Ngày 1/12, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp hội) tổ chức Hội thảo "Giải pháp về cơ chế, chính sách nhằm phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đối với đất nước".
Hội thảo nhằm lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học phân tích, đánh giá về 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW (Hội nghị Trung ương 7, Khóa X) ngày 6/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng "Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".
TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp hội cho biết, Nghị quyết số 27-NQ/TW có thể được coi là nghị quyết chuyên đề đầu tiên về công tác trí thức.
Qua tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Kết luận số 52-KL/TW, trong đó đánh giá: Đội ngũ trí thức tăng nhanh về số lượng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Sự gắn bó giữa Đảng với trí thức ngày càng được tăng cường. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh công - nông - trí tiếp tục được củng cố vững chắc…
Tuy nhiên, quá trình thực hiện Nghị quyết cũng còn một số hạn chế, bất cập. Nhiều nội dung của Nghị quyết chậm được cụ thể hóa, thể chế hóa việc tổ chức thực hiện còn thiếu đồng bộ, ít đột phá. Đội ngũ trí thức sáng tạo, chuyên gia đầu ngành còn thiếu. Bộ phận trí thức người Việt Nam ở nước ngoài chưa được quan tâm phát huy đúng mức. Hiệu quả hoạt động thấp trong các đơn vị sự nghiệp công lập, nghiên cứu khoa học, các hội trí thức chậm được khắc phục...
Bà Bùi Kim Tuyến, Trưởng ban Tư vấn phản biện và giám định xã hội (Liên hiệp hội) cho biết, ngay sau khi Nghị quyết số 27-NQ/TW được ban hành, Đảng đoàn và Đoàn Chủ tịch Liên hiệp hội đã kịp thời xây dựng chương trình hành động; chủ động phối hợp với các cơ quan Đảng, Nhà nước ở Trung ương tham mưu xây dựng một số văn bản thể chế hóa, cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi hơn để Liên hiệp hội và các hội thành viên hoạt động.
Hoạt động tư vấn, phản biện xã hội được coi là hoạt động trọng tâm của đội ngũ trí thức, bước đầu khẳng định được vị trí, vai trò của Liên hiệp hội trong việc tham gia đóng góp vào việc xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật và các dự án, đề án về phát triển kinh tế - xã hội. Hoạt động tuyên truyền phổ biến kiến thức tạo sự gắn kết giữa khoa học công nghệ (KHCN) với sản xuất và đời sống...
Tới đây, Liên hiệp hội xây dựng đề án Đánh giá lại thực trạng đội ngũ trí thức cả nước để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trình độ cao phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Bố trí sử dụng đội ngũ trí thức hợp lý, có chính sách thu hút chuyên gia giỏi, trí thức có trình độ cao, trí thức trẻ được đào tạo chính quy, có trình độ năng lực chuyên môn sâu, trí thức hoạt động ngoài hệ thống cơ quan nhà nước...
Đồng thời đề nghị rà soát, sửa đổi toàn diện các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành tạo điều kiện để trí thức đóng góp hiệu quả hơn cho đất nước; có cơ chế, chính sách để thu hút các nhà khoa học, các chuyên gia giỏi trong nước và quốc tế đến làm việc tại Việt Nam; có cơ chế đẩy nhanh sự phát triển của thị trường KHCN một cách toàn diện...