Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đến hết tháng 10 năm 2023, xuất khẩu thủy sản Việt Nam vẫn giảm 21% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 7,4 tỷ USD. Giá trị xuất khẩu các mặt hàng thủy sản đều thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Đứng đầu về giá trị xuất khẩu các mặt hàng thủy sản vẫn là tôm đạt 2,8 tỷ USD. Tiếp đến là cá tra đạt 1,5 tỷ USD. Đứng thứ 3 về giá trị xuất khẩu là cá ngừ với 693 triệu USD.
Cũng theo VASEP, top 5 thị trường đứng đầu nhập khẩu cá ngừ Việt Nam lần lượt là: Mỹ, Israel, Thái Lan, Nhật Bản, Canada và Đức. Trong top này thì xuất khẩu cá ngừ sang Israel, Thái Lan và Đức là có sự tăng trưởng tốt. Còn Mỹ, Nhật Bản và Canada đều giảm mạnh, đặt biệt thị trường đứng đầu nhập khẩu là Mỹ giảm 41% trong 9 tháng năm 2023.
Tại thị trường Mỹ, xuất khẩu cá ngừ đã không giữ được đà tăng trưởng trong tháng 8. Giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này đã giảm nhẹ 1% trong tháng 9. Do đó, 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này vẫn giảm hơn 41% so với cùng kỳ.
Tuy chưa chiếm tỷ trọng cao, nhưng xuất khẩu cá ngừ sang Ba Lan có sự tăng trưởng khá tốt. Lũy kế 9 tháng xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này vẫn tăng 125% so với cùng kỳ năm 2022, đạt hơn 4 triệu USD.
Trong khối Liên minh chấu Âu (EU), Ba Lan là thị trường xuất khẩu cá ngừ lớn thứ 7. Nhập khẩu cá ngừ của nước này có xu hướng tăng trưởng liên tục trong 5 năm trở lại đây. Đây sẽ là cơ hội cho cá ngừ Việt Nam chinh phục thị trường này.
Đặc biệt khi, Việt Nam đang là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 3 ngoài khối cho thị trường Ba Lan, sau Ecuador và Philippines. Trong khi xuất khẩu của Philippines sang thị trường này giảm liên tục thì xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam lại đang khởi sắc.
Trong số các sản phẩm cá ngừ xuất khẩu sang thị trường này, cá ngừ đóng hộp chiếm tỷ trọng lớn nhất hơn 83% và so với cùng kỳ, nhóm sản phẩm này tăng mạnh 211%.
Theo các doanh nghiệp, một trong những nguyên nhân thúc đẩy xuất khẩu cá ngừ đóng hộp sang thị trường này tăng mạnh là do ảnh hưởng của lạm phát. Bên cạnh đó, giá cả tăng trong chuỗi cung ứng (như giá dầu thực vật, lon và bao bì carton đều tăng vọt) nên các nhà nhập khẩu EU có xu hướng tăng nhập khẩu trực tiếp.