Thị trường xe điện trên toàn thế giới đang phát triển với tốc độ nhanh trong suốt những năm gần đây, với doanh số vượt trên 10 triệu chiếc vào năm 2022. Cho đến hết năm 2022, xe điện chiếm 14% tổng doanh số bán xe mới toàn cầu, so với mức 9% vào năm 2021 và 5% vào năm 2020.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, đến nay đã có khoảng 26 triệu xe điện được bán trên toàn cầu (bao gồm cả xe plug-in hybrid), tăng 60% so với năm 2021. Trong năm 2023, dự đoán doanh số xe điện có thể đạt mức 14 triệu xe. Nhu cầu xe điện cũng đang tăng mạnh tại khu vực Đông Nam Á. Theo Công cụ theo dõi xe điện tại Đông Nam Á, doanh số bán xe điện chạy pin (BEV) quý 2 năm 2023 trong khu vực đã tăng hơn 8 lần nhờ nhu cầu mạnh mẽ tại Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Malaysia.
Trước đó, theo thống kê năm 2022, doanh số xe điện (EV) tại Đông Nam Á chiếm khoảng 2% tổng doanh số bán ô tô. Trong đó, Thái Lan đứng đầu khi ô tô điện chiếm tới 58% doanh số bán ô tô, tiếp theo là Indonesia và Việt Nam với lần lượt là 19,5% và 15,8%.
Những năm qua, doanh số bán xe điện tại Việt Nam cũng có những bước tiến mới khi hàng loạt mẫu xe điện được bán rộng rãi trên thị trường. Theo số liệu thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, số lượng xe ô tô điện sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới tại Việt Nam gia tăng nhanh chóng những năm gần đây. Nếu năm 2021 chỉ có 167 xe ô tô điện sản xuất lắp ráp và nhập khẩu được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận thì đến nay đã có khoảng 22 nghìn ô tô thuần điện, hơn 11 nghìn xe hybrid (kết hợp sử dụng xăng điện). Cả nước hiện cũng đã có hơn 2 triệu mô tô – xe gắn máy điện và hơn 700 nghìn xe đạp điện.
Ảnh minh hoạ
Theo ông Triệu Việt Phương, Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng – Bộ KH&CN) mặc dù đã có những cố gắng, nỗ lực của các bộ ngành trong thời gian qua khi một số tiêu chuẩn quốc gia về xe điện đã được xây dựng và công bố nhưng số lượng tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về xe điện vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ so với hệ thống tiêu chuẩn đang lưu hành trên thế giới về xe điện. Điều này đòi hỏi cần cập nhật, bổ sung trên cơ sở mức độ hài hòa lớn hơn với các hệ thống tiêu chuẩn quốc tế. Bởi trên thực tế, việc hoàn thiện hệ thống TCVN và QCVN còn giúp tạo nên hàng rào kỹ thuật để kiểm soát, ngăn chặn các kiểu loại xe có chất lượng thấp xâm nhập vào Việt Nam.
Chưa dừng lại ở đó, hệ thống TCVN đang thiếu các TCVN về yêu cầu an toàn kỹ thuật cho các loại xe điện hoạt động trong các lĩnh vực và phạm vi cụ thể như xe con điện, xe buýt điện… Hệ thống TCVN cũng đang thiếu TCVN quy định yêu cầu kỹ thuật cho các thiết bị thuộc cơ sở hạ tầng phục vụ cho vận hành khai thác sử dụng xe điện như hệ thống trạm sạc, hệ thống sạc nhanh, trạm đổi pin,…Điều này đòi hỏi phải có một hệ thống các TCVN và QCVN đầy đủ hơn.
Về mặt giải pháp, ông Phương cho rằng, thứ nhất, cần tiếp tục cập nhật, điều chỉnh, hoàn thiện chính sách về phát triển xe điện ở Việt Nam. Ban hành các cơ chế khuyến khích sự tham gia đóng góp và phát triển hệ thống TCVN và QCVN từ phía doanh nghiệp và các tổ chức hữu quan.
Hai là, tăng cường phối hợp giữa các nhà sản xuất, đơn vị nhập khẩu, kinh doanh, phân phối với các đơn vị truyền thông, các cơ quan hữu quan… nhằm đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến hệ thống TCVN và QCVN đã có.
Ba là, cần sự vào cuộc chủ động, đồng hành nhiều hơn từ cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, kinh doanh… xe điện để có được nguồn lực mạnh, đủ khả năng rà soát, cập nhật và bổ sung, xây dựng, hoàn thiện hệ thống TCVN và QCVN về xe điện ở Việt Nam.
Bốn là, trong quá trình hoàn thiện hệ thống TCVN và QCVN về xe điện, trước hết ưu tiên phát triển các TCVN và QCVN về hệ thống trạm sạc, hệ thống sạc nhanh, trạm đổi pin… để có thể sớm đưa ra các yêu cầu kỹ thuật và an toàn của thiết bị và trạm sạc vào quản lý, giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả, an toàn điện trong quá trình sử dụng.