Dữ liệu cũ
Thứ hai, 30/09/2019, 14:42 PM

Cẩn trọng bệnh suy thận “tấn công” giới trẻ

(NTD) - “Tôi năm nay 29 tuổi, phát hiện bệnh đái tháo đường đã 5 năm nay. Sau đó bệnh biến chứng qua suy thận mạn nên phải chạy thận nhân tạo”, nằm trên giường bệnh điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, chị Trần Th. L. (Tân Phú, TP.HCM) kể. Theo đánh giá của Hội Niệu - Thận học TP.HCM, đây cũng chỉ là một trong hàng ngàn trường hợp bệnh nhân suy thận ngày càng trẻ hóa.

Sát thủ thầm lặng

Chị L. kể trong thời gian có thai con đầu lòng, nghén không ăn uống được nhiều, nên cơ thể dẫn đến thiếu chất, mệt mỏi.

“Sau khi sinh, tôi lại ăn uống rất nhiều để có sữa nên tăng cân rất nhanh. Đến khi thừa cân một thời gian dài, tôi liên tục có những biểu hiện như luôn khát nước, tiểu tiện nhiều lần trong ngày, mau đói, nhìn mờ... Khi đi khám thì bất ngờ phát hiện bị đái tháo đường giai đoạn 2. Chỉ một năm sau đó, bệnh đã biến chứng qua suy thận mạn. Giờ mỗi tuần phải vào bệnh viện để chạy thận nhân tạo 3 lần, khổ lắm” - chị L than.

Nuôi con trai đang học lớp 9 tại khoa Nội thận - Miễn dịch ghép của Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM, bà Lê Hồng Nga (quận 9) cho biết, trong kỳ nghỉ hè con trai có những biểu hiện phù nề, khó thở. Tưởng con bị hen suyễn, khi đi khám thì mới biết bị suy thận và đến nay đã chạy thận hơn 1 tháng.

“Có bệnh, con trai tôi phải ăn uống kiêng khem hơn, không còn dễ dãi như trước. Thế là từ nay, tôi cũng không làm được việc gì ngoài một tuần 3 lần đi hơn 30km đưa con đến bệnh viện chạy thận” - bà Nga cho biết.

Tại Bệnh viện Nhân dân 115 có vài bệnh nhân còn rất nhỏ từ 14-23 tuổi đang phải chạy thận, các phòng của khoa luôn quá tải. Tình trạng trên cũng tương tự ở khoa Thận nhân tạo, bệnh nhân từ mọi lứa tuổi, có cả học sinh, sinh viên. Do lượng bệnh nhân đông, nên những bệnh nhân nặng đươc chạy thận nhân tạo trong thời gian ngắn, khi ổn định sẽ được điều chuyển về cơ sở y tế địa phương.

Niềm vui khi con gái 24 tuổi vừa tốt nghiêp đại học và xin việc làm được một nơi ổn định chưa lâu thì gia đình bà Trần Thị Sen (Bình Dương) lại tá hỏa khi phát hiện con mình bị suy thận. Kết quả xét nghiệm cho thấy con gái bà có mức creatinin máu hơn 900 micromol/L (chỉ số bình thường từ 77-110), huyết áp và urê máu cao bất thường, nên đưa con gái đi xét nghiệm ghép thận. “Nhà có mỗi đứa con, nên mọi quan tâm cho cháu đều đặt lên hàng đầu. Chúng tôi dự định sẽ hiến thận cho con để mong cháu có cuộc sống tươi đẹp, chỉ cần cháu sớm hồi phục sức khỏe”.

a
Chạy thận nhân tạo tại một phòng khám vệ tinh của Bệnh viện quận Thủ Đức.

Nên khám sức khỏe định kỳ

Theo giới chuyên môn, bệnh thận mạn tính là quá trình suy giảm chức năng thận dưới mức bình thường. Khi đó, thận mất khả năng kiểm soát lượng nước, muối trong máu và canxi nhất là không thể loại bỏ các chất thải nên gây tồn đọng, gây hại cho người bệnh. Loại bệnh thận mạn tính thường không xuất hiện triệu chứng, cho đến khi diễn ra tình trạng nguy hiểm. Khi bệnh nhân ở các giai đoạn sớm như 1, 2, 3 (A), nếu điều trị tốt sẽ kéo dài thời gian bảo tồn thận, chưa phải chạy thận. Tuy nhiên, ở giai đoạn 4, bắt buộc người bệnh suy thận mạn phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận để duy trì sự sống.

Bệnh lý suy thận mạn không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mà còn gây áp lực lớn về kinh tế cho người bệnh. Chi phí một lần chạy thận tùy thuộc vào loại vật tư sử dụng như màng lọc, dây máu... dao động khoảng 500.000-1,5 triệu đồng.

Bác sĩ Bệnh viện Thánh Mẫu (TP.HCM) khuyến cáo, đái tháo đường và cao huyết áp là những nguyên nhân biến chứng gây suy thận mạn, dẫn đến bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo suốt đời. Chính vì vậy, cần phải khám sức khỏe định kỳ để chẩn đoán sớm bệnh suy thận mạn, không nên có triệu chứng mới tiến hành đi khám bác sĩ. Đồng thời, nhóm người có nguy cơ cao như đái tháo đường, gút, tiền căn gia đình có người bị suy thận mạn cần cảnh giác, chủ động tầm soát bệnh để chữa sớm. Bệnh nhân bị suy thận không nên tự ý dùng các loại thuốc bắc, thuốc nam vì chứa nhiều kali, dẫn đến tăng kali máu. Chỉ cần nồng độ kali từ trên 5mmol/lít là đã nguy hiểm, gây rối loạn nhịp tim, ngưng tim, thậm chí khiến bệnh nhân tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.

Ngoài ra, một sai lầm là nhiều người trẻ do suy nghĩ tuổi chưa cao khó bị đái tháo đường, cao huyết áp nên chủ quan. Đến khi phát hiện triệu chứng thì bệnh đã chuyển qua biến chứng suy thận mạn. Chính vì vậy, phải đi khám sức khỏe định kỳ, đồng thời có chế độ ăn uống lành mạnh, thường xuyên tập thể dục thể thao và giữ trọng lượng cơ thể hợp lý.

a1
Nhiều bệnh nhân nằm lọc máu, chạy thận nhân tạo.

Tuấn Anh

 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.