Dữ liệu cũ
Thứ tư, 27/11/2019, 14:32 PM

Bà chúa Ả Rập và những nô tỳ tầm thấp - Kỳ cuối: Lạc trôi xứ người

(NTD) - Nếu cuộc đi của những người tìm đường mưu sinh nơi xứ Ả Rập có vẻ rất suôn sẻ, đơn giản thì ngày về của họ lại không ít trắc trở, khó khăn. Cú điện thoại kêu cứu lần cuối cùng mà gia đình ông Đinh Văn Bắc cư ngụ tại Đơn Dương - Lâm Đồng nhận được từ con gái là vào 22/9/2019.

Loan, con gái ông Bắc đi xuất khẩu lao động tại Ả Rập từ đầu năm 2019, suốt thời gian đó, trong những lần liên lạc, tuy Loan không than phiền gì nhưng bằng linh cảm của một người cha, ông Bắc nhận thấy cuộc sống của con đang gặp nhiều vấn đề bất ổn. Cho đến tối 22/9, qua cuộc gọi face time, Loan không giấu được vẻ hoảng loạn, than khóc là đang bị nhốt trong nhà vệ sinh, không được ăn, uống đã ba ngày và sợ rằng mình sẽ mất mạng. Sau đó, không hiểu vì lý do gì, màn hình tắt phụt và ông Bắc không thể liên lạc với con kể từ đó. Ông gọi cho Mari - người phụ nữ sống tại TP.HCM và cũng là người môi giới đưa Loan qua Ả Rập thì Mari thoái thác là không biết, đang bận đi... hành hương và sẽ giải quyết vấn đề khi trở lại Việt Nam.

Tuy gọi là “xuất khẩu lao động chính ngạch” và trước khi đi, người lao động được hứa hẹn đủ thứ, nhưng trên thực tế, thái độ đem con bỏ chợ là điều phổ biến ở các cò người, sau khi đã hoàn tất các thủ tục, đưa “hàng” cập bến và nhận tiền huê hồng. Thậm chí sau mỗi đợt tổ chức, có những cò người thay luôn số điện thoại bởi “người nhà cứ gọi léo nhéo hoài, nhức đầu”. Trong lúc đó, khi xảy ra chuyện, cả người đang lao động bên Ả Rập lẫn người nhà của họ ở Việt Nam cũng không có đường bấu víu. Từ đầu tháng 10/2019 đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Tu Mơ Rông (Kon Tum) cho biết đã có 3 gia đình trình báo về việc người thân của họ đi xuất khẩu lao động sang Ả Rập và hoàn toàn mất tích, không thể liên lạc dưới mọi hình thức.

Tuy nhiên trên thực tế, người dân sinh sống ở đây cho biết con số còn lớn hơn nhiều, nhưng người ta chưa trình báo vì ngại rắc rối và cũng còn mong mỏi chút hy vọng cuối cùng sẽ có liên lạc trở lại từ phía người đi. Đáng thương nhất là trường hợp của chị Y Hồng. Chị không còn có bất cứ liên lạc nào với gia đình dù chồng của chị vừa mới tự tử qua đời, bốn đứa con nheo nhóc và mọi nỗ lực nhắn chị về Việt nam, tiễn đưa người chồng xấu số lần cuối cùng cũng hoàn toàn bế tắc.

Trở lại trường hợp của chị Ay Xa, người đã bị “chuyển nhượng” cho ba đời chủ và vào tù mà không hiểu vì sao lại vào tù! Khi nhà chủ không nhận về, cảnh sát trại giam nói với Ay Xa rằng muốn được tự do trở về Việt Nam thì phải có người đứng ra bảo lãnh và thương lượng với người chủ đầu tiên nhận chị vào làm. Cái giá cho cuộc “thương lượng” ấy không hề rẻ: 3.000 USD! Một gia đình nghèo đến nỗi chẳng bao giờ có trong nhà quá mười triệu đồng như gia đình chị Ay Xa thì số tiền ấy quả là không tưởng. Bởi vậy nên dù họ chạy vạy đủ kiểu, kể cả liều mạng đi vay nóng thì cũng chẳng chủ nợ nào cho họ vay, nhất là khi chỉ để chuộc một đứa kiết xác trong tù ra.

Hết đường, chị Ay Xa đành bị mắc kẹt trong trại giam và tưởng mình sẽ chết rũ nơi xứ người. May cho chị, có một đoàn từ thiện thuộc tổ chức phi chính phủ chuyên quan tâm đến những người thuộc hoàn cảnh đặc biệt như chị Ay Xa. Họ vào tù thăm, nhận thấy chị hoàn toàn vô tội nên đã bỏ ra 3.000 USD chuộc tự do cho chị. Bước ra khỏi cánh cửa trại giam, chị Ay Xa cảm giác như mình được tái sinh lần thứ hai và giờ đây, suốt đời, chị không bao giờ muốn nghe nói đến hay nghe ai nhắc đến hai từ Ả Rập nữa.

a
Nụ cười không xóa tan được nỗi nghiệt ngã.

Những số phận nghiệt ngã khi quay về

Người phụ nữ ấy có làn da sạm và đôi mắt thâm quầng, nhiều người gọi bà là bà Xá và công việc của bà là chuyên buôn bán thực phẩm Halal - những thực phẩm mà người Hồi giáo được phép dùng. Hằng tuần, bà lấy bò, gà... và những thực phẩm đã được “làm phép” từ Châu Đốc lên bán tại chung cư Phan Văn Hân nơi có nhiều người Chăm theo Hồi giáo đang sinh sống.

Và vào tháng 9/2019, bà Xá cũng lên chung cư, nhưng không để bán hàng mà là lên Thánh đường Hồi giáo nằm ngay tầng 4 chung cư xin cúng cho con gái bà là một cô gái trẻ vừa chết sau đợt đi xuất khẩu lao động tại Ả Rập.

Cư dân sống tại đây bàng hoàng bởi họ không lạ gì bé Na, một cô gái xinh đẹp với khuôn mặt có những đường nét như lai Ấn. Điều đáng nói là gia cảnh của Na không quá nghèo, nhưng chỉ vì nghe theo những hứa hẹn hấp dẫn ở xứ sở thần thoại, Na quyết định đi. Cuộc sống xứ người như tù ngục với những trận đòn không nương tay của bà chủ đã để lại trong thân thể Na những di chứng nặng nề. Khi về nước, Na bệnh liên tục nhưng không cho người nhà đem đi bệnh viện vì biết bệnh mình khó qua khỏi. Một thời gian ngắn sau, Na tức tưởi ra đi vĩnh viễn. Trước khi đi, Na còn thốt lên với mẹ: “Nếu con không đi, thì con sẽ không chết mẹ ơi!”

Nhưng Na không phải là trường hợp cá biệt. Cách đây vài năm, chị Thả, một phụ nữ trung niên cư ngụ tại chung cư Phan Văn Hân đã qua đời một cách đau đớn chỉ một thời gian ngắn sau khi đi lao động tại Ả Rập trở về. Từ một phụ nữ mặn mà nhan sắc, những ngày cuối đời, nhìn hình ảnh tàn tạ của chị không ai là không thương xót. Tuy vậy, nếu những người bình thường cho rằng chính sự làm việc đến kiệt sức và bị hành hạ tàn bạo của gia chủ là nguyên nhân của cái chết ấy thì lại không ít người tin vào tâm linh lý giải rằng xứ Ả Rập là một xứ linh thiêng và khi qua bên ấy, lỡ phạm phải bất kỳ điều bất kính nào sẽ phải trả giá đắt, thậm chí cả bằng mạng sống.

Không phải ai cũng gặp sự cố và không phải ai cũng chết. Cũng có những người sau khi hết thời hạn, trở về lành lặn sau một chuyến xa quê hương. Nhưng đó chỉ là bề nổi và cuộc sống của họ lại vẫn gặp phải rất nhiều những rắc rối khó tưởng tượng. Bé Ba, một phụ nữ 33 tuổi, cư ngụ tại phường 17, quận Bình Thạnh rơi vào tình huống dở khóc dở cười sau khi đi xuất khẩu lao động về. Chuyện là trước khi đi, bé Ba làm tạp vụ cho một công ty tư nhân, gia cảnh nghèo. Sau 2 năm đi xuất khẩu Ả Rập về, tự nhiên bà con họ hàng ùn ùn kéo tới... mượn tiền. Cho mượn thì không ổn, mà từ chối thì cũng không xong với đủ lời oán than giận dỗi: “Đi nước ngoài, kiếm hàng trăm triệu về mà mấy triệu đồng với người thân cũng tiếc”. Bé Ba nói như mếu: “Trong thời gian em đi, thằng chồng em nghĩ em kiếm nhiều lắm nên ở nhà mượn nợ đánh đề, giờ nó nợ lên đến cả trăm triệu đồng, chút tiền em dành dụm mang về được coi như xong! Vậy mà đâu có ai hiểu cho. Biết vậy em chẳng mất hai năm đổ mồ hôi, sôi nước mắt nơi xứ người làm gì”.

Tệ hơn bé Ba, câu chuyện của Tr. PT lại là một bi kịch thật sự. Cô xin đi xuất khẩu lao động Ả Rập thời hạn 2 năm, làm phụ việc nhà, lương 10 triệu đồng/tháng. Thoạt đầu, Tr. PT tưởng mình gặp may khi nhà đó chỉ có hai vợ chồng. Nhưng nào ngờ, gã chồng tướng tá vạm vỡ như trâu và luôn hau háu nhìn cô khiến cô bắt đầu cảm thấy bất ổn. Một lần, vào lúc nửa đêm, Tr. PT đã chốt cửa cẩn thận nhưng chẳng hiểu sao gã vẫn mở ra được và vào phòng cô để dở trò. Tr. PT vùng dậy, vớ lấy con dao, kề vào cổ và kiên quyết: “Nếu mày không buông tha, tao sẽ chết”. Gã xấu xa hậm hực đi ra và hôm sau, Tr. PT bị trả về nước với lý do lẳng lơ, dụ dỗ chồng bà chủ! Làng xóm lời ra tiếng vào, chồng Tr. PT bắt đầu nghi ngờ vợ, cả hai lục đục không yên và cuối cùng thì phải dẫn nhau ra tòa ly dị. Chỉ chưa đầy một năm, cô mất tất cả: Công việc đang có tại Việt Nam, danh dự và nhất là cuộc hôn nhân mà cô luôn đặt tất cả tình cảm của mình vào đó.

Đổi đời là một ước vọng chân chính và đáng trân trọng, nhưng liệu đời sẽ đổi theo chiều hướng tốt hay tồi tệ đi sau thời gian vắt sức nơi xứ người? Đó là điều mà tất cả các người xuất khẩu lao động cần cân nhắc trước khi bước chân đi về một nơi vô định.

Bài và ảnh: Vương Liễu Hằng

 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.