Ứng dụng các sản phẩm vật liệu xây dựng từ nhựa tái chế

(CL&CS)- Ngày 18/3, Hội đồng tư vấn Bộ Xây dựng họp nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ “Điều tra, khảo sát đánh giá tác động môi trường và xây dựng hướng dẫn kỹ thuật ứng dụng các sản phẩm vật liệu xây dựng từ nhựa tái chế”.

Theo nhóm nghiên cứu, với thị phần nhựa xây dựng chiếm 25% trong cơ cấu tiêu thụ nhựa của Việt Nam, việc sử dụng nhựa tái chế để sản xuất vật liệu xây dựng có tiềm năng rất lớn, mang lại nhiều lợi ích như giúp giảm lượng rác thải nhựa có hại cho môi trường, tiết kiệm chi phí trong quá trình sản xuất nguyên liệu nguyên sinh, hạn chế khai thác thêm tài nguyên hữu hạn để sản xuất vật liệu mới...

Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay, việc sử dụng nhựa tái chế làm vật liệu xây dựng chưa phổ biến, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật trong lĩnh vực này chưa đầy đủ; còn thiếu cơ chế khuyến khích sử dụng sản phẩm vật liệu xây dựng từ nhựa tái chế, đặc biệt, tác động môi trường trong quá trình sử dụng các sản phẩm này chưa được đánh giá rõ ràng.

Gạch được tái chế từ cát và rác thải nhựa

Nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế, Bộ Xây dựng đã giao Viện Vật liệu Xây dựng thực hiện nhiệm vụ nêu trên với mục tiêu: xây dựng hướng dẫn kỹ thuật trong việc sử dụng vật liệu xây dựng từ nhựa tái chế nhằm phòng tránh tác động có hại cho sức khỏe con người và môi trường, đồng thời đảm bảo yêu cầu chất lượng đối với lĩnh vực áp dụng các sản phẩm; đề xuất danh mục xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia phục vụ quản lý chất lượng sản phẩm nhựa tái chế ở Việt Nam.

Qua nghiên cứu, nhóm đề tài nhận thấy, hiện có 7 loại nhựa có khả năng tái chế làm vật liệu xây dựng gồm: PET tái chế, HDPE tái chế, LDPE tái chế, PP tái chế, PVC tái chế, PS tái chế và hỗn hợp nhựa tái chế.

Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất ứng dụng cụ thể như: PET - cốt liệu bê tông, cốt liệu sợi tổng hợp, vữa xây, bê tông asphalt; PP - cốt liệu trong hỗn hợp bê tông asphalt; HDPE - ván sàn, thanh lam, tấm ốp, thanh cửa, bàn ghế nhựa; LDPE - sản xuất gạch lát, gạch vỉa hè, nền đường; PVC - ống thoát nước, cốt liệu bê tông, vật liệu composite, tấm lợp...

Khi sử dụng các loại vật liệu xây dựng từ nhựa tái chế, có 3 yếu tố môi trường cần kiểm soát là hàm lượng thôi nhiễm các kim loại độc hại, hàm lượng chất bay hơi, hàm lượng formaldehyde phát tán. Do đó, xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về kiểm soát chất lượng nhựa tái chế, chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng từ nhựa tái chế và tác động môi trường trong quá trình sử dụng là rất cần thiết.

Sản phẩm mà nhóm nghiên cứu hoàn thành, ngoài báo cáo tổng kết nhiệm vụ còn có danh mục các tiêu chuẩn cần được xây dựng; hướng dẫn phân loại nhựa tái chế để ứng dụng làm vật liệu xây dựng và hướng dẫn kỹ thuật đánh giá chất lượng sản phẩm, đánh giá tác động môi trường của sản phẩm vật liệu xây dựng từ nhựa tái chế.

Hội đồng tư vấn đều nhất trí về sự cần thiết của nhiệm vụ, đồng thời  đánh giá cao nỗ lực của nhóm nghiên cứu để hoàn thành khối lượng công việc nghiên cứu rất lớn. Tuy nhiên, để nâng cao tính ứng dụng thực tiễn của các sản phẩm đề tài, Hội đồng yêu cầu nhóm nghiên cứu cần rà soát lại số liệu cho chính xác, chuẩn hóa các thuật ngữ; áp dụng hệ thống tiêu chuẩn quốc tế thống nhất (ưu tiên ISO) để tham chiếu, tránh dùng nhiều hệ thống tiêu chuẩn khác nhau của nhiều quốc gia; xác định cụ thể đối tượng sử dụng hướng dẫn kỹ thuật để biên soạn phù hợp...

TIN LIÊN QUAN