Dữ liệu cũ
Thứ bảy, 25/06/2016, 17:11 PM

Chuyện hàng tuần: Đấu thầu và Niềm tin cải cách

(NTD) - Một lần nữa, kinh tế đất nước đang đứng trước ngưỡng cửa đổi mới, khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và tập thể lãnh đạo Chính phủ đều đồng thuận cam kết xây dựng một nền kinh tế trong sạch, lành mạnh, cải cách theo hướng ủng hộ doanh nghiệp phát triển bền vững.

Trong giai đoạn này, lòng dân cũng quan tâm hơn về thực trạng đầu tư công và quản lý ngân sách Nhà nước - một trong những vấn đề then chốt quyết định đến sự thành bại trong công cuộc cải tổ và kiến tạo nền kinh tế quốc gia. Và nổi lên như một câu chuyện nhức nhối từ nhiều năm về trước, vấn đề minh bạch hóa, công khai hóa hoạt động đấu thầu và mua sắm tài sản công, hôm nay đang được dư luận nhắc đến nhiều hơn.

Trong chừng mực nào đó, với nhiều vụ việc sai phạm trong lĩnh vực đấu thầu, các hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng bị phát giác gây thất thoát ngân sách Nhà nước, làm giảm chất lượng công trình, dẫn tới tình trạng nhiều người dân thường nghi ngờ công tác đấu thầu trong mua sắm tài sản công.

Theo các chuyên gia quốc tế phân tích, tài sản công và việc đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia thường là những lĩnh vực dễ bị thất thoát, tham nhũng nhiều nhất. Bởi lẽ, các công trình Nhà nước luôn là mảnh đất màu mỡ với giá trị đầu tư siêu lớn, nhiều ngàn tỷ đồng cho một công trình. Và khác với các lĩnh vực quản lý thông thường, quản lý đầu tư công rất dễ phát sinh các tiêu cực và thuộc nhóm có nguy cơ tham nhũng nhiều nhất.

Tiến sĩ Thaveeporn Vasavakul, Chuyên gia Tư vấn Quốc tế về lĩnh vực đầu tư công còn thực hiện hẳn nghiên cứu phân tích nguy cơ tham nhũng có thể nằm trong 4 nhóm liên quan công tác đấu thầu gồm: Nhóm đối tượng đầu tiên là các nhà thầu tham gia đấu thầu; Nhóm thứ hai là các quan chức nhà nước phụ trách việc mua sắm công; Nhóm thứ ba là những công ty hoặc người làm môi giới hỗ trợ các công ty nước ngoài tham gia đấu thầu các hợp đồng mua sắm công; Trong một số trường hợp, các công ty đa quốc gia không cụ thể hóa việc cho phép đại lý địa phương hối lộ, nhưng sẵn sàng làm ngơ trước các phương thức giao dịch hối lộ mà đại lý địa phương sử dụng để giành được hợp đồng. Nhóm thứ tư là các công ty "sân sau", đóng vai trò nhà thầu phụ cho một nhà thầu chính nhưng thực chất là làm môi giới giữa nhà thầu chính với quan chức nhà nước tham nhũng.

Các hợp đồng phụ sẽ giúp hợp pháp hóa khoản tiền lại quả mà nhà thầu chính chi trả cho quan chức. Đây thường là trường hợp mà quan chức nhà nước tham nhũng có thể có quyền kiểm soát việc thanh toán hóa đơn của nhà thầu chính; quan chức nhà nước tạo điều kiện cho nhà thầu chính bằng việc bảo đảm các hóa đơn được thanh toán nhanh và đầy đủ.

Trở lại câu chuyện đấu thầu đang “lùm xùm” tại dự án Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, một dự án với vốn đầu tư trên 4.500 tỷ đồng, nhưng khi các cơ quan báo chí vào cuộc tìm hiểu mới phát hiện ra nhiều vấn đề “khuất tất” tại công trình này. Lần đầu tiên, trong công tác quản lý Nhà nước tại TP.HCM lại bộc lộ rõ nhiều khác biệt giữa các nhà lãnh đạo cơ quan hành chính nhiệm kỳ cũ và mới, trong quá trình xử lý chọn lựa hình thức đấu thầu phần trang thiết bị y tế.

Thậm chí, qua cách quản lý và chỉ đạo, nhiều người cũng băn khoăn không hiểu vì sao mới đây, một lãnh đạo cấp thành phố còn “dám” quyết liệt ra văn bản chỉ đạo chỉ định thầu đối với việc mua sắm trang thiết bị y tế trị giá hàng trăm tỷ đồng - một việc làm rõ ràng có dấu hiệu trái Luật Đấu thầu và nhiều quy định pháp luật khác. Cũng tại dự án siêu lớn này, nếu ai cầm trong tay bảng dự toán chi phí mua sắm trang thiết bị y tế với tổng giá trị trên 3.000 tỷ đồng (ba ngàn tỷ đồng) sẽ càng “rùng mình” hơn vì những con số đang “nhảy múa” cao chót vót dưới chữ ký của những nhà quản lý. Ai sẽ giám sát những con số này đúng với chất lượng và nếu có giám sát mà vẫn ký sai, ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm trước pháp luật ?

Từ một sự việc, nhiều người cũng đang quan tâm và đặt ra vấn đề có hay không lợi ích nhóm trong việc chỉ định thầu trái luật? Nếu có biện hộ rằng việc chỉ định các gói thầu hàng trăm tỷ đồng là vô tư, là trong sáng, thì cũng xin mọi người nhớ rằng “luật vẫn là luật”, mọi lời biện hộ đều vô nghĩa nếu như các hành vi hành chính đang được thực hiện trái với quy định pháp luật.

Niềm tin cải cách không thể chỉ xây dựng trong lòng người dân bằng quyết tâm cải cách trong sạch của những người đứng đầu Chính phủ. Trong khi, nhiều địa phương vẫn còn chưa thực sự bắt tay vào công cuộc cải cách bằng cách triệt tiêu hẳn những khả năng, nguy cơ gây ra tham nhũng trong đầu tư công. Theo quy luật, tham nhũng không tự nhiên sinh ra và cũng không thể tự nhiên mất đi. Muốn tiêu trừ tham nhũng, trong góc độ hẹp của quản lý đầu tư công và quản lý ngân sách Nhà nước trong hoạt động đấu thầu, không cách nào khác chúng ta cần mạnh tay xử lý những hành vi trái luật. Đôi khi niềm tin không ở đâu xa, chỉ cần bắt đầu bằng việc làm cụ thể từ mệnh lệnh trái tim của những nhà quản lý biết xót tiền đóng thuế của dân.

 Tường Minh

NTD So 56 (238)_Page_03
 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.