Dữ liệu cũ
Thứ bảy, 28/11/2015, 14:00 PM

Có phải Bộ GD&ĐT đang “khai tử” môn lịch sử?

(NTD) - Đó là câu hỏi mà giới chuyên môn cũng như rất nhiều người dân đặt ra trước quyết định xếp Lịch sử trở thành môn học tự chọn của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD&ĐT) Việt Nam.

lịch sử1
GS. Phan Huy Lê cho rằng Bộ GD&ĐT đang “khai tử” môn Lịch sử. Ảnh: Nguyễn Khánh. (Nguồn: vtc.vn)

Không nước nào tích hợp môn Lịch sử như Việt Nam

Hiện nay, 3 môn Sử, Văn, Toán đều được coi là những môn học cơ bản, bắt buộc trong hệ thống giáo dục phổ thông Việt Nam. Nhưng theo dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, sắp tới môn Lịch sử sẽ được tích hợp vào các môn xã hội khác. Cụ thể, ở các lớp 1, 2, 3 là môn “Cuộc sống quanh ta”, lớp 4, 5 là “Tìm hiểu xã hội”, THCS là “Khoa học xã hội” và THPT là môn “Công dân với Tổ quốc”.

Dự thảo này lập tức nhận sự phản ứng dữ dội của hàng trăm giáo sư, phó giáo sư và chuyên gia nghiên cứu Sử học. PGS. Nghiêm Đình Vỳ (Đại học Sư phạm Hà Nội) phân tích: “Từng tham gia viết chương trình và sách giáo khoa, tôi nhận thấy nếu tích hợp hai hay nhiều phân môn vào một chuyên đề như dự thảo của Bộ, thì sẽ rất khó xây dựng được một chương trình chắc chắn, thiết thực. Ví dụ, môn “Công dân với Tổ quốc” ở THPT dự tính là môn tích hợp 3 phân môn Đạo đức - Giáo dục Công dân, Lịch sử và Quốc phòng - An ninh. Chỉ cần nghe tên là đã thấy đây là 3 phân môn có nội dung hoàn toàn độc lập, nếu cứ miễn cưỡng tích hợp lại với nhau sẽ có sự chồng chéo, trùng lặp và phá nát môn Lịch sử. Trên thế giới, tôi chỉ thấy họ mở rộng phân môn Lịch sử thành nhiều nhánh học chứ chưa thấy một nước nào tích hợp Lịch sử vào các môn khác như ở Việt Nam”.

Bộ GD&ĐT lên tiếng

Tuy nhiên, trước những phản hồi từ phía dư luận, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã công bố báo cáo giải trình về Dự thảo này, trong đó bác bỏ ý kiến cho rằng môn Lịch sử sẽ không còn được coi trọng. Báo cáo giải thích, “tự chọn” không có nghĩa là thích thì học, không thích thì thôi. Mà ngược lại, tất cả học sinh đều bắt buộc phải học nội dung giáo dục lịch sử trong ít nhất 2 môn: Công dân với Tổ quốc và 1 trong 2 môn KHXH. Ngoài ra, báo cáo cũng cho biết học sinh còn được học lịch sử trong các môn học khác, nhất là trong môn Ngữ văn. Thời lượng bắt buộc dành cho lịch sử trong chương trình mới cũng nhiều hơn, với 3 tiết/tuần dành cho môn Công dân tổ quốc, và thêm 3 tiết/tuần dành cho một trong hai môn KHXH tự chọn. Về lo ngại nội dung môn Lịch sử sẽ bị chồng chéo với các môn được tích hợp, Ban xây dựng chương trình lý giải, việc lựa chọn, tách ra và sắp xếp như thế nào trong các môn học là “nghệ thuật của nhà giáo dục trong việc chuyển tải nội dung khoa học thành nội dung dạy học, tránh cho môn học không chỉ là bản sao chép rút gọn một khoa học chuyên ngành”.

Bản giải trình này không nhận được sự đồng tình từ giáo viên và các nhà nghiên cứu. Phó Hiệu trưởng một trường tiểu học ở TP.HCM không đồng tình với việc đẩy hết trách nhiệm sắp xếp chương trình cho giáo viên: “Nội dung môn học chồng chéo, phức tạp thì dù người thầy có tài cách mấy cũng không thể nào biên soạn ra một chương trình dạy hiệu quả được. Làm được thì thành ảo thuật rồi chứ chẳng phải nghệ thuật nữa”. Cô cũng thắc mắc khi “đã gọi là tự chọn mà vẫn có sự bắt buộc, thậm chí số giờ học còn nhiều hơn trước, vậy thì gọi là tự chọn để làm gì? Trong khi mục đích của các môn tự chọn là để giảm tải cho học sinh?”.

lịch sử2
 

Các nhà mô phạm nói gì?

GS. Trần Thị Vinh (khoa Sử, Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết, môn “Công dân với Tổ quốc” có nội dung chủ yếu là “giáo dục đạo đức, kiến thức pháp luật, giá trị sống, kỹ năng sống, những hiểu biết ban đầu về công dân, quốc phòng và an ninh”: “Toàn bộ là các kiến thức về chính trị, xã hội đương đại. Vậy còn những câu chuyện chống thù trong giặc ngoài, dựng nước và giữ nước suốt 4.000 năm sẽ đi về đâu? Liệu sẽ còn chỗ cho những huyền thoại về Lê Lợi, Quang Trung, Trần Hưng Đạo, hay xa hơn là thuở sơ khai của Vua Hùng?” Trước ý kiến của Bộ về việc nội dung lịch sử sẽ còn được tích hợp trong nhiều môn học khác, theo GS. Vinh, đó là cách hiểu “tích hợp quá rộng”: “Học tác phẩm văn học thì phải học hoàn cảnh lịch sử, trước giờ đã là như vậy rồi. Nhưng chỉ là sử dụng một ít kiến thức lịch sử trong khi dạy văn thôi chứ không phải là tích hợp”.

Tại Hội thảo khoa học "Môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông" do Hội Khoa học Lịch sử tổ chức vào trung tuần tháng 11 vừa qua, GS. Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã gọi việc Bộ GD&ĐT tích hợp môn Lịch sử với môn học khác là “một cuộc cưỡng duyên kỳ lạ”. Tích hợp lịch sử với “Giáo dục - Quốc phòng An ninh” và “Đạo đức công dân” có thể khiến học sinh nhìn nhận phiến diện Lịch sử như một môn khoa học bản lề, chỉ bao gồm chiến tranh mà bỏ qua sự phát triển về xã hội, biến đổi của nếp nghĩ, phong tục, văn hóa”.

Tương tự, GS. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cũng chỉ ra, theo thống kê của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, trong hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2015, chỉ 153.600 em đăng ký thi môn Sử: “Như vậy tức là kể cả khi môn Lịch sử đang là môn bắt buộc thì học sinh cũng vẫn rất thờ ơ, chưa kể giờ đây sẽ bị tích hợp vào trong môn học khác. Dù Bộ GD&ĐT có giải thích thế nào thì chương trình mới, trên thực tế đã “khai tử” môn Lịch sử. Khi kiến thức bị cắt nhỏ rồi tích hợp tùy tiện vào một số môn học khác thì môn Lịch sử đã không còn với vị thế của một môn học trong tính toàn bộ và hệ thống của nó”.

Hãy giúp học sinh yêu Sử hơn

Theo cô Thu Thủy (một giáo sư đã nghỉ hưu), điều mà những nhà giáo dục nên làm không phải là cho học sinh quyền chọn học môn Sử hay không mà là làm thế nào để khiến các em có hứng thú với giờ học Lịch sử. “Học sinh không phải những cái ổ cứng máy tính mà chúng ta muốn nhập bao nhiêu dữ liệu thì nhập. Nếu chúng ta vẫn tiếp tục ép suông học sinh nhớ xem bao nhiêu máy bay rơi, bao nhiêu xe tăng nổ, bao nhiêu lính thiệt mạng trong một trận đánh thì có cải cách bao lần đi nữa thì học sinh cũng chẳng bao giờ yêu nổi môn Lịch sử. Ngược lại chúng ta phải cho các em được tự do thảo luận trong lớp, cho phép được nêu quan điểm cá nhân rồi khuyến khích các em tìm hiểu thêm các nguồn tư liệu ngoài sách giáo khoa để gợi sự hứng thú nơi các em. Khi học sinh thấy yêu môn học của mình, tự khắc mọi dữ kiện lớn bé sẽ vào đầu”.

Sơn Hà

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.