Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tính lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt gần 808 triệu USD, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, xuất khẩu cá ngừ vẫn tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ nhưng giá trị xuất khẩu có xu hướng giảm dần qua từng tháng.
Theo VASEP, hiện giá cước vận chuyển đã giảm nhiều, tuy nhiên lạm phát vẫn tiếp tục tăng đã làm giảm nhu cầu nhập khẩu, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang các thị trường chính trong tháng 9 đều đã tăng trưởng chậm lại.
Mỹ vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu cá ngừ lớn nhất với Việt Nam với doanh số trong tháng 9 đạt trên 31 triệu USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2022, thấp hơn 14% so với tháng 8 trước đó.
Xuất khẩu sang CPTPP trong tháng 9 vẫn tiếp tục tăng 95% so với cùng kỳ, đạt gần 11 triệu USD, nhưng thấp hơn 32% so với tháng trước đó. Xuất khẩu sang Isreal, và Arập Xêut cũng đang tăng trưởng chậm lại, tốc độ tăng trưởng trong tháng 9 lần lượt là 24% và 577% so với cùng kỳ, so với tháng 8 thì thấp hơn 35% và 44%.
Trong khi đó, xuất khẩu sang EU trong tháng 9 đạt gần 18 triệu USD, tăng 64% so với cùng kỳ. Con số này đang cao hơn 27% so với tháng 8 trước đó.
Năm nay, do chi phí vận chuyển hàng hóa đường biển cao, các nhà đóng hộp của EU không muốn vận chuyển hàng hóa của họ qua cảng Rotterdam ở Hà Lan, điều này sẽ làm tăng thêm chi phí cho hóa đơn CFR của họ. Chính vì thế, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang các thị trường EU như Bỉ, Đức có xu hướng tăng mạnh. Trong tháng 9, xuất khẩu cá ngừ sang Bỉ tăng 199%, còn Đức tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Với kết quả xuất khẩu đạt được trong 9 tháng qua, dự kiến xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sẽ sớm chạm đỉnh 1 tỷ USD”, VASEP dự báo.