Thứ ba, 12/07/2022, 12:07 PM

Biến sông Tô Lịch thành Công viên lịch sử - văn hoá - tâm linh: Bao giờ hiện thực hoá giấc mơ?

(CL&CS) - Ý tưởng cải tạo sông Tô Lịch vốn đang bị ô nhiễm thành công viên văn hoá, du lịch, tâm linh của Công ty cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE Group) được nhiều nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý và người dân đồng tình. Tuy nhiên, vấn đề mà các nhà khoa học, người dân quan tâm là làm như thế nào? Triển khai ra sao để “sạch hóa” dòng sông nhưng vẫn giữ được hồn cốt của nó. Đặc biệt, đến khi nào ý tưởng trên thành hiện thực?

Từ ý tưởng đẹp cải tạo dòng sông “chết”

Sông Tô Lịch nhiều năm qua luôn được coi là dòng sông “chết” với mức độ ô nhiễm nghiêm trọng. Thời gian qua, Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt JVE (JVE Group) đã đề xuất phương án cải tạo sông Tô Lịch thành hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc, công viên văn hóa, tâm linh. Trước đó, ý tưởng này đã được Ban Tổ chức giải “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” lần thứ 14-2021 trao giải hạng mục Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị JVE Group (đơn vị đề xuất dự án) cho biết, dự án có tổng chiều dài 12,6km, bắt đầu từ nơi hợp lưu của 5 trục đường giao nhau là: Hoàng Quốc Việt - Lạc Long Quân - Võ Chí Công (đường trên cao) - Hoàng Hoa Thám - Chợ Bưởi (thượng lưu), chạy dài dọc theo sông đến điểm cuối là đập Thanh Liệt (hạ lưu). Quy mô dự án gồm 2 hạng mục: Hợp phần hệ thống hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm (ở phía dưới mặt đất) và cải tạo sông Tô Lịch thành Công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh (ở phía trên sông Tô Lịch).

4

Dự án cải tạo sông Tô Lịch được kỳ vọng sẽ làm “sống” lại con sông đang ô nhiễm.

Theo đó, Công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh sẽ xây dựng đường dạo dọc hai bên lòng sông tại ví trí mái dốc kè thẳng xuống để tạo không gian đi bộ, tập thể dục cho người dân. Các công trình văn hoá như khu Thực thể, khu Tượng đài, khu Văn bia… sẽ được xây nổi trên sông. Kết hợp với đó là các cầu mái vòm nối hai bờ sông với độ cong mái phù hợp để thuyền rồng chở khách du lịch có thể qua lại bên dưới thuận lợi, dễ dàng. Phương án tài chính dự kiến đề xuất chủ yếu sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi ODA của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và một phần vốn đối ứng trong nước...

Cũng theo JVE Group, Dự án này là bước tiếp theo nối tiếp lịch sử và phát huy thành quả của 3 dự án đã sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi ODA của Chính phủ Nhật Bản liên quan đến lưu vực Sông Tô Lịch (Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn I, Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn II và Dự án Hệ thống Xử lý nước thải Yên Xá thành phố Hà Nội).

Hiện nay, Dự án xây cống bao thu gom nước thải đặt ngầm ở dọc sông Tô Lịch để thu gom nước thải về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (vốn ODA Chính phủ Nhật Bản) dự kiến hoàn thành vào năm 2024. Dự án Công viên Tô Lịch sẽ kết hợp đồng bộ, kế thừa toàn bộ thành quả, phát huy hiệu quả của 3 dự án cũng sử dụng vốn ODA, cũng như giải pháp cấp nước bổ cập cho sông sau khi thu gom hết nước thải mà Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội đã và đang triển khai để tránh chồng chéo, trùng lặp, lãng phí vốn đầu tư.

Dự án với tiêu chí không tác động đến khu dân cư ở 2 bên sông, không phải giải phóng mặt bằng trong quá trình thực hiện nên dự án sẽ có khả năng đạt tiến độ đề ra. Dự án cũng chủ trương không thu hẹp lòng sông, bảo tồn các di tích dọc sông, không bê tông hóa (cứng hóa) đáy sông. Dự án sẽ xử lý tận gốc mùi hôi thối và các nguồn gây ô nhiễm ở cả trong lòng sông bằng Công nghệ Nhật Bản nên sẽ duy trì được môi trường nước của dòng sông luôn sạch sẽ trong mát để đảm bảo sức khỏe người dân và du khách khi tới Công viên Tô Lịch.

Họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà nghiên cứu Tâm linh Trịnh Yên - Ủy viên thường vụ, Trưởng Ban Văn hóa Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cho rằng: Dòng sông Tô Lịch trước đây với bây giờ nó khác xưa nhiều quá. Chính vì thế mà nhiều lúc tôi cũng băn khoăn lo lắng, mong muốn hy vọng làm sao phục hồi được dòng sông lại như xưa để cho người Hà Nội nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung khi đến Hà Nội được hưởng không khí trong lành.

Đánh giá về Dự án cải tạo sông Tô Lịch thành hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc, Công viên văn hóa, tâm linh, Họa sĩ Trịnh Yên cho rằng đây là một việc làm rất tốt, cần nhìn nhận bằng con mắt thời đại, quá khứ, hiện tại và tương lai, phục vụ xã hội cấp tiến, hiện đại. Nếu công trình này được xây dựng thành công, nó sẽ mang lại quan niệm khác, quan điểm khác và tiêu chí khác…

5

Phối cảnh 3D nằm trong dự án cải tạo sông Tô Lịch thành Công viên văn hóa, tâm linh. Ảnh: JVE Group

Giáo sư Trần Hiếu Nhuệ (Viện trưởng Viện Kỹ thuật Nước và Công nghệ Môi trường) chia sẻ: “Tôi rất hoan nghênh, ý tưởng này là rất lớn. Tuy nhiên, còn phải phụ thuộc vào kinh phí của đề tài. Nếu dự án thành công, người dân Hà Nội, người dân Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn. Để biến dự án này thành hiện thực thì các chuyên gia, những người thực hiện đề xuất này cần thời gian, tiến hành cải tạo từng bước”.

Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện đề xuất

Để tìm ra các giải pháp tổng thể nhằm cải tạo sông Tô Lịch, mới đây, UBND thành phố Hà Nội phối hợp cùng Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia về “Giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch thành Công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh (Công viên hữu nghị Việt-Nhật) và xây dựng các thiết chế văn hóa, hệ thống ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm dọc sông Tô Lịch”.

Các nhà khoa học ghi nhận ý tưởng của Đề án cải tạo sông Tô Lịch rất táo bạo, khả thi song còn cần phải bàn bạc kỹ lưỡng, kết hợp ý kiến của các chuyên gia liên ngành, bởi thực tế, sông Tô Lịch là điểm hẹn của rất nhiều các nghiên cứu nhưng đều chưa được thực hiện trọn vẹn. Nguyên nhân lớn nhất là do chưa đưa ra được phương án giải quyết những vấn đề tổng thể của cả hệ thống.

Tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết sông Tô Lịch có lịch sử gắn với sự phát triển của Thăng Long - Hà Nội, ẩn chứa những giá trị văn hóa, nguồn gốc và giá trị cảnh quan cao. Hiện nay, dòng sông chỉ còn lại trục Bắc Nam dài khoảng 13,4 km (trục Đông Tây đã bị lấp vào thời Pháp thuộc). “Hiện nay, khu vực lưu vực sông Tô Lịch là nơi có mật độ dân cư cao, tốc độ đô thị hóa mạnh. Toàn bộ nước thải phát sinh, đặc biệt là nước thải sinh hoạt đều đổ về đây. Hiện trạng của sông Tô Lịch giờ giống như một con kênh thoát nước thải của Thành phố”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nói.

6

Phối cảnh 3D nằm trong dự án cải tạo sông Tô Lịch thành Công viên văn hóa, tâm linh

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố, gần đây Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố Hà Nội cũng đã họp và giao nhiệm vụ cho các sở, ngành và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp cận tổng thể để xử lý các nội dung liên quan đến sông Tô Lịch. Theo quá trình kiểm soát chất lượng môi trường sông Tô Lịch, Hà Nội cũng đã triển khai nhiều dự án như dự án thoát nước giai đoạn 1, 2 gồm cải tạo hạ tầng thoát nước khu nội thành, cải tạo kè và công trình hạ tầng kỹ thuật dọc sông Tô Lịch; xây dựng cụm công trình đầu mối trạm bơm Yên Sở công suất 90 m3/giây; cải tạo cảnh quan ven sông…

Cùng với đó là xây dựng hệ thống thu gom (dài hơn 52 km) và Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (công suất 270.000 m3/ngày). Đồng thời, thành phố Hà Nội cũng phê duyệt đề cương chi tiết đề án phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống bốn sông ở khu vực nội đô lịch sử (gồm sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu).

Về đề xuất cải tạo sông Tô Lịch của JVE, theo ông Dương Đức Tuấn, UBND thành phố Hà Nội đã giao cho các sở, ngành liên quan nghiên cứu. “Chúng tôi hiểu rằng đề xuất hướng đến ba mục tiêu. Thứ nhất là khôi phục, phục hồi, phát triển không gian, kiến trúc cảnh quan, môi trường. Thứ hai là kết hợp với giải pháp xử lý thoát nước công nghệ, đảm bảo khu vực lưu vực cũng như giải quyết vấn đề ngập úng. Thứ ba là kết hợp tổ chức giao thông ngầm dọc sông Tô Lịch. Có thể nói đề xuất kết hợp ba chức năng trong một. Đây là ý tưởng triển khai với quy mô lớn, cần nguồn lực rất lớn để triển khai”, ông Dương Đức Tuấn nhận định.

Nhiều chuyên gia cho rằng, đề xuất của JVE là độc đáo. Tuy nhiên, JVE mới chỉ đề xuất các giải pháp về không gian kiến trúc, cảnh quan và thoát nước trong ranh giới sông Tô Lịch mà chưa có sự nghiên cứu trong mối liên hệ tổng thể giữa sông Tô Lịch với sông Lừ, sông Sét cũng như hệ thống thoát nước, tưới tiêu, thu gom nước thải… của Thành phố.

Bên cạnh đó, đề xuất làm hầm thoát nước kết hợp đường cao tốc dài 11 km dọc sông Tô Lịch cũng được cho là những giải pháp tương đối mới về kỹ thuật và công nghệ, cần được xem xét. Hơn nữa, nguồn lực để thực hiện đề xuất là rất lớn, cần có phương án tính toán kinh phí xây dựng, hình thức đầu tư để xem xét chứng minh tính khả thi của đề xuất.

Hiện, lãnh đạo Thành phố cũng đề nghị phía JVE tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện đề xuất cải tạo sông Tô Lịch để làm cơ sở lấy ý kiến các chuyên gia, cơ quan quản lý Nhà nước, xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền./.

Chị Hoàng Thị Thủy (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội):

Kỳ vọng đem lại diện mạo mới cho thành phố Hà Nội

Đề án cải tạo sông Tô Lịch thành Công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh đã vẽ lên viễn cảnh biến con sông gánh nước thải của thành phố Hà Nội trở thành một không gian tuyệt đẹp với hàng loạt các công trình văn hóa trải dài. Tôi cho rằng đây là y tưởng táo bạo, đột phá. Tôi rất đồng tình và kỳ vọng, nếu đề xuất này được triển khai bài bản sẽ là cơ hội để hồi sinh dòng sông lịch sử. Bởi, qua các phương tiện truyền thông đại chúng, tôi được biết đây là dự án phức hợp, đa mục tiêu, vừa giải quyết bài toán giao thông đô thị - ngập úng, vừa bảo vệ cảnh quan, môi trường và xây dựng một không gian văn hoá chưa từng có trên bề mặt một dòng sông.

Tuy nhiên, mục tiêu đặt ra rất lớn đồng nghĩa với nguồn kinh phí khổng lồ. Quy trình để vay vốn ODA không phải một sớm một chiều. Do vậy, tôi hi vọng, với sự tham gia của nhiều bên, Dự án sẽ sớm trở thành hiện thực.

---------------------------------

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Tiến sĩ - Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm:

Cần nghiên cứu rất kĩ

Sông Tô Lịch không chỉ mang yếu tố cảnh quan của Thành phố mà nó còn mang yếu tố văn hóa truyền thống. Dự án nếu được triển khai không chỉ góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, làm sạch không khí, làm sạch dòng nước… mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng tầm giá trị truyền thống, văn hóa của Hà Nội. Từ năm 2011, thành phố Hà Nội đã phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hai bên bờ tuyến sông Tô Lịch, trong đó yêu cầu tạo lập, phát huy vai trò của mặt nước, tạo cảnh quan hai bên bờ sông, kết nối trục không gian hai bên… Tuy nhiên, đến nay quy hoạch này vẫn chưa được thực hiện do việc xử lý nguồn nước ô nhiễm tại dòng sông này chưa được giải quyết được. Vấn đề hiện nay cần phải làm sạch nước sông, sau đó thì mới tính đến chuyện khai thác.

Đối với ý tưởng xây đường cao tốc ngầm kết hợp hầm chống ngập dọc sông Tô Lịch, tôi cho rằng chưa nên bàn vội vì phải xác định mục tiêu và nguồn vốn. Ngoài ra, về các thiết chế văn hóa trong công viên, cần lấy ý kiến nhiều chuyên gia văn hóa, lịch sử, dân tộc học để xây dựng các hạng mục đảm bảo thẩm mỹ. Trước đây, để dựng tượng đài Vua Lý Thái Tổ bên Hồ Hoàn Kiếm, chúng tôi đã lấy ý kiến rất nhiều chuyên gia, bàn bạc trong nhiều năm mới thống nhất được. Nay, dự án có tham vọng đặt một loạt tượng danh nhân văn hóa các triều đại thì phải nghiên cứu rất kỹ.

---------------------------------

Giáo sư - Nhà sử học Lê Văn Lan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long:

Từ ý tưởng mong thành hiện thực

Tôi cho rằng, đây là một Dự án kỳ vỹ, tức là lạ và lớn, không chỉ là việc cứu vớt cho dòng sông đang bị ô nhiễm này mà còn làm đẹp, làm vui, làm tốt cho dòng sông này; không gian văn hóa lịch sử của dòng sông này và cả những giá trị biểu tượng và tâm linh nữa. Vì thế, chắc chắn lịch sử, dân tộc, đất nước, trông đợi sự thành công của dự án này.

Tuy nhiên, hiện nay, dự án mới đang ở ý tưởng, từ ý tưởng đến thực tiễn còn vô vàn những điều khó khăn, phức tạp. Tôi có thể lấy ví dụ, việc đặt tượng của các nhân vật lịch sử chẳng hạn. Trước đây, chúng ta cũng đã có kinh nghiệm, ví dụ với tượng vua Lý Thái Tổ thôi, khi bắt đầu tiến hành, phải có hội đồng, phải có thi, phải có tác giả… Trong quá trình đó, bao nhiêu là ý kiến đóng góp vào đấy, chưa kể là kinh phí. Tôi mới làm một tượng về Vua Hùng, thế mà chỉ riêng việc nhờ nhà điêu khắc thiết kế móng thôi đã là 350 triệu. Đến lúc thành thực, đưa xuống Ý Yên (tỉnh Nam Định) để phóng lên đã lên tới bạc tỉ rồi. Cho nên, đó là một ví dụ, từ ý tưởng đến thực tiễn còn rất nhiều khó khăn. Do vậy, tôi cầu chúc cho dự án sớm thành công chứ không phải dừng ở ý tưởng. Để những giá trị văn hóa, tâm linh tại sông Tô Lịch sớm được phục hồi, thể hiện một cách chính xác và hữu hiệu.

Lao động thủ đô

Bình luận

Nổi bật

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 tiết kiệm năng lượng từ 1,6 - 1,8%

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 tiết kiệm năng lượng từ 1,6 - 1,8%

sự kiện🞄Thứ ba, 26/11/2024, 08:32

(CL&CS)- UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Quy định phí bảo vệ môi trường đối với khí thải

Quy định phí bảo vệ môi trường đối với khí thải

sự kiện🞄Thứ hai, 25/11/2024, 06:46

(CL&CS) - Chính phủ ban hành Nghị định số 153/2024/NĐ-CP ngày 21/11/2024 quy định phí bảo vệ môi trường đối với khí thải.

Hà Nội vào mùa ô nhiễm không khí, nguy hại sức khỏe người dân

Hà Nội vào mùa ô nhiễm không khí, nguy hại sức khỏe người dân

sự kiện🞄Thứ sáu, 22/11/2024, 17:58

(CL&CS) - Chất lượng không khí (AQI) Hà Nội thời gian gần đây luôn ở mức cảnh báo đỏ, chỉ số bụi mịn PM 2.5 vượt ngưỡng cho phép, điều này cho thấy hiện trạng ô nhiễm ở Hà Nội rất báo động