Chợ An Đông: Nhiều khó khăn trong chuyển đổi sang mô hình tự chủ tài chính

(CL&CS) - Việc chuyển cơ chế từ thu phí sang thu tiền giá dịch vụ thuê sạp theo diện tích hằng tháng tại chợ An Đông (Q.5, TP.HCM) đang gặp rất nhiều khó khăn do tiểu thương không đồng tình. Nhiều tiểu thương cho rằng, sự chuyển đổi này sẽ làm mất quyền sở hữu sạp bấy lâu nay của họ.

3

4 mặt dựng phía ngoài chợ đang được thi công tháo dỡ để cải tạo nâng cấp mới.

1

Thời gian tới, chợ An Đông sẽ tiếp tục được đầu tư nâng cấp để bắt kịp các siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại trên địa bàn TP.HCM.

Tiểu thương phản đối…

Từ năm 2017, các tiểu thương tại chợ An Đông liên tục có các khiếu nại đến cơ quan chức năng nhiều vấn đề liên quan đến cơ chế quản lý tài chính, tiến độ sửa chữa nâng cấp chợ. Nhiều lần “bất hòa” với Ban quản lý (BQL) chợ, tiểu thương đã bãi thị, yêu cầu được đối thoại với chính quyền quận 5.

Ngay sau đó, UBND Q.5 đã có động thái ban đầu gỡ bỏ các bất đồng với tiểu thương khi thay mới hoàn toàn thành phần BQL, bao gồm trưởng và phó ban. Tình hình căng thẳng cũng tạm thời lắng xuống, tuy nhiên đến nay vẫn còn nhiều khuất tất chưa được giải quyết khiến quá trình chuyển đổi cơ chế quản lý của BQL mới gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, hiện tiểu thương vẫn đang thắc mắc, thậm chí kiến nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc làm rõ 2 vấn đề gồm: Cơ chế sử dụng tài chính, liên quan đến số tiền hơn 200 tỷ đồng do tiểu thương đóng góp sửa chữa, nâng cấp chợ. Song song đó, tiểu thương cũng không đồng tình việc đổi mới, áp dụng hợp đồng thuê sạp, thu tiền thuê hằng tháng theo diện tích.

Các tiểu thương cho rằng, việc chuyển sang hợp đồng thuê sạp có thời hạn, thu tiền hằng tháng theo giá dịch vụ là bất hợp lý bởi đa số tiểu thương ở chợ đã góp vốn xây chợ từ xưa. Như vậy, tiểu thương phải có quyền sở hữu sạp chứ không phải đi thuê lại hằng tháng như quy định mới BQL đang triển khai.

2

Hệ thống phòng cháy chữa cháy 2 lớp an toàn được đầu tư mới.

5

Hệ thống điều hòa không khí được nâng cấp.

…trong khi cơ chế mới có lợi?

Giải thích về vấn đề này, ông Đinh Ngọc Duy Hồ, Trưởng BQL chợ An Đông cho biết, chợ này là đơn vị chợ truyền thống, lâu nay hoạt theo sự điều chỉnh tại Nghị định số 02/2003/NĐ-CP của Chính phủ với nhiệm vụ chủ yếu phục vụ nhu cầu dân sinh, cung cấp các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu của một bộ phận dân cư. Tuy nhiên, Luật Phí và lệ phí mới có hiệu lực từ 1/1/2017 đã chuyển phí chợ thành giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ. Vì vậy, BQL cố gắng thay đổi để phù hợp quy định Nhà nước. Ông Ngọc mong rằng, tiểu thương chợ hiểu đúng và đủ về cơ chế mới mà BQL đang áp dụng.

Trưởng BQL chợ An Đông cho rằng, việc chuyển từ phí sang giá dịch vụ thuê theo diện tích là bước đi mới và phù hợp cơ chế thị trường. Bởi BQL chợ sẽ đổi mới, hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính. Các khoản thu, chi theo quy định Nhà nước hiện hành, được bảo đảm giữ lại để phục vụ cho nhu cầu vận hành, phát triển của chợ chứ không nộp toàn bộ về ngân sách như trước. Bước tiến quan trọng này sẽ giúp BQL mạnh tay đầu tư, sửa chữa, nâng cấp hạ tầng, trang thiết bị cũng như thay đổi hoàn toàn diện mạo chợ truyền thống để An Đông bắt kịp sự phát triển hiện đại của các trung tâm thương mại, siêu thị tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.

“Tiểu thương cần bình tĩnh, hợp tác với BQL để thay đổi cơ chế vì đây là thay đổi có lợi. Quyền kinh doanh sạp vẫn giữ nguyên, ưu tiên cho bà con tiểu thương đã kinh doanh lâu đời tại chợ. Còn việc chuyển từ phí chợ sang giá dịch vụ thuê sạp theo diện tích là giảm bớt gánh một phần gánh nặng cho bà con. Thay vì trước đây, mỗi tháng bà con phải đóng phí chợ nhưng khi hết hạn thuê điểm kinh doanh bà con phải đóng thêm một khoản phí lớn để tiếp tục thuê, còn bây giờ chỉ đóng tiền thuê điểm kinh doanh mỗi tháng, theo biểu giá m2” - ông Ngọc phân tích thêm.

Riêng về số tiền hơn 200 tỷ đồng mà tiểu thương đã đóng góp 2013 để sửa chữa, nâng cấp chợ hiện nay đã được UBND Q.5 công khai minh bạch tài chính để tiểu thương an tâm. Bước đầu, số tiền này được sử dụng để cải tạo nội ngoại thất, điều hòa không khí, thay một loạt các cửa cũ thành cửa kính cường lực mới, đầu tư hệ thống phòng cháy chữa cháy hiện đại. Đặc biệt, đang tiến hành tháo dỡ 4 mặt dựng để cải tạo lại hoàn toàn theo thiết kế mới hiện đại, thu hút hơn. Dự kiến sẽ hoàn thành trong quý 3/2020.

Đại diện BQL chợ An Đông khẳng định: “Với số tiền người dân đóng góp để sửa chữa chợ, chúng tôi làm đến đâu thì có thông báo, hạch toán tài chính đến đó. Bằng mọi cách minh bạch, rõ ràng cho bà con tiểu thương biết tiền đóng góp được sử dụng vào mục đích gì và bao nhiêu. Trước mỗi dự án triển khai nâng cấp bất kỳ hạng mục hạ tầng nào ở chợ, dù lớn hay nhỏ chúng tôi đều tổ chức lấy ý kiến tiểu thương!”.

Hiểu rõ hơn về số các khoản chi phí góp xây dựng chợ An Đông

Sự bất đồng, dẫn đến khiếu nại kéo dài hiện nay giữa tiểu thương và BQL chợ An Đông xuất phát từ việc các tiểu thương có bề dày kinh doanh ngay từ khi thành lập chợ đến nay đã 2 lần đóng góp với số tiền tương đối lớn cho việc xây dựng và nâng cấp chợ. Lần 1, khi mới bắt đầu xây dựng chợ năm 1991 và lần 2 là năm 2013. Cũng từ những đóng góp này nên tiểu thương cho rằng mình phải có quyền sở hữu sạp chứ không phải đi thuê lại từ BQL.

Về điều này, Trưởng BQL chợ phân tích rõ, với số tiền lần 1 đóng góp có hợp đồng ký kết 20 năm quyền kinh doanh sạp tại chợ đã kết thúc vào năm 2011. Lần thứ 2 đóng góp là giai đoạn 1 trong hợp đồng kéo dài 10 năm (2012-2021). Nghĩa là số tiền đóng góp của tiểu thương ở lần 2 sẽ kết thúc vào năm 2017. Vì vậy, đến năm 2017 thì có luật mới nên áp dụng luật mới phù hợp hơn. Tiểu thương cần hiểu rõ bản chất số tiền mình đã đóng góp là tiền thuê điểm kinh doanh có thời hạn không phải quyền sở hữu vĩnh viễn sạp ở chợ. Luật không có các quy định về sở hữu sạp chợ vĩnh viễn đối với tiểu thương kinh doanh.

Hiện nay, khi các hợp đồng thuê đã hết hạn, luật mới được áp dụng theo hướng có lợi thì bà con tiểu thương phải tuân thủ.

Thực hiện lộ trình chuyển đổi cơ chế tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm bớt gánh nặng từ ngân sách, Luật Phí và lệ phí đã bãi bỏ 26 khoản phí và 68 khoản lệ phí, chuyển 15 khoản phí sang cơ chế giá thị trường và 29 khoản phí sang cơ chế giá dịch vụ do Nhà nước định giá, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2017. Theo đó, tại phụ lục số 02 Danh mục các sản phẩm hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá (ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí), phí chợ được chuyển thành giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ.

NGUYỄN HẢI SÂM

 

 

Bình luận

Nổi bật

Giá nhà ở tại TP.HCM có nguy cơ tiếp tục tăng giá

Giá nhà ở tại TP.HCM có nguy cơ tiếp tục tăng giá

sự kiện🞄Thứ sáu, 17/05/2024, 13:08

Tình trạng mất cân đối cung – cầu khiến tình trạng thiếu hụt nhà ở giá rẻ tại TP.HCM ngày càn trầm trọng hơn. Dự báo trong tương lai gần, giá nhà ở tại TP.HCM tiếp tục bị đẩy lên cao, người dân TP.HCM sẽ ngày càng khó tiếp cận nhà ở.

Nutifood tặng 1.000 phần quà dinh dưỡng cho hộ gia đình nghèo huyện Cần Giờ

Nutifood tặng 1.000 phần quà dinh dưỡng cho hộ gia đình nghèo huyện Cần Giờ

sự kiện🞄Thứ sáu, 17/05/2024, 13:07

(CL&CS)- Vừa qua, Nutifood thông qua Quỹ Phát triển Tài năng Việt kết hợp cùng Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Quận 4 đã trao tặng 1.000 lon sữa FAMNA với tổng giá trị hơn 450 triệu đồng cho các hộ gia đình nghèo, cận nghèo và trẻ em khó khăn tại huyện Cần Giờ, TP.HCM.

Chưa hết khó, ngày bất động sản nghỉ dưỡng phục hồi vẫn còn xa?

Chưa hết khó, ngày bất động sản nghỉ dưỡng phục hồi vẫn còn xa?

sự kiện🞄Thứ sáu, 17/05/2024, 13:07

Những khó khăn về điều kiện pháp lý, nguồn vốn, niềm tin của nhà đầu tư đang kìm hãm sự phục hồi của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Trong khi những phân khúc khác đã phát đi những tín hiệu tích cực thì riêng phân khúc này vẫn “nằm im”.