Dữ liệu cũ
Thứ tư, 18/05/2016, 12:08 PM

Bao giờ sản phẩm văn hóa Việt rầm rộ “xuất ngoại”?

(NTD) - Nhìn truyện nước ngoài tràn ngập nhà sách, xem những bộ phim nước ngoài được chiếu ồ ạt ở Việt Nam, làn sóng K-Pop Hàn Quốc xâm nhập vào giới trẻ Việt cùng những chuyến giao lưu với các diễn viên nước ngoài, những người yêu mến và tự hào về văn hóa nước nhà hẳn cũng sốt ruột, tự hỏi: Bao giờ những sản phẩm văn hóa nghệ thuật (VH-NT) Việt Nam xuất khẩu?

Vẫn chỉ là mơ ước

Sản phẩm VH-NT có nhiều loại hình, song ở đây chúng tôi chỉ đề cập đến ba loại hình là văn học, phim ảnh và ca nhạc.

van hoa viet2
Poster của phim Áo lụa Hà Đông

Nhiều nghệ sĩ, nhà làm phim, nhà làm VH-NT đều thừa nhận văn hóa Việt Nam có những nét đặc sắc để làm ra những sản phẩm có thể xuất khẩu. Tuy nhiên, trong thực tế, việc xuất khẩu các sản phẩm văn học, phim, ca nhạc của Việt Nam vẫn hết sức hạn chế.

Nhiều năm trước, bộ phim “Đất phương Nam” đã được bán sang Mỹ và những năm sau đó, một số bộ phim như “Chuyện của Pao”, “Cánh đồng bất tận”, “Áo lụa Hà Đông”, “Huyền thoại bất tử”, “Chơi vơi”... cũng có mặt ở thị trường nước này cùng một số nước khác. Đây chính là minh chứng cho thấy việc xuất khẩu phim Việt ra nước ngoài có thể khả thi.

Thế nhưng, từ đó về sau, việc những bộ phim cả điện ảnh lẫn truyền hình hầu như không thấy bán ra nước ngoài nữa, ngoại trừ một số buổi chiếu giới thiệu cho khán giả nước sở tại xem. Mới đây, với việc hợp tác cùng Nhật Bản, Hàn Quốc làm phim cũng như việc một số Việt kiều nhanh nhạy về nước làm phim... đã nhen nhóm lại hy vọng xuất khẩu phim Việt ra nước ngoài.

Ở lĩnh vực văn học, chỉ mới có một số tác phẩm nổi tiếng của Việt Nam, như: “Nỗi buồn chiến tranh”, truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp... được dịch ra tiếng nước ngoài. Còn việc xuất khẩu tác phẩm văn học, hầu như là con số không. Cho đến nay, hàng chục năm trôi qua, cũng chưa thấy có động thái nào từ phía Nhà nước lẫn tư nhân là sẽ xuất khẩu văn chương Việt ra nước ngoài mà chỉ thấy truyện nước ngoài được dịch và in tràn lan ở Việt Nam.

van hoa viet
Album Chat với Moza được bày bán ở Nhật.

Riêng lĩnh vực âm nhạc, ngoài chuyện một số nghệ sĩ qua nước ngoài biểu diễn và album “Chat với Moza” của ca sĩ Mỹ Linh được bán ở Nhật, thì việc ca khúc Việt xuất hiện trên thị trường quốc tế gần như chỉ là điều mơ ước.

Vậy, có tiếc không khi gia tài đặc sắc của nền âm nhạc truyền thống và từng có những tên tuổi, thế hệ nhạc sĩ vang danh nhưng âm nhạc, cụ thể là những ca khúc Việt chưa hội nhập và phát triển được cùng thế giới? Trong khi đó, Hàn Quốc sau vài thập kỷ đổi mới, họ đã hình thành nên một thể loại ca nhạc riêng là K-Pop và làm mưa làm gió ở các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.

Làm gì để sản phẩm VH-NT Việt xuất ngoại?

van hoa viet3
Cảnh phim “Khúc hát mặt trời”, một bộ phim hợp tác Việt - Nhật

Khi bàn đến chuyện làm gì để những sản phẩm VH-NT của ta như văn học, phim, ca nhạc, có thể xuất khẩu được, nhiều nghệ sĩ bày tỏ rằng cần có chính sách và chiến lược đầu tư từ Nhà nước. Trong đó, hai yếu tố then chốt là đầu tư kinh phí và đầu tư vào chuyên môn và khâu tiếp thị, quảng bá sản phẩm.

Không chỉ các nước có nền nghệ thuật phát triển, mà nhiều nước Đông Nam Á đã có những chính sách, chiến lược đầu tư cho lĩnh vực này. Thái Lan từ lâu đã xem phim truyền hình như một ngành công nghiệp giải trí, thường xuyên xuất khẩu phim. Phim truyền hình Malaysia đã có mặt ở 64 nước trên thế giới...

Để có được kết quả đó là cả một quá trình với những chính sách cụ thể. Đơn cử như Malaysia đã quyết định nâng mức đầu tư từ 1,6% GDP năm 2010 lên 6,5% GDP năm 2020 để phát triển công nghiệp sản xuất phim truyền hình. Tính đến năm 2012, mỗi năm nước này bán phim điện ảnh và truyền hình được 60 triệu USD và tiến tới 130 triệu USD vào năm 2020.

Trong khi đó, cho đến nay việc tìm đường xuất khẩu phim truyền hình Việt Nam mới chỉ dừng lại ở những nỗ lực của các đoàn làm phim, của các tổ chức đơn lẻ. Còn phía Nhà nước vẫn chưa có chính sách nhất quán để đưa phim Việt đến với các kênh truyền hình trên thế giới. Tương tự, điện ảnh cũng lâm cùng cảnh ngộ.

Còn sản phẩm âm nhạc, đến nay vẫn chưa thấy “nhúc nhích”, trong khi thị trường ca khúc trong nước vẫn giậm chân tại chỗ, không có tác phẩm nổi bật, không bứt phá nói gì đến việc hình thành ra một trào lưu để xuất khẩu như K-Pop của xứ Hàn!

Dù thừa nhận trình độ đội ngũ và chất lượng phim của ta không quá thua kém nếu so với mặt bằng chung của thị trường phim thế giới, nhưng nhiều nghệ sĩ, nhà làm phim đều cho rằng phim Việt nội dung còn thiếu tính đặc trưng, sáng tạo. Việc đầu tư kinh phí cho phim Việt còn “khiêm tốn”.

Kinh phí cho mỗi tập phim của các nước châu Á từ 15 ngàn đến 2 triệu USD, trong khi Việt Nam chỉ khoảng 10 ngàn USD. Tuy nhiên, điều tiên quyết vẫn là nội dung của phim phải hấp dẫn, mới lạ, khác biệt. Một khi chúng ta còn chưa khai thác được những hình ảnh, văn hóa xứ sở và tìm ra câu chuyện độc đáo, cộng với công nghệ làm phim lạc hậu thì phim Việt sẽ mãi quẩn quanh trong “cái ao làng”!

Ở mảng văn học, chúng ta đã có nhiều tác phẩm hay, đủ sức thu hút bạn đọc quốc tế. Song, do chưa có chiến lược dịch và quảng bá, bán ra nước ngoài nên những tác phẩm này hiện đang bị lãng quên. Thế nên, cần lắm những “toan tính” dài hơi, cụ thể trong dịch thuật và quảng bá cho văn học Việt “vượt biên”!

Huy Văn

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.