Dữ liệu cũ
Thứ hai, 11/02/2019, 12:17 PM

Bước ra khỏi quên lãng, trở mình thành làng bonsai Gò Vấp

(NTD) - Người yêu hoa, yêu cái đẹp của làng hoa Gò Vấp nổi tiếng một thời giờ từng thở dài luyến tiếc cho “hồn xưa dấu cũ”. Nhưng giờ đây, làng hoa đã hồi sinh và trở mình thành làng cây kiểng, bonsai trên vùng đất gò…

img_7270_ivyb
Nhiều người dân cố bám trụ nghề trồng hoa với mong muốn giữ lại nét đẹp riêng của một vùng đất “vang bóng một thời”.

Làng hoa vang bóng một thời

Gò Vấp là một trong ba vùng chuyên canh hoa lớn và nổi danh của Nam bộ thuở trước. Chỉ riêng ba xã Thông Tây Hội, An Nhơn và Hạnh Thông Tây cung ứng khoảng 70% hoa Tết cho vùng Sài Gòn – Gia Định trước năm 1975. Cho đến những năm 1990, làng hoa Gò Vấp vẫn rộng ngút tầm mắt với gần 500ha.

Theo các nghệ nhân, làng hoa mọc lên là do thú chơi tao nhã của người xưa ngay từ khi đến vùng đất gò cao này khẩn hoang lập nghiệp. Rồi nhờ điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” của vùng đất có nguồn nước trong mát, ngọt ngào, thú vui đã chuyển thành nghề có thu nhập, tạo nên công ăn việc làm cho bao gia đình.

Ngày trước ở Gò Vấp, người người trồng hoa, nhà nhà trồng hoa. Cứ mỗi dịp cuối năm người trong làng già trẻ lớn bé lại rủ nhau ra vườn hăng say bón phân, tỉa cành, chăm sóc tỉ mỉ để mong hoa nở đúng ngày, đúng vụ.

lang-hoa-2-620x415

Những chậu hoa được ươm chuẩn bị cho Tết Kỷ Hợi của một hộ trồng hoa tại làng hoa Gò Vấp.

Khắp làng trên xóm dưới, đi đâu người ta cũng chỉ cười nói với nhau về nắng, về gió, về những kinh nghiệm trồng hoa lâu năm của ông bà truyền lại. Vẻ mặt ai cũng tràn đầy phấn khởi khi nghĩ đến cái ngày nụ bung hoa. Không khí trong làng trở nên ấm cúng, thân thiện và nhộn nhịp khác thường.

Ở đây hầu như không thiếu một giống hoa nào, đặc biệt là các loại hoa lạ. Ngay cả “vương quốc” hoa kiểng Cái Mơn thuộc huyện Chợ Lách (Bến Tre) vào mùa trồng hoa Tết cũng tìm về đây để mua giống… Tên gọi “Làng hoa Gò Vấp” có từ bao giờ, những gia đình nghệ nhân, những con người gắn liền với sự thăng trầm của một làng nghề truyền thống nơi đây nhớ rất rõ.

472c4574cfaa2cf475bb

Ở đâu có giống hoa gì thì ở Gò Vấp cũng có giống hoa đó!

Một năm chỉ có ba tháng xuân và hoa thường nở đẹp nhất vào những ngày Tết, nhưng người Gò Vấp thì dường như thấy tiết xuân quanh năm bởi bốn mùa đều có hoa, mùa nào hoa nấy. Dường như ở đâu có giống hoa gì thì ở Gò Vấp có giống hoa đó!

Làng hoa Gò Vấp vốn đẹp đẽ và nên thơ là thế, nay không còn nữa. Cơn lốc đô thị tràn qua, người dân bán vườn bán đất. Làng hoa rộng thênh thang năm nào giờ còn khoảng 20ha nằm xen lẫn giữa phố xá với những con đường tráng xi măng phẳng lì. Người trồng hoa điêu đứng, nhưng không vì thế mà họ bỏ nghề của cha ông.

Ở tuổi 63, nghệ nhân trồng hoa Võ Văn Hoàng đã có tròm trèm 40 năm gắn bó với nghề. Đất trồng hoa của ông Hoàng cũng dần thu hẹp theo thời gian. Thi thoảng lúc nói chuyện, lão nghệ nhân không dấu được tiếng thở dài: “Đất trồng ngày càng hẹp. Hộ trồng hoa ở đây kết hợp trồng cây cảnh. Mấy năm nay, làng hoa cảnh Gò Vấp có hướng đi mới để tồn tại, giữ được cái hồn xưa cũ tạo nên tên tuổi của mình”.

Làng bonsai Gò Vấp

Làng hoa không còn như xưa. Mấy năm trước, mỗi dịp xuân về, Gò Vấp vẫn thu hút khách yêu hoa, chuộng cây cảnh đến hai chợ hoa lớn nhất quận: Chợ hoa Công viên Làng Hoa và chợ hoa Phạm Huy Thông, ngay ngã tư đường Nguyễn Văn Lượng – Nguyễn Oanh. Hoa của miền Tây đưa lên chiếm đến một nửa, nửa còn lại chia đều cho các nhà vườn ở Gò Vấp, Hóc Môn, Củ Chi và Thủ Đức, cũng như các tỉnh khác.

Làng hoa gần như mai một, nghệ nhân trồng hoa tứ tán mỗi người một nơi. Cứ tưởng làng hoa Gò Vấp chỉ còn “hồn xưa dấu cũ”. Nhưng rồi những người tâm huyết với nghề lại một lần nữa phục hưng làng hoa, giữ lại một nét đẹp của Sài Gòn xưa và truyền thống của làng nghề một thời vang bóng.

MG_2588

Hơn 70 nghệ nhân có tay nghề cao nơi đây đã chuyển hướng trồng kiểng và bonsai.

Bà Hồ Ngọc Cúc tiếp quản và kinh doanh vườn hoa kiểng của gia đình từ nhiều năm qua trên đường Lê Văn Thọ. Người phụ nữ hơn 40 tuổi này nói nghề trồng hoa quá bấp bênh, nên dân bán đất đổi nghề cũng thường tình. Giờ làng hoa chỉ tập trung trên hai con đường chính là Phan Huy Ích và Cây Trâm. “Tiền của đổ vào cứ năm này tăng hơn năm trước. Giá nhân công tăng, giá xăng dầu, phân bón hay chậu cảnh cũng đâu chịu đứng yên. Nếu bám nghề chỉ biết méo mặt”, bà Cúc tâm sự.

Để sống với nghề và lưu giữ dấn ấn của làng hoa, để lưu giữ cái hồn của làng hoa, hơn 70 nghệ nhân có tay nghề cao nơi đây đã chuyển hướng trồng kiểng và bonsai. Và từ đây, làng hoa Gò Vấp lại có thêm một cái tên mới “Làng bonsai Gò Vấp”.

MG_2585

Chậu bonsai có giá 30 triệu của một nghệ nhân tại làng hoa Gò Vấp.

“Đầu tư cho bonsai vừa không tốn diện tích, vừa có giá, vừa thỏa sức đam mê và quan trọng là lưu giữ được cái nghề cũng như cái hồn của làng hoa Gò Vấp nổi tiếng xưa nay…” – Nghệ nhân Trần Văn Thanh, ở độ tuổi hơn 50, cho biết.

Còn ông Thái Phong Vũ, 69 tuổi, chủ nhà vườn hoa cảnh Thanh Loan nói rằng lực lượng nghệ nhân đông đảo và truyền thống trồng cây cảnh lâu đời là thế mạnh mới của làng hoa – làng bonsai Gò Vấp. “Dân chơi cây cảnh muốn tìm cây dáng thế hoàn chỉnh, thậm chí là cây nguyên liệu đều tìm đến đây”, lão nghệ nhân chia sẻ.

2_rbbe

Làng hoa Gò Vấp dường như thấy tiết xuân quanh năm bởi bốn mùa đều có hoa, mùa nào hoa nấy.

Trải qua nhiều thăng trầm, có những lúc tưởng chừng làng hoa Gò Vấp sẽ biến mất, nhưng giờ đây làng đã hồi sinh mạnh mẽ. Tâm huyết và tay nghề của những nghệ nhân làng hoa đã lưu giữ cái hồn và hương sắc của vùng đất gò nổi tiếng một thời.

 Phan Định

 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.