Dữ liệu cũ
Thứ ba, 13/09/2016, 22:43 PM

Cảnh báo tác hại của bao bì thuốc bảo vệ thực vật

Các bao bì thuốc bảo vệ thực vật vứt đầy tại các mương ruộng gây ô nhiễm nguồn nước, đất và ảnh hưởng sức khỏe người nông dân.

Ô nhiễm nghiêm trọng

Những năm gần đây, người nông dân sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để diệt trừ các loại sâu bệnh, côn trùng có hại cho cây trồng.

Thế nhưng, trong quá trình làm việc, không ít người đã chủ quan, coi nhẹ các biện pháp bảo hộ lao động, thậm chí sau khi phun thuốc, họ còn vứt bừa bãi các loại bao bì thuốc BVTV ra ngoài đồng ruộng. Việc làm này đã để lại những hệ lụy xấu, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của chính người sử dụng và cả cộng đồng.

thuoc tru sau
Bao bì thuốc bảo vệ thực vật vứt đầy dưới mương ruộng.

Theo thống kê, những năm qua, toàn thành phố đã triển khai việc thu gom bao bì thuốc BVTV trên 2.500 ha trồng rau tập trung. Tại các vùng sản xuất rau được đầu tư lắp đặt thùng hoặc xây bể chứa vỏ bao bì thuốc BVTV, sau đó thu gom đi tiêu hủy. Tuy nhiên, còn hàng nghìn héc ta sản xuất tập trung vẫn chưa có bể chứa và các điểm tập kết vỏ bao bì thuốc BVTV.

Dọc các cánh đồng trồng hoa màu của các hộ nông dân ở phường Tân Hiệp - thị xã Tân Uyên, Bình Dương là những luống khoai môn, dưa leo mướt xanh. Để có được những luống rau xanh tốt, các nông dân ở đây phải sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ dịch hại. Điều đáng nói là hầu hết các vỏ chai lọ thuốc bảo vệ thực vật, bao bì phân bón sau khi sử dụng đều được bỏ lại tại cánh đồng trồng rau màu này. Có nông dân sau khi sử dụng xong, các loại rác được gom lại một chỗ, nhưng có khi chúng cũng bị vứt bừa bãi trên những luống đất trồng rau màu.

Đi dọc các kênh mương trên địa bàn xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh, rất nhiều vỏ bao bì thuốc BVTV nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Đáng nói, ở những vùng chuyên canh này đều được đầu tư xây dựng, đặt các thùng chứa, bể chứa thuốc BVTV, nhưng không phải người dân nào cũng có ý thức thu gom để đúng nơi quy định. Tình trạng vứt bừa bãi vỏ thuốc BVTV đã qua sử dụng ngay tại các cánh đồng ở một số khu vực ngoại thành cũng đã trở thành thói quen của nhiều người dân… Hậu quả là nguồn nước ô nhiễm ngấm xuống đất, hòa vào mạch nước ngầm, rồi lại được hút lên qua hệ thống các giếng khoan để phục vụ nhu cầu sinh hoạt nên nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Ở một số tỉnh khác như Hưng Yên, Phú Thọ, Hải Dương…đã xây các mô hình quản lý phân bón, thuốc BVTV sau khi sử dụng bảo đảm vệ sinh an toàn môi trường trên địa bàn tỉnh, có các thùng đựng vỏ thuốc BVTV… Nhưng người dân vẫn chưa ý thức việc bỏ bao bì thuốc vào thùng.

Đứng đầu danh sách 12 loại độc chất nguy hiểm

Đánh giá của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn những năm gần đây cho thấy, tình trạng sử dụng hóa chất trong nông nghiệp như phân bón hóa học, thuốc BVTV chưa được quản lý chặt chẽ mà chủ yếu là tự phát, tràn lan, thiếu kiểm soát.

Từ năm 2000 đến nay, mỗi năm nước ta sử dụng tới khoảng 35.000 đến hơn 100.000 tấn hóa chất BVTV, kéo theo lượng bao bì, vỏ đựng khổng lồ, đa phần là những loại vật liệu không tự phân hủy, gây hại đến môi trường xung quanh. Đặc biệt, phần lớn các vùng sản xuất nông nghiệp, tình trạng sử dụng thuốc BVTV của nông dân trên các loại cây trồng đang có chiều hướng gia tăng.

thuoc tru sau2
Nhiều tỉnh đã xây các bể thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật.

Tình trạng ô nhiễm môi trường vì rác thải thuốc BVTV ở một số vùng nông thôn đã ở mức báo động. Người nông dân sau khi sử dụng thuốc BVTV thường có thói quen vứt vỏ chai, bao bì tùy tiện ngay tại đồng ruộng, dưới mương nước, ao hồ; một số hộ còn tiêu hủy cùng với rác thải sinh hoạt.

Ông Hồ Trung Kiên, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Ô nhiễm do tồn lưu hóa chất BVTV đang là vấn đề môi trường nghiêm trọng. Đây là những hợp chất hữu cơ độc hại đứng đầu danh sách 12 loại độc chất nguy hiểm, rất bền trong môi trường nên khó phân hủy sinh học, trong đó chủ yếu là các loại hóa chất thuộc nhóm POPs như: DDT, 666, Aldrin... Những hóa chất này theo nước mưa ngấm sâu vào nguồn nước sinh hoạt, hoặc tiềm ẩn trong không khí, thức ăn, nước uống, là một trong những tác nhân gây ung thư điển hình.

Để giảm tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải thuốc BVTV, cần sự chung tay của toàn xã hội, trong đó ý thức sử dụng của người nông dân là quan trọng nhất. Vì vậy, ngoài việc hướng dẫn bà con nông dân sử dụng hiệu quả, các cấp, các ngành cần tăng cường tuyên truyền để bà con thấy tác hại của thuốc BVTV, từ đó sử dụng đúng cách, thu gom bao bì, tiêu hủy đúng quy định. Ngoài ra, chúng ta cần xây dựng những trung tâm xử lý rác thải thuốc BVTV và các chất độc nguy hiểm. Làm được điều này sẽ góp phần bảo vệ môi trường sống ở địa phương cũng như sức khỏe cho chính bản thân, gia đình và xã hội.

Theo Lê Chính (VietQ)

 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.