Thứ bảy, 25/01/2020, 06:29 AM

Con mèo không bắt chuột

(NTD) - Quán cà phê ngay đầu chợ xã. Bà chủ quán ở tuổi trung niên, chưa chồng, nhan sắc vẫn còn mặn mòi nên dù cà phê không ngon, khách ủng hộ cũng kéo tới đông nườm nượp mỗi sáng sớm. Trong số khách “ruột” của bà chủ quán tên Nguyệt có hai ông bạn học với nhau cùng một lớp thời tiểu học trường làng.

Khi lên trung học mỗi người đi một nơi, trong thời chiến tranh mỗi người đi một hướng, ở “hai đầu chiến tuyến” theo cách nói thời trước 1975. Hết chiến tranh, sau năm 1975 họ gặp lại nhau một vài lần khi Ba Tấn - cán bộ cách mạng ở một cơ quan Nhà nước - về thăm nhà. Lúc đó, Năm Tiếp là lính Hải Quân chế độ cũ học tập xong cũng trở về quê cưới vợ làm ruộng. Thế mà thoáng một cái, thời gian đã trôi qua 35 năm, hai ông bạn nối khố giờ đang ở tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh” mới có thể rảnh rỗi la cà ở quán cà phê của “cô” Mười Nguyệt một “hoa khôi” hàng U40 theo cách nói của những cuộc thi hoa hậu tổ chức như nấm gặp mưa thời bây giờ. “Anh Năm vẫn đen, anh Ba vẫn cà phê sữa như xưa phải không?”. “Vẫn ‘vũ như cẩn’.” - Năm Tiếp vê hàng ria rậm đùa.

Khi Mười Nguyệt bưng cà phê ra bàn, vừa quay đi. Năm Tiếp ghé vào tai Ba Tấn thì thào: “Mày chưa vợ... tấn công đi, tao coi mòi Mười Nguyệt có cảm tình với mày rồi đó”. “Sao biết?” - Ba Tấn cười cười hỏi. “Trời ơi, ‘chuyện tình yêu khó nói lắm anh ơi’ nó được cảm nhận bằng giác quan thứ sáu chứ không thể giải thích bằng cái gì khác”.

Mười Nguyệt là gái miệt vườn ở xóm Rẫy cách chợ xã non một cây số, bên kia cây Cầu Lộ. Thứ mười cũng là con gái út, nhưng cha mẹ mất hết, anh em tứ tán, phiêu bạc, chỉ còn lại người anh thứ sáu có vợ con đùm đề hiện giữ gia sản của cha mẹ để lại gồm ba mẫu dừa, hai mẫu ruộng, trong đó có phần của Mười Nguyệt. Nhưng gặp phải bà chị dâu quá quắt, Mười Nguyệt không ở chung được trong gia đình người anh nên tự mua miếng đất ở đầu chợ xã sống riêng, vừa mở quán cà phê để “tăng thêm thu nhập”. Ở tuổi 47, không phải làm lụng vất vả, lại còn nét đẹp thời con gái tồn tại nên trông Mười Nguyệt trẻ hơn tuổi với mái tóc dài đen mượt, quăn tự nhiên thành lọn lớn, nước da trắng muốt, gương mặt trái xoan, đôi mắt to đen láy, nụ cười lại có một lúm đồng tiền chết người và sắc mặt lúc nào cũng ửng đỏ nếu chỉ tính phần nhan sắc, nhiều cô gái nheo nhẻo chưa chắc đã bì kịp.

Năm Tiếp lại khều khều Ba Tấn: “Ông nhìn gương mặt Mười Nguyệt xem. Sách ‘nhân diện học’ có đề cập rồi. ‘Hồng diện...’. Hì hì, ông mà bỏ qua mối này cực kỳ uổng phí. Không thiếu gì ‘đại gia’ miệt tỉnh, miệt huyện, miệt xã, miệt vườn lượn lờ để thi nhau ‘cưa’ đấy”. “Hỏi thật, có mày trong đó không?” - Ba Tấn nheo mắt cười hỏi. “Tao già rồi, làm ruộng, làm vườn khắc khổ, mưa nắng quanh năm suốt tháng nên tao giống như ông già, hơn nữa tao cũng có vợ con đùm đề còn cửa đâu nữa mà mơ. Chỉ có mày thôi Ba Tấn ạ, vô đi, tao làm mai cho”. - Năm Tiếp sốt sắng đốc vô khiến Ba Tấn buồn cười. Tuổi có sạn trong đầu rồi mà quen với bạn gái phải có người làm mai, làm mối thì quả thật chẳng giống ai. Nhưng nghe ông bạn nối khố nhiệt tình, Ba Tấn cũng cảm thấy vui vui.

Sau một lúc bận tíu tít để pha cà phê cho khách, Mười Nguyệt rảnh nên tới bàn của Ba Tấn ngồi chơi. Giờ thì đám khách trẻ chỉ ngồi quanh bình trà bình luận chuyện mấy con gà nòi nuôi đá Tết. Mỗi ông khách đi uống cà phê ôm theo một con gà nòi và xách theo một cái bội bằng tre đan hoặc bằng kẽm. Gà nhốt trong bội để thành hàng dài bên vệ đường như triển lãm, thỉnh thoảng có những chú gà tốt mã, đập cánh gáy vang quấy động thêm bầu không khí của khu chợ xã đầy ắp những quầy, sạp hàng tạp hóa, vải, trái cây bán Tết. “Anh Ba về ăn Tết chừng nào trở lên thành phố?” “Khoảng mùng sáu tôi đi rồi”. “Sao anh không ở chơi lâu hơn, lần nào về cũng vội vàng, bận rộn. Nghe anh Năm Tiếp nói anh sắp nghỉ hưu rồi, vậy về quê ở luôn đi cho cô Hai vui”. - Mười Nguyệt gọi mẹ Ba Tấn bằng “cô Hai” theo như cách gọi của những người ở đây. Một cách gọi bình thường đặc trưng xã giao của người thôn quê, nhưng trong giọng nói khá ngọt ngào của người phụ nữ chưa có gia đình Ba Tấn cảm thấy có một cái gì đó khá ân cần, quan tâm đặc biệt.

Năm Tiếp đá chân Ba Tấn làm hiệu, rồi nói: “Ông bạn tôi cũng muốn cưới vợ ở quê cho bà già vui rồi về ở luôn. ‘Đi mô rồi cũng trở về... Hà Tĩnh’ mà!”. “Vậy để em làm mai... nhỏ bạn em cho anh Ba Tấn nhé? Nó còn trẻ, đẹp và giỏi mọi thứ. Chỉ có điều nó gãy gánh giữa đường, có đứa con gái 6 tuổi sợ anh Ba Tấn chê”. “Trời ơi, làm mai chi cho xa xôi, có chồng con rồi không được đâu, dù đã gãy gánh. Sao cô Mười không... ráp vô với Ba Tấn thành một cặp đẹp đôi cho đẹp luôn mùa xuân này đi?” - Năm Tiếp ào ào.

Mười Nguyệt đỏ mặt ngượng ngùng: “Anh Năm nói đùa thôi chứ em quê mùa, quá đát rồi làm sao anh Ba Tấn để mắt tới. Con gái thành phố bây giờ trẻ đẹp, lại thích có chồng lớn tuổi, anh Ba Tấn quơ tay ra là... thiếu gì cô đồng ý”.

Không thấy ai kêu cà phê, nhưng Mười Nguyệt cũng vội đứng lên, chắc là để tránh cặp mắt nheo nheo như trêu chọc của Năm Tiếp. Khi Mười Nguyệt đã khuất bóng sau cái quầy pha cà phê, Năm Tiếp vỗ đánh bộp lên vai Ba Tấn nói: “Đèn xi nhan bật rồi, mày... vô đi Ba Tấn ơi, bảo đảm thành công”.

***

Tối hôm đó, sau chầu nhậu lai rai mừng gặp lại bạn cũ cuối năm Ba Tấn và Năm Tiếp ngồi uống trà ngoài cái bàn đá cạnh hồ cá. Đêm cuối năm tối sớm, gió se se lạnh thổi vào vườn khua động trên tàn lá thành một thứ âm thanh xao xác buồn. Ba Tấn đang ngả đầu trên thành ghế nghe những tiếng động quen thuộc trong vườn nhà như thả hồn lang thang về mối hoài niệm cũ bỗng Mười Nguyệt đạp xe tới. Cả Ba Tấn lẫn Năm Tiếp đều bất ngờ trước sự xuất hiện này. Mười Nguyệt dựng xe đạp trong sân, sát chậu nguyệt quế đang mùa trổ hoa thơm lừng, tay ôm con mèo tam thể rất đẹp. Ba Tấn ngạc nhiên hỏi: “Ủa, cô Mười đi đâu đây?” “Ra gặp anh chứ đi đâu. Cuối năm quán em nghỉ bán sớm”. “Bất ngờ quá. Cô Mười vào nhà chơi. Má tôi gói bánh trong nhà để tối nay nấu cho kịp”. “Thôi, để Tết em ra chơi với cô Hai và anh. Giờ em chỉ ra tặng anh... con mèo này thôi. Mấy hôm nghe cô Hai nói nhà anh nhiều chuột dừa lắm, chuột chui vào tủ quần áo của anh cắn rách mấy cái áo, có con mèo này trong nhà chuột sẽ sợ không dám cắn phá gì nữa đâu”.

Ba Tấn ngạc nhiên: “Sao lại tặng... mèo? Mà con mèo lớn quá làm sao nó chịu ở?” “Bảo đảm nó sẽ ở, vì đây là con mèo em nuôi từ nhỏ, thương và cưng lắm. Nó rất khôn, hiền, biết nghe lời chủ. Anh cho nó ăn là nó... theo liền”. “Nhưng con mèo cô Mười thương, cưng như thế thì để cô Mười nuôi chứ tặng tôi không dám nhận đâu”. “Chính vì em thương, cưng nó như... vàng thì em mới tặng anh nuôi chứ”.

Năm Tiếp thúc vào lưng Ba Tấn: “Cô Mười đã ‘có ý’ tặng con mèo mà cô yêu thương, quý như vàng thì ông nhận đi. Ông quên năm nay là năm con mèo à?” “Ừ nhỉ?” - Ba Tấn ngớ người một lúc rồi mới nghĩ ra. Mười Nguyệt trao con mèo tam thể cho Ba Tấn, cô vuốt ve nó rồi nói: “Nó tên là Na Na, thích vuốt ve và ngoan lắm. Từ hôm nay Na Na về nhà mới nhé”.

Mười Nguyệt nói chuyện với con mèo Na Na như nói với một người bạn. Na Na đúng là con mèo ngoan, nó nằm gọn trong vòng tay của Ba Tấn, cạ cạ đầu và rên mấy tiếng nũng nịu khe khẽ như để làm quen. “Thôi em về nghen”. “Cám ơn cô Mười nhiều nhé”. “Không cần cám ơn, miễn anh Ba thấy nó... như thấy em là được rồi. Nhưng em dặn anh trước nhé, con Na Na chỉ kêu cho chuột nghe mà sợ thôi chứ nó không biết bắt chuột đâu đấy. Nó là con mèo hiền, chỉ biết... giỡn với mấy con bướm ngoài vườn thôi”.

Ba Tấn kêu lên: “Trời ơi, mèo không biết bắt chuột, chỉ giỡn với bướm mà nuôi làm gì?” “Dạ, nó lạ lắm, em nuôi từ nhỏ, không hề bắt chuột chỉ thấy nó ra vườn giỡn với mấy con bướm thôi, cũng không ăn cơm nhà người khác nên chẳng ai bẫy được nên mới sống với em tới bây giờ, không thì bị mấy ông nhậu gài bẫy bắt làm thịt rồi. Anh Ba ráng nuôi con Na Na đi, vui lắm, có lẽ nó là con mèo... tiên. Và mèo cũng đâu cần thiết phải biết bắt chuột phải không?”

Mười Nguyệt dẫn xe ra cổng, lặng lẽ đạp đi trên con ngõ đầy bóng tối và thơm ngát hoa trâm ổi nở về đêm. Ba Tấn ôm con Na Na trong tay, nó vẫn cạ đầu nũng nịu với những tiếng rên khe khẽ.

Năm Tiếp cười: “Chúc mừng mày đó Ba Tấn ơi”. “Có gì mà chúc mừng?” “Mày ở tuổi ‘tri thiên mệnh’ rồi mà chả ‘tri’ được cài gì cả, cô Mười Nguyệt không tặng hoa, tặng bánh, tặng trà, tặng rượu mà tặng mày con mèo là vô cùng ý nghĩa. Năm nay là năm con mèo, cũng có nghĩa là... hì hì... mày có bồ, có vợ sắp cưới, nắm được hạnh phúc trong tay rồi. Phụ nữ người ta tế nhị lắm, ít khi nói ra nhưng mình phải hiểu chứ?”

Ba Tấn ôm con mèo, thấm dần những câu nói của Năm Tiếp và hình dung ra ánh mắt, nụ cười của Mười Nguyệt. Anh vuốt ve Na Na và lòng rộn lên một niềm vui. Ừ nhỉ, mèo thì đâu nhất thiết phải bắt chuột?

 Từ Kế Tường

Bình luận

Nổi bật

LITHACO: Mục tiêu năm 2030 có 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu

LITHACO: Mục tiêu năm 2030 có 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu

sự kiện🞄Thứ tư, 15/05/2024, 17:04

(CL&CS) - Sáng ngày 11/5, Hội thảo "Điện mặt trời – Kỷ nguyên lưu trữ năng lượng" do công ty LITHACO tổ chức đã giới thiệu về Pin năng lưu trữ năng lượng và ứng dụng của dòng pin này trong đời sống.

Thực hiện quy định chức danh, chuẩn nhà giáo: Đảm bảo chất lượng giáo dục

Thực hiện quy định chức danh, chuẩn nhà giáo: Đảm bảo chất lượng giáo dục

sự kiện🞄Thứ tư, 15/05/2024, 09:08

(CL&CS) - Việc thực hiện quy định chức danh, chuẩn nhà giáo giúp thống nhất quản lý đối với tất cả nhà giáo, đảm bảo chất lượng nhà giáo nói chung và tạo cơ hội học tập bình đẳng của người học ở tất cả vùng miền, loại hình cơ sở giáo dục.

Quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non

Quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non

sự kiện🞄Thứ tư, 15/05/2024, 09:08

(CL&CS) - Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể.