Xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về hệ thống pin lưu trữ năng lượng, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững

(CL&CS) - Ngày 19/7/2024, Chương trình Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Đông Nam Á (Southeast Asian Energy Transition Partnership - ETP) phối hợp cùng Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (STAMEQ) trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ (MOST) tổ chức chương trình tham vấn đầu tiên của hoạt động hỗ trợ kỹ thuật “Xây dựng Bộ tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về Hệ thống pin lưu trữ năng lượng Việt Nam” tại Hà Nội.

Phát triển các tiêu chuẩn quốc gia về BESS

Trong bối cảnh dịch chuyển năng lượng là xu hướng, nguồn năng lượng tái tạo tăng cao, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư cho hệ thống Pin lưu trữ điện nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cũng như đạt được các mục tiêu hội nhập về môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.

Được sự đồng ý của Văn phòng Dịch vụ Dự án thuộc Liên Hợp Quốc (UNOPS), Quỹ Đối tác chuyển dịch năng lượng Năng lượng Đông Nam Á (ETP) và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (STAMEQ) trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ (MOST), các thành viên Liên danh tư vấn bao gồm: Viện Nghiên cứu Phát triển Tiêu chuẩn Chất lượng (ISSQ); Công ty TNHH Pondera Việt Nam (thuộc Pondera Hà Lan), trường Đại học Phenikaa... vừa tổ chức buổi họp tham vấn đầu tiên trong khuôn khổ hoạt động hỗ trợ kỹ thuật nhằm xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về Hệ thống pin lưu trữ năng lượng tại Việt Nam.

Các đại biểu tham dự chương trình 

Buổi họp tham vấn được tổ chức với mong muốn thúc đẩy việc trao đổi và hợp tác giữa các bên liên quan nhằm xây dựng một bộ tiêu chuẩn hệ thống pin lưu trữ năng lượng đầy đủ theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam và thông tư 11/2021/TT-BKHCN của Bộ KH&CN. Việc ban hành các Tiêu chuẩn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển hệ thống pin lưu trữ năng lượng theo Quy hoạch Phát triển điện 8 (PDP VIII) và góp phần thực hiện cam kết phát thải ròng bằng không vào năm 2050 của Việt Nam.

Cuộc họp tham vấn có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành, đại diện từ các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu khoa học và các bên liên quan trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Đại diện ETP-UNOPS cho biết, việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia về hệ thống pin lưu trữ năng lượng góp phần vào việc thúc đẩy nhập khẩu, nội địa hóa sản xuất các sản phẩm liên quan đến các dự án hệ thống pin lưu trữ năng lượng tại Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật trong nước và quốc tế, đảm bảo chất lượng, an toàn cho các dự án hệ thống pin lưu trữ năng lượng và là bước đi quan trọng giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu cam kết phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Giới thiệu tổng quan về dự án “Xây dựng và phát triển bộ tiêu chuẩn về Hệ thống pin lưu trữ năng lượng tại Việt Nam, bà Phùng Thị Thu Hằng (Quản lý và Điều phối dự án BESS) cho biết, tại Việt Nam, hiện tổng công suất lắp đặt nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) (bao gồm điện gió, điện mặt trời) tính đến ngày 31/10/2021 đạt 20.462 MW, tương đương 27,2% công suất toàn hệ thống điện.

Tỷ trọng công suất NLTT đã tăng nhanh nhờ Chính sách giá FiT dành cho phát triển điện mặt trời và điện gió. Mặc dù công suất từ NLTT chiếm 27% nhưng sản lượng điện của nguồn này chỉ đóng góp khoảng 10,9% toàn hệ thống. Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện VIII đặt mục tiêu tổng công suất BESS (Hệ thống pin lưu trữ năng lượng) của hệ thống điện đạt 300 MW vào năm 2030. Thiếu các tiêu chuẩn quốc gia cho BESS gây ra sự chậm trễ trong việc phát triển, xác nhận và thẩm định các hoạt động đầu tư và thực hiện BESS.

Bà Hằng cho biết, về rào cản hiện tại của việc thiếu tiêu chuẩn BESS hiện nay, Việt Nam chưa có bất kỳ tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) nào về BESS trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Các nhà phát triển dự án phải áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế và phải thực hiện thủ tục chấp thuận áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế này đáp ứng yêu cầu quy định.

Tình trạng này tiềm ẩn khả năng dẫn đến sự khác biệt về tiêu chí kỹ thuật thiết kế giữa các chủ đầu tư và các dự án khác nhau, gây ra những thách thức và trở ngại đáng kể cho các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền của Nhà nước trong nỗ lực thẩm định hồ sơ thiết kế theo đúng quy định. Vì vậy, rất cần có một bộ tiêu chuẩn quốc gia toàn diện về BESS được áp dụng để thuận lợi cho quá trình thẩm định hồ sơ thiết kế.

BESS là một hệ thống lưu trữ năng lượng tiên tiến sử dụng pin dung lượng cao. Công nghệ chính của BESS liên quan đến việc sử dụng pin lithium hoặc vanadi, cho phép lưu trữ một lượng lớn năng lượng điện và phân phối linh hoạt. BESS giúp ổn định hệ thống điện, phân bổ điện hiệu quả và hỗ trợ cung cấp điện ở những khu vực không có lưới điện như vùng sâu, vùng xa, nông thôn hoặc hải đảo.

Mặc dù hệ thống BESS đã đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả và độ tin cậy của hệ thống điện, việc thiếu các tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) có thể gây ra rủi ro liên quan đến An toàn, chất lượng và khả năng tương thích của hệ thống. Sự vắng mặt của các tiêu chuẩn quốc gia cho BESS dẫn đến sự chậm trễ trong việc phát triển, xác nhận và đánh giá các hoạt động đầu tư và triển khai BESS. Ngược lại, sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng và tốc độ thâm nhập của NLTT trong hệ thống điện.

Theo bà Hằng, việc đề xuất TCVN cho BESS cụ thể như sau:

Mục tiêu chính của dự án này là phát triển các tiêu chuẩn quốc gia về BESS theo các quy định nhằm tuân thủ quy trình của Chính phủ về xây dựng và phê duyệt các tiêu chuẩn quốc gia do Bộ KH&CN ban hành.

Tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của ngành năng lượng tái tạo

Kế hoạch Quy hoạch điện VIII đã vạch ra tầm nhìn cho việc triển khai năng lượng tái tạo theo các cam kết toàn cầu nhằm chống biến đổi khí hậu. Các tập đoàn đa quốc gia lớn như Apple, Microsoft, Samsung, Nike, PepsiCo, Proctor and Gamble, Nestle và Unilever cũng đã cam kết chuyển đổi sang sử dụng 100% năng lượng tái tạo. Điều này chỉ ra rằng nhu cầu về nguồn năng lượng sạch đang ngày càng tăng ở Việt Nam.

Việt Nam đang ở thời điểm quan trọng trong quỹ đạo năng lượng của mình, với công suất lắp đặt năng lượng tái tạo đáng kể và các kế hoạch mở rộng đầy tham vọng. Kế hoạch Quy hoạch điện VIII vạch ra các mục tiêu có tầm nhìn cho việc triển khai năng lượng tái tạo, phù hợp với các cam kết toàn cầu nhằm chống biến đổi khí hậu. Các tập đoàn đa quốc gia lớn như Apple, Microsoft, Samsung, Nike, PepsiCo, Proctor and Gamble, Nestle và Unilever cũng đã cam kết chuyển đổi sang sử dụng 100% năng lượng tái tạo, cho thấy nhu cầu về nguồn năng lượng sạch ngày càng tăng ở Việt Nam.

Việc thiết lập các tiêu chuẩn quốc gia TCVN cho BESS không chỉ đảm bảo các thiết bị này đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn và chất lượng cao nhất mà còn tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của ngành năng lượng tái tạo, đặc biệt trong bối cảnh tầm quan trọng và sự phổ biến ngày càng tăng của các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời.

Chương trình sẽ thúc đẩy việc tiếp cận và sử dụng năng lượng sạch nhiều hơn trên quy mô toàn cầu

Giới thiệu về kinh nghiệm quốc tế trong việc phát triển hệ thống tiêu chuẩn lưu trữ năng lượng tái tạo bằng Pin (BESS) và các yêu cầu kỹ thuật, ông Dennis Geutjes / Ông Jeroen de Veth – Chuyên gia hệ thống lưu trữ năng lượng - đại diện Pondera Hà Lan cho biết, các dự án BESS tại Hà Lan được chia thành ba loại: Dự án đang hoạt động, dự án đang phát triển đã được cấp phép hoặc có kết nối lưới điện và dự án chưa được cấp phép hoặc chưa có kết nối lưới điện.

Năm quốc gia tham khảo được lựa chọn dựa trên sự kết hợp của các tiêu chí ở châu Âu hoặc châu Á, sở hữu hệ thống Tiêu chuẩn Quốc gia, có kinh nghiệm về BESS, có mục tiêu quốc gia rõ ràng. Quá trình lựa chọn được thực hiện thông qua sự tham vấn với các bên liên quan, thu thập những hiểu biết từ các ngữ cảnh khác nhau, đánh giá tính phù hợp và áp dụng vào ngữ cảnh Việt Nam theo từng trường hợp cụ thể.

Hà Lan là một trong các quốc gia được lựa chọn để tham khảo về BESS

Tổng cộng, các dự án này đạt khoảng 2500 MW hoặc khoảng 9000 MWh. Các dự án BESS thường được triển khai tại các khu vực công nghiệp hoặc các vùng có sản lượng năng lượng bền vững lớn, bao gồm cả các kết nối lưới điện trên bờ với các trang trại gió ngoài khơi. Ngoài ra, kết nối thích hợp với một trong những trạm biến áp cao thế là yếu tố quan trọng để triển khai thành công các dự án BESS.

Tiến sĩ Vũ Văn Diện – Chuyên gia tiêu chuẩn – Trưởng dự án, thông tin, về xây dựng TCVN, dựa theo Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật 2006; Nghị định 127/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007; Nghị định 78/2018/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2007/NĐ-CP; Thông tư 11/2021/TT-BKHCN Quy định chi tiết xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn;

Quyết định 22/2007/QĐ-BKHCN Quy chế tổ chức và hoạt động của BKT TCQG; TCVN 1-1: 2008 Xây dựng tiêu chuẩn – Phần 1: Quy trình xây dựng tiêu chuẩn quốc gia do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn thực hiện; TCVN 1-2: 2008 Xây dựng tiêu chuẩn – Phần 2: Quy định về trình bày và thể hiện nội dung tiêu chuẩn quốc gia.

TCVN 6709-1 : 2007 (ISO/IEC Guide 21-1: 2005) Chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế và tài liệu khác của ISO và IEC thành tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn khu vực − Phần 1: Chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế ISO và IEC. TCVN 6709-2 : 2007 (ISO/IEC Guide 21-2: 2005) Chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế và tài liệu khác của ISO và IEC thành tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn khu vực − Phần 2: Chấp nhận tài liệu khác của ISO và IEC.

Việc xây dựng tiêu chuẩn cần bảo đảm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động KT-XH, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên thị trường trong nước và quốc tế. Từ đó, đáp ứng yêu cầu về an toàn, an ninh quốc gia, vệ sinh, sức khoẻ con người, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên có liên quan, bảo vệ động vật, thực vật, môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên.

Bảo đảm công khai, minh bạch, không phân biệt đối xử và không gây trở ngại không cần thiết đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại. Việc xây dựng tiêu chuẩn phải bảo đảm sự tham gia và đồng thuận của các bên có liên quan.

Với việc dựa trên tiến bộ KH&CN, kinh nghiệm thực tiễn, nhu cầu hiện tại và xu hướng phát triển KT-XH; Sử dụng TCQT, TCKV, TCNN làm cơ sở để xây dựng TC&QCKT, trừ trường hợp không phù hợp với đặc điểm về địa lý, khí hậu, kỹ thuật, công nghệ của Việt Nam hoặc ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia; Ưu tiên quy định các yêu cầu về tính năng sử dụng sản phẩm, hàng hóa; hạn chế quy định các yêu cầu mang tính mô tả hoặc thiết kế chi tiết; Bảo đảm tính thống nhất của hệ thống tiêu chuẩn và hệ thống QCKT của Việt Nam.

TCVN được áp dụng trên nguyên tắc tự nguyện, toàn bộ hoặc một phần TCVN cụ thể trở thành bắt buộc áp dụng khi được viện dẫn trong văn bản quy phạm pháp luật, QCKT... TCVN được áp dụng trực tiếp hoặc được viện dẫn trong văn bản khác. TCVN được sử dụng làm cơ sở cho hoạt động thử nghiệm; hiệu chuẩn; giám định; chứng nhận hợp chuẩn; công bố hợp chuẩn;...

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức xây dựng dự thảo TCVN và đề nghị thẩm định, công bố TCVN. Bộ trưởng Bộ KH&CN tổ chức thẩm định dự thảo TCVN và công bố TCVN.

Bằng việc xây dựng các tiêu chuẩn TCVN, chúng ta không chỉ tạo ra một môi trường an toàn hơn cho việc triển khai BESS mà còn thúc đẩy việc tiếp cận và sử dụng năng lượng sạch nhiều hơn trên quy mô toàn cầu. Vì vậy, việc xây dựng tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) cho BESS là vô cùng quan trọng và cần thiết. Thời gian triển khai chương trình: 15 tháng, từ ngày 10/4/2024 và dự kiến kết thúc 7/2025.

Một lần nữa, chúng ta khẳng định rằng, sự cần thiết và tính cấp bách của chương trình trong việc đã và đang triển khai xây dựng và dự kiến ban hành 15 tiêu chuẩn Hệ thống pin lưu trữ năng lượng. Đây sẽ là cơ sở để thúc đẩy Quy hoạch Phát triển Điện 8 (PDP VIII) và đóng góp vào chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam.

TIN LIÊN QUAN