Cảnh báo “Địa ốc Alibaba 2.0” đang hiện hữu tại Bất động sản Nhật Nam và Bank Land?

(CL&CS) - Với chiêu bài huy động vốn theo mô hình “Ponzi” (lấy tiền của người trước trả cho người sau) rất nhiều doanh nghiệp đang lôi kéo nhà đầu tư tham gia. Vấn đề này đã được các chuyên gia và cơ quan chức năng cảnh báo rủi ro, lừa đảo, tiềm ẩn nguy cơ đổ vỡ cao.

Nợ rộ “chiêu trò” lừa đảo theo mô hình “Ponzi”

Mới đây, Văn phòng UBND tỉnh Hòa Bình đã ra văn bản về việc xử lý nội dung liên quan đến Công ty CP Đầu tư Thương mại Bất động sản Nhật Nam (gọi tắt là Công ty Nhật Nam) có dấu hiệu, hành vi, hoạt động huy động vốn có nguy cơ phức tạp về an ninh kinh tế ,

Theo đó, tỉnh Hoà Bình cho biết tại Công văn số 518/ĐK ngày 4/8/2022, Cục An ninh Kinh tế - Bộ Công an xác định, Công ty Nhật Nam, trụ sở chính tại 54 Ngô Thị Thu Minh, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM do bà Vũ Thị Thúy làm người đại diện theo pháp luật có hành vi huy động vốn thông qua "Hợp đồng hợp tác kinh doanh” với các nội dung như: Yêu cầu bảo mật thông tin và cam kết không hình sự hóa các tranh chấp, chỉ hòa giải dân sự tại tòa án kinh tế. Hành vi này được cơ quan chức năng xác định tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.

Hiện nay, Công ty Nhật Nam đã thành lập nhiều chi nhánh và các văn phòng giao dịch bất động sản tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, lôi kéo nhiều nhà đầu tư tham gia góp vốn với cam kết trả lợi nhuận hàng ngày với tỷ suất lợi nhuận cao (từ 5-7%/tháng, tương đương 60-84%/năm) kèm theo nhiều ưu đãi bất động sản.

Sau khi ký hợp đồng và nộp tiền, các nhà đầu tư sẽ được chi trả lợi nhuận hàng ngày vào tài khoản. “Tuy nhiên, Công ty Nhật Nam lại sử dụng tài khoản cá nhân của Giám đốc Vũ Thị Thuý mà không sử dụng tài khoản doanh nghiệp để chi trả lợi nhuận. Hành vi này có dấu hiệu vi phạm Luật Quản lý thuế”, văn bản nêu rõ. “Cách thức huy động vốn của Công ty Nhật Nam tương tự mô hình “Ponzi” (lấy tiền của người trước trả cho người sau), đến khi doanh nghiệp hết khả năng chi trả cho nhà đầu tư”.

Văn bản cảnh báo của UBND tỉnh Hòa Bình.  
Văn bản cảnh báo của UBND tỉnh Hòa Bình.  

Văn bản cũng nêu rõ, Hiện nay, công ty này thành lập nhiều chi nhánh, văn phòng giao dịch bất động sản tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, lôi kéo nhiều nhà đầu tư tham gia góp vốn với cam kết trả lợi nhuận hàng ngày, tỷ suất lợi nhuận từ 5 - 7%/tháng, tương đương 60 - 84%/năm, kèm theo nhiều ưu đãi bất động sản).

Sau khi ký hợp đồng và nộp tiền, các nhà đầu tư sẽ được chi trả lợi nhuận hàng ngày vào tài khoản. Nhưng khi chia lợi nhuận cho nhà đầu tư, Công ty Nhật Nam không sử dụng tài khoản doanh nghiệp mà sử dụng tài khoản cá nhân của Vũ Thị Thúy (Giám đốc) để chuyển tiền, hành vi này có dấu hiệu che dấu thu nhập đã chia cho các nhà đầu tư, qua đó trốn tránh nghĩa vụ kê khai thuế thu nhập cá nhân thay cho các nhà đầu tư, vi phạm Luật quản lý thuế.

Mục đích sử dụng vốn huy động của Công ty Nhật Nam có nhiều dấu hiệu nghi vấn, khả năng hoạt động theo mô hình “ponzi” (lấy tiền của người trước trả cho người sau), đến một thời điểm nào đó dòng tiền của nhà đầu tư đứt gãy, Công ty Nhật Nam không còn khả năng chi trả cho nhà đầu tư sẽ nảy sinh tranh chấp, khiếu kiện, tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về an ninh kinh tế, an ninh trật tự.

Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu Sở KH&ĐT, Sở Xây dựng, Sở TN&MT, Sở TT&TT, Cục Thuế tỉnh, Ngân hàng Nhà nước tỉnh, UBND các huyện, thành phố phối hợp Công an tỉnh thực hiện các nội dung:

Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức rà soát các chi nhánh, văn phòng đại diện của Công ty Nhật Nam và các doanh nghiệp trên địa bàn có dấu hiệu, hành vi, hoạt động huy động vốn tương tự để có biện pháp ngăn chặn, xử lý; rà soát các cá nhân: Vũ Thị Thúy (Giám đốc), cổ đông góp vốn: Mai Thanh Tùng, Vũ Đức Tại có tài khoản hoặc giao dịch chuyển tiền tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh.

Sau Nhật Nam đến Bank Land?

Câu chuyện về công ty Bất động sản Nhật Nam chưa lắng xuống thì một cái tên khác lại được giới đầu tư bất động sản với với các bản Hợp đồng hợp tác kinh doanh với mức lãi suất không tưởng là Công ty cổ phần Tập đoàn Bank Land (Công ty Bank Land).

Cụ thể, doanh nghiệp này kêu gọi các nhà đầu tư bất động sản bằng công nghệ Blockchain. Doanh nghiệp này được quảng bá qua một loạt website như Banklandgroup.co, bankland.info, bankland.co và bankland.net.

Bảng danh mục hợp tác đầu tư kinh doanh và phân chia lợi nhuận của Bank Land (Nguồn: Bank Land).  
Bảng danh mục hợp tác đầu tư kinh doanh và phân chia lợi nhuận của Bank Land (Nguồn: Bank Land).  

Theo tự giới thiệu của Bank Land, doanh nghiệp này được thành lập vào ngày 21/12/2021, vốn điều lệ là 99 tỷ đồng. Doanh nghiệp có trụ sở tại Tầng 8, tòa nhà Sannam, phố Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, du lịch, tư vấn thiết kế thi công các công trình xây dựng và nội thất, sản phẩm công nghệ, tổ chức sự kiện,…. do ông Quản Văn Dương làm đại diện pháp luật.

Cũng theo quảng cáo, doanh nghiệp này đang nắm trong tay quỹ đất tập trung chủ yếu ở khu vực vùng ven Hà Nội như Phú Xuyên, Thường Tín, Đông Anh, Mê Linh. Công ty Bank Land lúc nào cũng sẵn sổ đỏ, để khách đầu tư có thể xem ngay, khách được chọn sổ.

Đáng chú ý, Bank Land tự giới thiệu hiện đã có tới 925 nhân viên chính thức, hơn 3.000 cộng tác viên và đặt ra mục tiêu sẽ trở thành tập đoàn bán lẻ bất động sản lớn nhất Việt Nam, đầu tư vào các dự án quốc tế, xây dựng thương hiệu 10 tỷ USD.

Không những vậy, Bank Land còn mời gọi nhà đầu tư hợp tác đầu tư kinh doanh và phân chia lợi nhuận từ ngày đến tháng, năm. Theo đó, lợi nhuận theo ngày thấp nhất là 0,07%, tính theo năm là 25,2% và cao nhất là 62,05%/năm với gói đầu tư 6 năm.

Theo thông tin từ báo Đại Đoàn Kết, Công ty Bank Land này có 2 danh mục hợp tác đầu tư kinh doanh và phân chia lợi nhuận. Theo đó, công ty này có 2 hình thức để nhà đầu tư lựa chọn: Hoặc là trở thành cổ đông của công ty, hoặc trở thành nhà đầu tư.

Đối với cổ đông, khách hàng sẽ được hưởng quyền lợi như: Được cấp thẻ VIP để giảm 5-10% khi mua sản phẩm, sử dụng các dịch vụ; Được phân chia quyền lực theo lãi suất của Vietcombank…

Dù được giới thiệu khá hoành tránh với khả năng sinh lời đầy hứa hẹn, thế nhưng Ông Thanh - Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên khẳng định trên địa bàn huyện Phú Xuyên không hề có dự án nào như Bank Land công bố, đồng thời cũng nhấn mạnh ông không hề biết đến tên công ty Bank Land.

Loại hình kêu gọi vốn đầu tư bằng hình thức "Hợp đồng hợp tác kinh doanh" không chỉ được áp dụng trong lĩnh vực bất động sản mà còn được các đối tượng sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác như đầu tư tiền ảo, dự án truyền thông... Trong số đó phải kể đến những cái tên như: Công ty cổ phần Truyền thông và Tổ chức sự kiện Tâm Lộc Phát; Tiến Phát, Thái Tuấn, Greenland, Smartland, Alibaba... Trong đó, siêu lừa Nguyễn Thái Luyện trong vụ đại án Alibaba lừa 4.300 người sắp bị đưa ra xét xử.

Cần phải “trị tận gốc”

Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho hay, theo quy định, hợp tác đầu tư dù lãi suất có cao đến 100% hay 200%, thì cũng không vi phạm quy định pháp luật, nhưng với điều kiện là các công ty này phải huy động vốn để đầu tư vào các dự án thực.

“Trên thực tế, khó có dự án hay hoạt động sản xuất - kinh doanh nào mang lại lợi nhuận cao ngất ngưởng như thế. Rất nhiều hoạt động huy động vốn theo hình thức hợp tác kinh doanh, hợp tác đầu tư lãi suất cao có dấu hiệu kinh doanh đa cấp, chiếm đoạt tài sản. Nhà đầu tư phải cẩn thận với các lời mời chào hợp tác đầu tư với lãi suất ‘trên trời’, tìm hiểu kỹ về mô hình đầu tư có phải là hình thức đa cấp không, dự án đầu tư cụ thể là dự án nào, giấy tờ pháp lý có đầy đủ không”, luật sư Hùng cảnh báo.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (nguyên Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước) nhận định, phương thức huy động vốn của Công ty Nhật Nam là tiền gửi đa cấp - dùng tiền người gửi trước để trả cho người gửi sau - ẩn chứa nhiều "vấn đề".

"Trong điều kiện thị trường hoạt động bình thường (không bị tác động bởi COVID-19), doanh nghiệp cũng không thể đạt được lợi nhuận trên 30%/năm để chi trả cho người gửi tiền, huống hồ là trong điều kiện dịch bệnh hiện nay. Đến một lúc nào đó, công ty này sẽ không huy động được vốn nữa, dẫn đến tình trạng vỡ nợ. Khi đó, người gửi sẽ không biết kêu ai" - ông Hùng nói.

Theo chia sẻ của một lãnh đạo Thanh tra Bộ Xây dựng hiện nhiều doanh nghiệp bất động sản huy động vốn của khách hàng với lãi suất cao giống "đa cấp" gây rủi ro. Việc huy động vốn này Bộ Tài chính nên vào cuộc thanh tra xử lý.

Vị lãnh đạo này cho biết, các doanh nghiệp này tự nhận mình là làm bất động sản nhưng không rõ làm dự án nào. Bản chất là thành lập doanh nghiệp bất động sản nhưng kinh doanh tài chính bằng huy động vốn.

Đồng thời, đại diện Sở Xây dựng tỉnh Hoà Bình đề nghị trường hợp các tổ chức, cá nhân có bằng chứng về việc ký hợp đồng đặt cọc giữ chỗ mua bán sản phẩm dự án giữa khách hàng và chủ đầu tư thì cung cấp về Sở Xây dựng và các cơ quan có liên quan (Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố nơi có dự án rao bán) để xem xét, xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Để tránh những rủi ro trong giao dịch và đảm bảo minh bạch và đảm bảo phát triển lành mạnh ổn định của thị trường bất động sản, không làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương, tránh tình trạng các tổ chức, cá nhân huy động vốn, bán sản phẩm bất động sản trái quy định pháp luật trên địa bàn tỉnh; Sở Xây Hoà Bình cũng khuyến cáo người dân không tham gia giao dịch đối với các bất động sản chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định.

Với trường hợp của Bank Land, Luật sư Nguyễn Kiều Đông, Trưởng Văn phòng luật sư Á Đông cho rằng theo Luật Đầu tư thì tên và nội dung của bản hợp đồng nói trên không tuân theo bất kỳ hình thức đầu tư nào. “Bản chất việc huy động vốn của Công ty Bank Land là huy động vốn trái phép. Ngoài ra, do không tuân thủ quy định về đầu tư nên quyền lợi của người tham gia khó được bảo đảm, phải chịu rủi ro rất cao”, ông Đông nói.

An Nhiên

Bình luận

Nổi bật

Thị trường bất động sản vẫn chờ những chính sách mới có hiệu lực

Thị trường bất động sản vẫn chờ những chính sách mới có hiệu lực

sự kiện🞄Thứ hai, 13/05/2024, 20:20

Dù đã bước sang quý II, nhưng thị trường bất động sản (BĐS) vẫn chưa có sự chuyển biến rõ nét khi thanh khoản kém tích cực, nguồn cung vẫn hạn chế… Và kỳ vọng của doanh nghiệp bất động sản là vẫn chờ những chính sách mới có hiệu lực.

[Longform] Đi tìm phân khúc bất động sản tiềm năng trong năm 2024

[Longform] Đi tìm phân khúc bất động sản tiềm năng trong năm 2024

sự kiện🞄Thứ hai, 13/05/2024, 20:19

Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam trong năm 2024 vẫn còn nhiều cơ hội. Nếu nhìn vào thực tế đang diễn ra, đây hoàn toàn là điều dễ hiểu khi thị trường mới chỉ chớm có sự phục hồi sau thời gian dài trầm lắng. Tuy nhiên, để tìm ra phân khúc tiềm năng cũng như thời điểm thích hợp để “xuống tiền” thì lại cần dựa vào nhiều yếu tố để đánh giá.

Vốn FDI tăng cao, thúc đẩy nhu cầu thuê căn hộ dịch vụ ở Việt Nam

Vốn FDI tăng cao, thúc đẩy nhu cầu thuê căn hộ dịch vụ ở Việt Nam

sự kiện🞄Thứ hai, 13/05/2024, 20:19

Báo cáo của Savills World Research vừa công bố vào tháng 2/2024 cho biết, xu hướng gia tăng về nhu cầu thuê đối với loại hình nhà ở là căn hộ dịch vụ đồng thời được ghi nhận tại Hà Nội và TP.HCM.