khơi là Hòn Chuối, bay xa thêm chút nữa sẽ thấy một Nhà Giàn có cắm cờ tổ quốc sừng sững như một cột mốc chủ quyền quốc gia trên biển. Khó có thể diễn tả được nỗi xúc động trong tôi lúc đó... Ngược ra miền Trung, không như ở Nam bộ với những con sông đỏ quạch, cuồn cuộn phù sa, sông ngòi ở miền Trung mang một màu xanh mát mắt, trông thật thơ mộng, thanh bình. Biển cũng xanh thẳm một màu. Những ngày trời quang mây tạnh bay trên vịnh Nha Trang vẫn có thể nhìn thấy những rạn san hô lung linh dưới đáy biển. Đôi khi lại bắt gặp những đảo đá mồ côi, không tên trông tựa như một con quái vật trồi lên từ lòng biển... Tôi đặc biệt xúc động khi được bay trên vùng biển đảo linh thiêng của tổ quốc giáp với lãnh thổ Trung Quốc, vì biết rằng mình hiếm có cơ hội để chụp lại những quần đảo dẹp như chốn bồng lai tiên cảnh: Đó là những quần đảo Long Châu, Cát Bà, Bạch Long Vĩ... Điểm nhấn của sách ảnh “Không ảnh Đảo và Bờ biển Việt Nam” là nêu bật chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Với quần đảo Hoàng Sa, tôi đã chụp trong hoàn cảnh đặc biệt nguy hiểm vì ngồi trên máy bay quân sự, lại bay trên vùng lãnh hải bị chiếm giữ. Chụp xong, tôi chỉ giữ lại hình dáng tổng thể của đảo còn thì xóa trắng tất cả những công trình do bên xâm chiếm xây dựng trên đảo (vì nếu để nguyên thì hóa ra mình công nhận chủ quyền của họ)... Nếu lấy cột mốc từ mũi Cà Mau đến vịnh Bắc bộ thì tôi đã đi xuyên suốt, nhưng vẫn còn thấy tiếc vì còn có những vùng biển đảo ở phía Bắc tôi chưa có điều kiện để chụp như ở vịnh Hạ Long chẳng hạn...”.

a5
Phù sa về - bờ biển Bạc Liêu.

Giản Thanh Sơn tiết lộ: “Tôi đang chọn ảnh để thực hiện tiếp đề tài “Việt Nam nhìn từ không trung”. Tôi đã rất xúc động khi bay trên những địa danh lịch sử để chụp ảnh: Vĩ tuyến 17, thung lũng Khe Sanh, A Lưới, đường Trường Sơn... Hy vọng với đề tài mở rộng (chụp đất liền) sẽ có nhiều hình đẹp và giá trị để tiếp tục in sách ảnh song song với triển lãm phục vụ người xem”.

a3
Hòn Kim Quy trên biển Kiên Giang.
a4
Phú Quốc.

Hà Đình Nguyên - Ảnh Giản Thanh Sơn

Bình luận

Nổi bật

LITHACO: Mục tiêu năm 2030 có 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu

LITHACO: Mục tiêu năm 2030 có 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu

sự kiện🞄Thứ tư, 15/05/2024, 17:04

(CL&CS) - Sáng ngày 11/5, Hội thảo "Điện mặt trời – Kỷ nguyên lưu trữ năng lượng" do công ty LITHACO tổ chức đã giới thiệu về Pin năng lưu trữ năng lượng và ứng dụng của dòng pin này trong đời sống.

Thực hiện quy định chức danh, chuẩn nhà giáo: Đảm bảo chất lượng giáo dục

Thực hiện quy định chức danh, chuẩn nhà giáo: Đảm bảo chất lượng giáo dục

sự kiện🞄Thứ tư, 15/05/2024, 09:08

(CL&CS) - Việc thực hiện quy định chức danh, chuẩn nhà giáo giúp thống nhất quản lý đối với tất cả nhà giáo, đảm bảo chất lượng nhà giáo nói chung và tạo cơ hội học tập bình đẳng của người học ở tất cả vùng miền, loại hình cơ sở giáo dục.

Quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non

Quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non

sự kiện🞄Thứ tư, 15/05/2024, 09:08

(CL&CS) - Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể.