Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế (IEC) và Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) thống nhất lấy ngày 14/10 hằng năm là Ngày Tiêu chuẩn thế giới.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho biết, lễ Kỷ niệm chào mừng 52 năm Ngày Tiêu chuẩn Thế giới nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và người dân về tầm quan trọng của tiêu chuẩn trong việc đóng góp vào sự thành công của các Mục tiêu phát triển bền vững, năm 2022 tập trung vào vai trò thúc đẩy năng lượng xanh.
Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định
Ngày Tiêu chuẩn thế giới luôn là dịp để các quốc gia thành viên của ISO, IEC và ITU, trong đó có Việt Nam, triển khai hoạt động thông tin, tăng cường hợp tác nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tiêu chuẩn hóa toàn cầu đối với nền kinh tế thế giới, đặc biệt trong việc đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp, Chính phủ và người tiêu dùng ở mỗi quốc gia nói riêng và trên toàn thế giới nói chung.
Với tư cách là thành viên chính thức của Tổ chức ISO, ITU, Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Quốc tế (CODEX) và là thành viên liên kết của IEC, Việt Nam có quyền và có trách nhiệm tham gia tích cực vào quá trình xây dựng tiêu chuẩn quốc tế để sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam có thể vươn ra thị trường thế giới mạnh mẽ hơn. Đồng thời, chúng ta cũng cần đẩy mạnh việc xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế làm nền tảng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và bảo vệ lợi ích chính đáng cho các doanh nghiệp, cũng như người tiêu dùng Việt Nam.
Ngoài việc tham gia vào các hoạt động chung theo trách nhiệm của thành viên, chúng ta đã và đang có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là các tiêu chuẩn hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Nhiệm vụ trước mắt còn rất nặng nề, đòi hỏi nhiều nỗ lực và tâm huyết của những người làm công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng và cần sự tham gia, phối hợp và ủng hộ của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có liên quan trong quá trình xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Nguyễn Hoàng Linh
Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, hiện nay, Bộ Khoa và Công nghệ đã công bố hơn 13.500 tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt trên 60%, bao trùm hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, giúp các doanh nghiệp chủ động tăng cường năng lực và chuẩn bị các giải pháp, chiến lược tốt nhất trong việc tuân thủ các quy tắc và quy định đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế và hội nhập sâu rộng trong thương mại hóa toàn cầu.
Trong hệ thống hiện hành, có trên 200 TCVN phục vụ năng lượng xanh bao gồm: năng lượng tái tạo, điện mặt trời, điện gió, nhiên liệu sinh học, quản lý năng lượng, quản lý môi trường - khí nhà kính, nhãn môi trường, tái sử dụng nước, thu giữ, vận chuyển CO2, hiệu quả sử dụng năng lượng…
Tiêu chuẩn tạo điều kiện cho các giải pháp xanh, liên quan đến việc giảm tác động khí hậu và liên quan đến việc triển khai và thực hiện các giải pháp xanh trên toàn chuỗi giá trị. Tiêu chuẩn có vai trò rất quan trọng đối với sự chuyển đổi xanh trong nhiều ngành, lĩnh vực, nó có tác động đáng kể đến quá trình chuyển đổi xanh, giảm tác động đến môi trường, tăng cường sử dụng các vật liệu thân thiện với khí hậu và phân phối nhiều hơn các giải pháp xanh là lợi ích của việc áp dụng các tiêu chuẩn liên quan đến quá trình chuyển đổi xanh.
Các tiêu chuẩn có ý nghĩa to lớn đối với quá trình chuyển đổi xanh, đặc biệt là vì khả năng chuyển đổi thị trường theo hướng xanh hơn và hoạt động như một yếu tố thúc đẩy cho công nghệ mới. Theo đó, các tiêu chuẩn hoạt động như một ngôn ngữ chung, giúp xác định và chứng minh các sản phẩm và giải pháp xanh tuân thủ các tiêu chuẩn và từ đó ghi nhận chất lượng sản phẩm phù hợp thì việc tiếp thị và bán chúng cho khách hàng sẽ dễ dàng hơn. Về cơ bản, các tiêu chuẩn cung cấp cho khách hàng sự tin tưởng rằng các sản phẩm và dịch vụ mà họ mua là xanh.
Tiêu chuẩn giúp các tổ chức giảm tiêu thụ năng lượng và áp dụng các công nghệ năng lượng tái tạo, đảm bảo khả năng tương tác, khuyến khích chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo, mở ra thị trường cho những đổi mới nhằm giải quyết thách thức năng lượng toàn cầu. Các tiêu chuẩn về năng lượng giúp hướng tới “năng lượng sạch và giá cả phải chăng cho tất cả mọi người”, một trong các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, lộ trình toàn cầu mới nhằm cải thiện cuộc sống của con người vào năm 2030.