Yêu cầu về an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất thực phẩm Halal theo TCVN 12944:2020

(CL&CS) - Theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12944:2020: Thực phẩm Halal - Yêu cầu chung, cơ sở sản xuất thực phẩm halal phải đảm bảo vệ sinh, bao gồm vệ sinh cá nhân, quần áo, dụng cụ, thiết bị và vệ sinh chung của cơ sở. Đồng thời thực hiện các biện pháp quản lý và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với nguyên liệu, thành phần nguyên liệu, vật liệu bao gói, trước khi sơ chế, chế biến;…

Sản phẩm của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã được chứng nhận Halal.

Quy mô nền kinh tế halal toàn cầu đạt tới trên 7.000 tỷ USD năm 2023 và dự kiến tăng lên mức khoảng 10.000 tỷ USD trước năm 2028. Đây là thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên với đòi hỏi tiêu chuẩn sản phẩm khắt khe, doanh nghiệp cần thiết phải trang bị cho mình kiến thức về tiêu chuẩn sản phẩm halal.

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12944:2020: Thực phẩm Halal - Yêu cầu chung là một trong những tiêu chuẩn quan trọng nhằm đưa ra định nghĩa đối với một số thuật ngữ liên quan đến halal và các yêu cầu đối với nguồn thực phẩm này (quá trình sơ chế, chế biến, bao gói, ghi nhãn, vận chuyển và bảo quản cũng như an toàn thực phẩm).

TCVN 12944:2020 là tài liệu để các tổ chức, cá nhân tham khảo trong việc thực hành sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm halal và là nền tảng cho việc tiếp cận các tiêu chuẩn hiện hành trên thế giới cũng như cơ sở cho việc chứng nhận sản phẩm.

Trong đó, về yêu cầu bao gói sản phẩm halal, tiêu chuẩn này nêu rõ: Thứ nhất, sản phẩm phải được bao gói phù hợp. Thứ hai, vật liệu bao gói phải là vật liệu halal và đáp ứng các yêu cầu sau: Vật liệu bao gói không được làm từ nguyên liệu là najis (chất bẩn theo Luật Hồi giáo) hoặc chứa thành phần najis hoặc từng tiếp xúc với najis; Vật liệu bao gói không được chế tạo, xử lý bằng thiết bị, dụng cụ bị ô nhiễm bởi najis; 

Trong quá trình sơ chế, chế biến, bảo quản và vận chuyển, vật liệu bao gói phải được tách biệt về mặt vật lý với các thực phẩm không đáp ứng yêu cầu và các chất bị coi là najis; Vật liệu bao gói không được gây độc cho thực phẩm halal. Thứ ba, quá trình bao gói phải được thực hiện hợp vệ sinh và đảm bảo an toàn thực phẩm.

Về yêu cầu an toàn thực phẩm, cơ sở sản xuất thực phẩm halal phải đảm bảo vệ sinh, bao gồm vệ sinh cá nhân, quần áo, dụng cụ, thiết bị và vệ sinh chung của cơ sở. Đồng thời, cơ sở sản xuất thực phẩm halal phải thực hiện các biện pháp để: Quản lý và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với nguyên liệu, thành phần nguyên liệu, vật liệu bao gói, trước khi sơ chế, chế biến; Quản lý chất thải hiệu quả; Các hóa chất độc hại được lưu trữ an toàn và thích hợp; ngăn ngừa ô nhiễm đối với sản phẩm; tránh sử dụng quá mức phụ gia thực phẩm được phép sử dụng.

Najis là chất bẩn, theo Luật Hồi giáo gồm: Chó, lợn và sản phẩm từ chó, lợn; Thực phẩm halal bị ô nhiễm bởi các chất không halal; Thực phẩm halal nhưng tiếp xúc trực tiếp với các chất không halal; Các chất lỏng và chất thải của người hoặc động vật như nước tiểu, máu, chất nôn, mủ, phân, nhau thai; Xác động vật hoặc động vật halal được giết mổ không theo Luật Hồi giáo, ngoại trừ một số loại động vật dưới nước và côn trùng; Khamr (rượu và các chất lỏng chứa cồn, gây say, bị cấm sử dụng theo Luật Hồi giáo) và các sản phẩm có chứa khamr.

TIN LIÊN QUAN