Dữ liệu cũ
Thứ hai, 20/07/2015, 16:00 PM

Chuyện hàng tuần: Giải cứu... lịch sử

(NTD) - Kỳ thi THPT toàn quốc năm nay cả nước có hơn 1 triệu thí sinh nhưng chỉ có 150.000 thí sinh chọn thi môn sử. Chuyện đáng nói và cũng có lẽ là hy hữu chỉ xảy ra ở Việt Nam: Phòng thi sử có duy nhất một thí sinh thi.

Con số này, tuy biết nói, vẫn chưa thể hiện hết tính nghiêm trọng của vấn đề. Chương trình Chuyển động 24 giờ của VTV ngày 11/7 còn đưa một thông tin “động trời” hơn về lỗ hổng kiến thức lịch sử của những học sinh (PTTH). Những chuyện cười ra nước mắt, “không tin được dù đó là sự thật” đã được các em trả lời một cách hồn nhiên. Chẳng hạn: “Quang Trung em biết nhưng Nguyễn Huệ thì em không biết”; “Ông Quang Trung đại phá quân Thanh trên sông... Bạch Đằng”; “Ông Nguyễn Du chính là ông Quang Trung” và “Quang Trung Nguyễn Huệ là...2 bố con!?”...

Chuyện thật như... đùa. Nhưng những câu trả lời của học sinh trên khiến chúng ta liên tưởng ngay đến một câu chuyện đùa... kinh điển về kiến thức lịch sử.

Lich su
Ảnh minh họa.

Trong một lớp học, cô giáo hỏi: Ai ăn cắp nỏ thần của An Dương Vương? Ngay lập tức, cả lớp giơ tay: không phải em. Sau tiết học, cô giáo báo cáo tình hình với thầy hiệu trưởng. Thầy xua tay: “Cô giải quyết đi. Sao cái gì cũng phải báo cáo hiệu trưởng. Nhưng trẻ con ấy mà. Chúng nó có lấy thì cũng trả lại thôi”. Rồi chuyện Trần Quốc Tuấn và Trần Quốc Toản là một. Hay: “Nguyễn Du có phải là nghệ sĩ nhân dân, hay có giải thưởng Nhà nước không mà mộ phải trùng tu?”. Đây chỉ là những câu chuyện đùa… như thật. Còn chuyện phỏng vấn học sinh của Đài VTV là thật một trăm phần trăm. Nó gióng lên hồi chuông báo động về sự “mất gốc lịch sử” không chỉ của một thế hệ.

Vì sao tình hình trở nên tồi tệ như vậy và lỗi tại ai? Có lỗi của các em học sinh khi dành quá nhiều thời gian cho các môn học thời thượng và bỏ rơi môn sử vì tư duy học thực dụng. Nhưng không phải không có lỗi của ngành giáo dục, khi biến môn sử trong sách giáo khoa thành môn học nhồi nhét theo kiểu học gạo một cách “khổ sai”, thiếu sức hấp dẫn đối với giới trẻ. Lỗi còn tại giới nghiên cứu lịch sử mãi ôm khư khư một phương pháp nghiên cứu quá cũ kỹ, chỉ quan tâm đến các sự kiện mà quên con người, những nhân vật trung tâm của lịch sử, lối nghiên cứu biến lịch sử thành những sự kiện chết, thành cái khung xương vô hồn, không óc, không tim. Trong khi đó, các phương tiện nghe nhìn, quay cuồng trong vòng xoáy của cơn lốc kiếm tiền, hồn nhiên để các hoàng đế Khang Hy, Càn Long, Dương Quý Phi, thái hậu Từ Hy, hoàng đế Ju Mông… cày nát màn ảnh nhỏ, biến truyền hình thành phương tiện chuyên chở “đường biên giới mềm” cho các quốc gia lân bang. Quản lý văn hóa vĩ mô cũng không vô can trong việc thiếu định hướng hoạt động nghiên cứu lịch sử, những yếu kém của việc soạn thảo chương trình và dạy sử trong trường phổ thông, cả sự nghèo nàn tác phẩm văn học nghệ thuật viết về lịch sử dân tộc.

Lịch sử phải được giải cứu. Chúng ta có những gói cứu trợ giải cứu bất động sản, giải cứu chăn nuôi. Tại sao không có suy nghĩ nghiêm túc về việc giải cứu lịch sử. Không phải gói cứu trợ bằng tiền mà là một gói cứu trợ bao gồm nỗ lực của toàn xã hội từ vĩ mô đến vi mô. Và bắt đầu từ một nghị quyết. Bởi vì bất động sản hay chăn nuôi, nếu chưa được giải cứu, có thể sẽ làm suy thoái một phần nền kinh tế. Còn lịch sử, nếu không được giải cứu sẽ có nguy cơ làm sụp đổ cả một dân tộc.

 Dương Trọng Dật

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.