Có thể thấy, chưa năm nào vốn tín dụng lại căng thẳng như năm nay, do ảnh hưởng từ nhiều yếu tố khác nhau khiến thị trường chung gặp nhiều khó khăn trong vấn đề huy động vốn. Trước thực trạng này, dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phân bổ hạn mức (room) tín dụng cho các ngân hàng thương mại nhưng ngân hàng vẫn phản ánh thiếu vốn; khách hàng cá nhân lẫn doanh nghiệp (DN) đều chưa được đáp ứng nhu cầu.
Room tín dụng bổ sung cho một số ngân hàng thương mại được phân bổ rải đều ở mức 0,7%-4%, tùy theo xếp hạng của từng ngân hàng dựa trên tiêu chí về an toàn vốn, thanh khoản, chất lượng điều hành cũng như đạt kết quả về hoạt động kinh doanh, việc thực hiện chỉ đạo của NHNN về giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ tổ chức tín dụng yếu kém...
Phía NHNN vẫn kiên định duy trì tăng trưởng tín dụng cả năm là 14% thay vì xem xét khả năng có thể nới thêm một vài phần trăm như đề xuất của một số chuyên gia, doanh nghiệp. Lý giải về vấn đề này, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh một trong những yêu cầu cao nhất lúc này là kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô. NHNN đã đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 14% từ đầu năm; đến nay, tăng trưởng tín dụng đã đạt 9,91%. Với hạn mức còn lại, NHNN phân bổ cho những tổ chức tín dụng hoạt động tốt, lành mạnh, có các hệ số an toàn cao.
Theo ông John Andre, chuyên gia nghiên cứu, giảng viên cao cấp tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, diễn biến phức tạp, sức ép lên điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng tại Việt Nam là rất lớn. Việc điều hành lãi suất, tỉ giá, tín dụng... phải tính đến mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng sau đại dịch COVID-19.
Tín dụng ngân hàng vẫn là kênh cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế. Tỉ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam đang ở mức cao và có xu hướng tăng. Nếu cho phép tín dụng tăng trưởng quá nhanh, có thể gia tăng nguy cơ rủi ro lạm phát, gây bất ổn kinh tế vĩ mô. Cuộc đua lãi suất huy động giữa các tổ chức tín dụng để có nguồn vốn cho vay sẽ dẫn đến lãi suất cho vay tăng, nợ xấu tăng theo, đe dọa sự an toàn của hệ thống tài chính.
John Andre cho rằng: “Một trong những mục đích của việc kiểm soát tín dụng là nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn hoạt động hệ thống ngân hàng. Việc kiểm soát tín dụng tại các tổ chức tín dụng là hợp lý”.
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Trần Hoàng Ngân cũng đồng tình với chính sách điều hành room tín dụng. Ông cho rằng trong thời gian tới, phải mạnh mẽ hơn trong vấn đề tái cơ cấu hệ thống ngân hàng để hệ thống lành mạnh hơn, tạo điều kiện điều hành chính sách tiền tệ một cách thuận lợi, từ đó mới có thể mạnh dạn tiến tới xóa bỏ room tín dụng.