Thứ ba, 06/08/2019, 09:21 AM

Chuyện xưa tích cũ bên dòng Sa Giang

(NTD) - Về miền Tây, từ bờ nam cầu dây văng Mỹ Thuận, vòng lên cầu vượt, đi thêm chừng 20km sẽ đến thành phố Sa Đéc thuộc tỉnh Đồng Tháp. Thành phố Sa Đéc nằm bên dòng Sa Giang hiền hòa, thơ mộng. Ngoài những thắng cảnh đẹp, các di tích cổ như bến Sa Giang, chùa Hương, Kiến An Cung, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, Làng hoa... Sa Đéc còn có những chuyện xưa tích cũ, mang màu sắc tâm linh, huyền thoại được lưu truyền trong dân gian từ thuở khá xa xưa, lúc vùng đất này mới phôi thai, thành hình và phát triển...

Cặp kỳ lân đá gây sóng thần ở sông Cái Bé

Lăng Quận công Nguyễn Văn Nhơn còn gọi là Lăng Quan Lớn Sen - ông là Tổng trấn đầu tiên của Gia Định thành và là một trong Ngũ hổ tướng Gia Định - Khai quốc công thần Nhà Nguyễn- Lăng tọa lạc trong khu nghĩa trang của dòng họ Nguyễn Văn Nhơn thuộc địa phận ấp Đông Quới, xã Tân Khánh Đông, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp ngày nay. Dân gian tương truyền rằng, trước kia có một cặp kỳ lân đá trấn môn trước lăng, tướng tá rất uy nghi, dũng mãnh, khiến bá tánh đến chiêm ngưỡng đều bái phục, tôn kính. Thần thái, uy linh của lăng vang vọng khắp nơi... Nhưng có điều khá lạ lùng là con sông Cái Bé cạnh lăng thỉnh thoảng có những con sóng lớn múa vờn trước cặp kỳ lân đang ngồi ngóng ra sông trong những đêm trăng thanh, gió mát!

Ngày kia, trong một đêm mưa to, gió lớn bất thường, sấm sét kinh động giăng giăng khắp đất trời, màn đêm đen kịt! Một tiếng nổ kinh hồn vang lên, khúc bờ sông trước lăng đổ tuột xuống sông. Sáng hôm sau, người ta thấy cặp kỳ lân đá biến mất một cách bí ẩn dù dân chúng đã ra sức lặn, mò, kéo lưới, dò tìm bằng nhiều cách, suốt mấy ngày liền vẫn không có kết quả. Cặp kỳ lân bặt vô âm tín từ đó cộng với sự xuất hiện lời đồn đại trong dân gian: Ngài Quận công đã hiển linh về trời, nên cặp kỳ lân đá cũng đi theo!?

Từ đó, khi đi qua khúc sông này, người ta thường hay gặp một cặp “Sóng thần” rất dữ tợn, có thể đánh đắm các ghe thuyền bất kể lớn nhỏ! Nhưng nếu có lòng thành khấn nguyện, vái van ngài Quận công độ hộ, thì mọi việc sẽ suôn sẻ, tai qua nạn khỏi, bình an vô sự. Dẫu câu chuyện kể trên có là huyền thoại đi chăng nữa, nhưng người ta tin rằng, ấy là cách biểu hiện lòng tôn kính, oai linh của bậc tiền nhân đã có công với xã tắc! Do bị nước sông xâm thực mạnh nên lăng Kinh Môn Quận công Nguyễn Văn Nhơn đã dời về vị trí hiện nay.

sa giang 1
Chợ Bình Tiên.

Sự tích làng Bình Tiên và rạch Gỗ Đền

Xưa kia, làng Bình Tiên và làng Tân Phú Trung thuộc thành phố Sa Đéc ngày nay là một. Do các vị chức sắc, hội tề trong làng xích mích, bài bác nhau, kéo theo sự hình thành phe nhóm. Một số người tách ra lập làng mới, có tên gọi là làng Bình Tiên. Tên làng Bình Tiên có sự tích khá thú vị như sau:

Lúc lập làng, người ta kéo về hai súc gỗ bè neo đậu ở đầu vàm để dựng đình thần. Một đêm kia, trời trong xanh, trăng vàng tròn trịa, gió sông mát lành, có một người câu tôm gần đó chứng kiến một cảnh lạ lùng: Anh ta thấy một con ba ba (họ rùa) to lớn, lưng nó như một cái mặt bàn, nó bơi vòng quanh hai súc gỗ đến mấy vòng... Sau đó, bỗng xuất hiện bốn vị tiên phong đạo cốt, trải chiếu trên mặt sông đánh cờ, uống rượu. Cảnh tượng như chốn non bồng, nước nhược! Người câu tôm núp trong đám lau sậy ven sông ngẩn ngơ xem cảnh trí lạ lùng diễn biến ra sao... Bỗng anh ta bật lên ho khan mấy tiếng. Các vị thần tiên kia giật mình, biết có kẻ theo dõi, nhìn lén mình nên vội vàng bay vút lên không trung về trời!

Người câu tôm kể lại câu chuyện, dân chúng đồn đại khắp nơi, tới tai các vị chức sắc, lão làng. Có vị đề nghị đặt tên làng mới là “Bình Tiên”. Có người hỏi ý nghĩa của tên làng. Ông này giải thích: Nhân vụ người câu tôm gặp tiên, có thể là anh ta “phịa” ra câu chuyện, nhưng, nhơn cơ hội này ta đặt tên làng luôn thể: “Bình” là “bằng”, Bình Tiên có nghĩa là “bằng tiên”, ý nói dân làng mới ta sẽ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, sung sướng như tiên! Mọi người nghe có lý, thống nhất ý kiến trên. Từ ấy, tên gọi làng Bình Tiên tồn tại đến ngày nay.

Chuyện tích xưa tương truyền rằng, sau vụ người câu tôm gặp tiên ít lâu thì lại có vụ việc lạ kỳ nữa xảy ra: Một người đàn bà gọi là bà Tư bơi xuồng qua sông, mất tích mấy ngày liền, không tìm đâu ra được. Bỗng nhiên, người ta thấy “bà Tư” về, không ghé nhà mà lại đi xăm xăm vào ngôi miếu nhỏ, cạnh khu vực dựng đình. Bà này lên xác, “nhập đồng” cho biết: Con ba ba thằng Sáu câu tôm thấy hôm nọ, được thủy cung phái đi do thám. Thủy cung cũng đang cần gỗ để xây cung điện. Ba ba đã bị “xử trảm” chết rồi do không hoàn thành nhiệm vụ “bí mật” gì đó!? Bà Tư cho biết vài hôm nữa “thủy cung” sẽ cho người lên lấy gỗ! Ban đầu người ta cho rằng bà Tư “lên giả”, nói chuyện quái gở, hoang đường. Nhưng, vài hôm sau thì hai súc gỗ đứt dây trôi mất! Mọi người truy tìm tích cực, vất vả nhưng không gặp!

Có người lại “lên đồng” cho biết, thủy cung đã lấy hai súc gỗ ấy rồi! Họ sẽ đền lại cho dân làng mấy miếng “giăm” (mảnh gỗ vụn văng ra sau thao tác đẽo gỗ) quý, giữ kỹ sẽ phát tài lộc. Từ ngày có được giăm quý của Thủy cung đền cho, dân làng làm ăn phất lên thấy rõ! Chỉ trong một thời gian ngắn, mọi người đều khá giả, họ đặt tên cho con rạch ấy tên là rạch “Gỗ Đền”. Đến ngày nay, dân gian địa phương có khá nhiều người vẫn còn biết đến sự tích này!

sa giang
Sông Sa Giang (Sa Đéc).

Nguồn tham khảo:

- Sa Đéc xưa và nay (Huỳnh Minh - NXB Cánh Bằng 1971).

- Đại Nam thực lục (Quốc sử quán triều Nguyễn - NXB Giáo dục Hà Nội 2002).

- Một số danh nhân lịch sử Đất phương Nam (Nhiều tác giả - NXB Hồng Đức - Tạp chí xưa & nay 2015).

Đặng Hoàng Thám

 

Bình luận

Nổi bật

Gia Lai: Tổ chức lại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ

Gia Lai: Tổ chức lại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ

sự kiện🞄Thứ ba, 07/05/2024, 20:44

(CL&CS) - Vừa qua, UBND tỉnh Gia Lai có Quyết định số 204/QĐ-UBND về việc tổ chức lại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH-CN) tỉnh.

Bộ trưởng Giao thông vận tải yêu cầu rà soát, kiểm tra giá vé máy bay

Bộ trưởng Giao thông vận tải yêu cầu rà soát, kiểm tra giá vé máy bay

sự kiện🞄Thứ ba, 07/05/2024, 13:57

(CL&CS) - Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng vừa ký công văn gửi Cục Hàng không Việt Nam, Vụ Vận tải về việc rà soát, kiểm tra giá vé máy bay.

Hơn 1.200 ca nhập viện do thuốc lá điện tử trong một năm

Hơn 1.200 ca nhập viện do thuốc lá điện tử trong một năm

sự kiện🞄Thứ ba, 07/05/2024, 13:55

(CL&CS) - Bộ Y tế cho biết trong thời gian qua đã có hơn 1.200 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử. Số lượng các quốc gia và vùng lãnh thố áp dụng chính sách cấm sản phẩm thuốc lá điện tử đang tăng lên.