Dữ liệu cũ
Thứ tư, 27/11/2019, 14:36 PM

Bớt “nghiện cơm”, dân Indonesia thay đổi chế độ ăn uống

(NTD) - Người dân Indonesia tiêu thụ lượng gạo gấp ba lần mức trung bình của thế giới. Căn bệnh tiểu đường ngày càng phổ biến ở đây đã khiến người dân nước này bắt đầu chuyển sang chế độ ăn mới, giảm bớt lượng tinh bột. Trào lưu mới được thúc đẩy nhờ các trang mạng xã hội và sự thay đổi chính sách của chính phủ.

Mỗi bữa ăn của Mirnawati, 34 tuổi như mọi gia đình ở Indonesia đều có cơm, nhưng mối liên hệ giữa cơm với bệnh tiểu đường đã thôi thúc cô tham gia trào lưu đang lớn mạnh ở đảo quốc này.

Indonesia đang chật vật đương đầu với bệnh tiểu đường bởi căn bệnh này ảnh hưởng đến 20 triệu trong tổng dân số 260 triệu người ở đây. Bệnh tiểu đường đang là nguyên nhân gây chết người đứng thứ ba ở Indonesia sau đột quỵ và các bệnh về tim.

Nhưng từ bỏ thói quen là một chuyện không dễ dàng với sự phổ biến ở mọi ngõ ngách của món cơm chiên nasi goreng - món quốc hồn quốc túy của Indonesia được hình thành sắc lệnh của cố Tổng thống Suharto.

“Tuần lễ đầu tiên không ăn cơm, tôi cảm thấy khốn khổ” - Minarwati cho biết. Cô nói đã chuyển sang chế độ ăn uống mới và sẽ không trở lại thói quen ăn uống nhiều tinh bột.

Bệnh tiểu đường đang ảnh hưởng đến 425 triệu người trên toàn thế giới. Các biến chứng của tiểu đường có thể dẫn đến đau tim, đột quỵ, mù lòa và thậm chí đoạn chi. Phần lớn những nạn nhân của căn bệnh này sinh sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, trong đó có Indonesia.

Gạo có nhiều chất xơ và các loại vitamin chính. Nhưng các chuyên gia y tế cho rằng một chế độ ăn uống lệ thuộc quá nhiều vào gạo trắng có sự liên hệ mật thiết đến việc bệnh tiểu đường và các trường hợp kháng insulin ngày càng phổ biến.

Điều này đã khiến Mirnawati cùng với mẹ và người chị họ của cô giảm bớt cơm, tăng tỷ lệ rau quả, hạt và thịt. Hiện chưa có các số liệu thống kê chính thức về số người giảm bớt cơm trong bữa ăn hằng ngày ở Indonesia, nhưng các nhà xã hội học nói phong trào “bớt ăn cơm”, “không cơm” đang hình thành một cách không chính thức ở đất nước này.

Một phần phổ biến nhờ các mạng xã hội, trào lưu mới cũng được chính quyền địa phương ủng hộ bao gồm thành phố cổ Yogyakarta, nơi được xem là thủ đô văn hóa của Indonesia. Năm ngoái, chính quyền Yogyakarta đã tiến hành chiến dịch khuyến khích người dân không ăn cơm ít nhất một ngày trong tuần.

a1
Chính sách tự túc lương thực của cựu Tổng thống Suharto giúp Indonesia đứng thứ ba thế giới về sản xuất gạo. (Ảnh: Shutterstock).

“Chính trị gạo”

Di sản lịch sản khiến những chiến dịch như của Yogyakarta khó khăn hơn.

Gạo và sản xuất gạo là dấu ấn ấn tượng của tham vọng “an toàn lương thực” của cựu Tổng thống Suharto. Chính sách bắt đầu những năm 1970 và trong vòng thập kỷ chính sách này đã loại bắp, khoai lang và các nông sản chủ yếu khác ra khỏi bữa ăn của người dân Indonesia. Trước khi bị lật đổ vào năm 1998, nhà lãnh đạo “nắm đấm sắt” luôn nói với công dân nước mình rằng họ nên ăn cái gì. Chính quyền các địa phương cũng gia tăng cường độ thông điệp của ông Suharto: Họ bán gạo với thông điệp ngầm hiểu rằng tiêu thụ nhiều gạo sẽ có uy tín, có địa vị xã hội hơn.

“Mọi người đã từng bị ảo tưởng là gạo có lợi cho sức khỏe, ngon hơn các loại thực phẩm khác và mang lại địa vị xã hội cao hơn. Giờ đây chúng ta đã thấy gạo ảnh hưởng thế nào đến xã hội Indonesia hiện giờ” - nhà nghiên cứu lịch sử Anhar Gonggon thuộc Viện Khoa học Indonesia nhận xét.

Chính sách của ông Suharto đã biến gạo từ một loại thực phẩm được tiêu thụ ít ở các cộng đồng trong quần đảo thành loại thực phẩm chủ yếu. Người Indonesia hiện tiêu thụ lượng gạo gấp ba lần lượng tiêu thụ trung bình trên thế giới là 53kg mỗi đầu người trong một năm.

Chiến lược do ông Suharto khởi xướng đã quá thành công, khiến nhu cầu về gạo vượt quá khả năng sản xuất. Năng lượng sản xuất gạo của Indonesia đạt trung bình 33 triệu tấn mỗi năm, tùy tình hình sâu bệnh hay dịch hại có thể khiến số gạo thiếu hụt khoảng 350.000 tấn đến khoảng 2 triệu tấn mỗi năm. Nguồn gạo thiếu hụt sẽ được nhập từ Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan.

“Không chỉ là cái bụng sôi réo, trong tâm thức chúng tôi luôn nghĩ rằng mình không no nếu không ăn cơm. Gia đình tôi có tiền sử bệnh đái tháo đường, vì thế tôi đã dừng ăn cơm hay bất cứ loại thực phẩm nào nhiều carbonhydrate” - Ilshasyah, một cư dân 47 tuổi ở thủ đô Jakarta, phát biểu.

a
Bốc dỡ gạo ở chợ Cipinang thuộc vùng Đông Jarkata. (Ảnh: Jakarta Post).

“Thuần Indonesia”

Giờ đây, Indonesia đang cố gắng đảo ngược chính sách xưa cũ bằng cách thuyết phục người dân giảm tiêu thụ gạo, nhưng các quan chức nhìn nhận rằng việc giảm lượng gạo tiêu thụ xuống bằng mức trung bình toàn cầu có thể mất vài thập kỷ.

“Chúng tôi đang khuyến khích người dân thay đổi rằng gạo là nguồn cung cấp carbonhydrate duy nhất bởi chúng tôi có nhiều loại thực phẩm chủ yếu khác” - ông Agung Hendriadi, người đứng đầu của Cơ quan Lương thực Quốc gia thuộc Bộ Nông nghiệp Indonesia, phát biểu.

Nhưng việc thuyết phục hàng trăm triệu người Indonesia theo chế độ ăn giảm dần hoặc không ăn cơm giống như “điệp vụ bất khả thi” mặc cho những lợi ích sức khỏe của chế độ ăn uống này mang lại.

“Tôi đã cố gắng chế độ ăn không có cơm nhiều lần, nhưng đã thất bại. Khẩu vị của tôi quá thuần Indonesia. Tôi không thể bỏ được cơm” - Mentari Rahman, một cư dân ở Bali, phát biểu.

Ricky Hồ

_NTD_So 210_593-594 In29
 

 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.