Vietjet Air: Áp lực của 11.000 tỷ đồng nợ trái phiếu ra sao?

Vietjet Air đang rất nặng nợ. Mỗi một quý trôi qua, hãng hàng không phải trả hàng trăm tỷ đồng lãi vay và trong đó, đáng chú ý nhất là hãng hàng không này đang có dư nợ trái phiếu khá lớn.

Nhiều năm qua, Vietjet Air (mã chứng khoán: VJC) đi ngược với cảnh ảm đạm của thị trường hàng không toàn cầu. Trong khi nhiều hãng hàng không quốc tế thua lỗ, phá sản thì Vietjet Air vẫn đều đều báo lãi dù mức lãi không cao. Đọc báo cáo tài chính của Vietjet Air có thể thấy, "bí quyết" giúp hãng hàng không này đi ngược với thị trường chung thực ra là vì hãng hàng không này cấp tập bán các khoản đầu tư tài chính, bán tài sản...Điều này giúp Vietjet Air "cân" khoản lỗ từ hoạt động kinh doanh chính là vận tải hàng không và trở thành một trong những hãng hàng không ít ỏi trên thế giới báo lãi trong chu kỳ đi xuống của ngành.

Tuy nhiên, việc "đi ngược" thị trường này liệu còn kéo dài được hay không lại là một câu hỏi lớn mà nhà đầu tư đang băn khoăn khi mà: Nguồn thu từ hoạt động kinh doanh chính vẫn eo hẹp, tài sản để đem bán ngược bán xuôi sẽ không còn mãi mãi và điều quan trọng nhất: Vietjet Air đang rất nặng nợ. Mỗi một quý trôi qua, hãng hàng không phải trả hàng trăm tỷ đồng lãi vay và trong đó, đáng chú ý nhất là hãng hàng không này đang có dư nợ trái phiếu khá lớn. 

Theo báo cáo tài chính quý 1/2022, Vietjet đang có dư nợ vay ngắn hạn gần 7.200 tỷ tại các ngân hàng như HDBank, Vietinbank, MBbank, Woorri Bank...Dư nợ vay ngắn hạn của Vietjet đã tăng mạnh mẽ từ mức hơn 5.700 tỷ đồng đầu năm lên gần 7.200 tỷ đồng cuối quý 1/2022.

Không những dư nợ vay ngắn hạn tại các ngân hàng tăng nhanh, đáng chú ý nhất là Vietjet đang có dư nợ vay dài hạn hơn 11.000 tỷ đồng, tăng gần 3.000 tỷ đồng so với đầu năm 2022. Đa phần dư nợ dài hạn của Vietjet là dưới dạng phát hành trái phiếu huy động đến hơn 11 nghìn tỷ đồng.

Theo bản kê chi tiết tình hình dư nợ trái phiếu, 11 nghìn tỷ đồng trái phiếu của VJC không có tài sản đảm bảo và chịu lãi suất 9%/năm cho năm đầu tiên kể từ ngày phát hành và lãi suất thả nổi. Trong 3 lô trái phiếu mà VJC phát hành, có một lô 600 tỷ đồng được Chứng khoán HSC bảo lãnh phát hành và đáo hạn vào năm 2022. 2 lô còn lại được công ty chứng khoán "có liên quan" là Chứng khoán HDB bảo lãnh với tổng giá trị 10.650 tỷ đồng, đáo hạn 2023 và 2026.

Việc nặng nợ của Vietjet Air hiện đang phải trả lãi vay hàng quý lên đến trăm tỷ. Cụ thể, riêng quý 1/2022, Vietjet Air phải trả lãi vay 324 tỷ đồng, gần gấp 3 con số 120 tỷ đồng cùng kỳ năm 2021. Tức, mỗi ngày trôi qua, Vietjet Air đang phải gánh ít nhất hơn 10 tỷ đồng chi phí lãi vay.

Hiện tại, hoạt động kinh doanh của Vietjet Air vẫn chưa nhiều điểm sáng. Ảnh hưởng của Covid đang khiến cho doanh thu và lợi nhuận của hãng hàng không đang giảm dần đều. Dù cho công ty đang cố gắng thanh lý dần tài sản và các khoản đầu tư để chống đỡ dòng tiền và kết quả kinh doanh nhưng dường như, nỗi lo vẫn đang đè nặng!

TIN LIÊN QUAN