Truy xuất nguồn gốc hàng hóa: Nâng cao uy tín, đảm bảo chất lượng

(CL&CS) - Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa là việc xác định và theo dõi nguồn gốc, quá trình sản xuất, chế biến, phân phối của một sản phẩm, hàng hóa từ khi sản xuất cho đến trước khi đến tay người tiêu dùng.

Ngày nay, người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến nguồn gốc của sản phẩm, bao gồm cả quy trình sản xuất, vận chuyển và xử lý. Tuy nhiên, việc truy xuất nguồn gốc đang bị phân tán do chưa kết nối, chia sẻ giữa các ngành, địa phương với nhau. Để bảo đảm kết nối tốt, cần áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc quốc gia.

Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, truy xuất nguồn gốc ngày càng trở thành một yếu tố quan trọng trong doanh nghiệp. Người tiêu dùng trở nên tự tin hơn vì biết được nguồn gốc của sản phẩm mình cần. Việc cung cấp thông tin rõ ràng và minh bạch về nguồn gốc giúp tạo ra sự tin cậy và lòng tin từ phía khách hàng, đồng thời truy xuất nguồn gốc cũng là công cụ giúp doanh nghiệp quản lý, kiểm soát hàng hóa hữu hiệu trên thị trường.

Chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh đã được Đảng và nhà nước xác định là giải pháp, xu hướng tất yếu để các đơn vị sản xuất kinh doanh nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh. Truy xuất nguồn gốc cũng được xác định là một trong những yếu tố đột phá ngày càng trở nên quan trọng khi nhu cầu mình bạch thông tin và hàng hóa ngày càng được quan tâm. Thậm chí trở thành tiêu chí bắt buộc trong xuất khẩu, hội nhập kinh tế thế giới. Đồng thời, truy xuất nguồn gốc góp phần gia tăng giá trị sản phẩm, hàng hóa của các địa phương, góp phần thiết thực tái cơ cấu ngành trong giai đoạn mới theo hướng công khai, minh bạch, bình đẳng.

Truy xuất nguồn gốc hàng hóa: Nâng cao uy tín, đảm bảo chất lượng.

Đánh giá hệ thống truy xuất nguồn gốc, tem truy xuất nguồn gốc là yếu tố quan trọng đóng vai trò định danh đối tượng, cần truy xuất, giúp liên kết dữ liệu và truy cứu thông tin truy xuất trong suốt chuỗi cung ứng, song ông Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP. HCM cho rằng, thực tế, nhiều doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa của truy xuất nguồn gốc, chưa hiểu đúng bản chất của ruy xuất nguồn gốc. “Các DN Việt Nam, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ còn gặp nhiều khó khăn trong việc tự nghiên cứu, xây dựng triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc cho từng sản phẩm, nhóm sản phẩm ngành hàng cụ thể”, ông Trung nhận xét.

Giới chuyên gia nhận định, trong bối cảnh hàng giả, hàng nhái tràn lan, tem truy xuất nguồn gốc được xem là một giải pháp hữu hiệu giúp người tiêu dùng bảo vệ quyền lợi của mình. Đây là công cụ quan trọng nhằm bảo vệ người tiêu dùng tránh sản phẩm giả mạo, đảm bảo được lợi thế cạnh tranh bình đẳng cho DN.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin, việc truy xuất nguồn gốc giúp kiểm soát được chất lượng, độ an toàn. Đây cũng là công cụ giúp DN khi gặp vấn đề lỗi sản phẩm đã cung cấp ra thị trường, sẽ nhanh chóng có cách thức truy vết, thu hồi sản phẩm.

Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, việc quy định về tem truy xuất nguồn gốc là cần thiết và có vai trò quan trọng trong việc quản lý sản phẩm. Mỗi tem truy xuất nguồn gốc có một mã xác thực duy nhất. Nhờ đó, người tiêu dùng có thể nắm rõ được những thông tin cần thiết về sản phẩm trước khi chọn mua.

Riêng với doanh nghiệp, tem truy xuất nguồn gốc QRcode giúp chứng minh với khách về sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn…Qua đó, DN sẽ có được niềm tin của khách hàng, là yếu tố mà DN nào cũng mong muốn.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thị trường, truy xuất nguồn gốc góp phần tạo nền tảng cho việc sản xuất và lưu thông hàng hoá trong nền kinh tế số, giúp DN đáp ứng quy định của quốc tế và quốc gia nhập khẩu, từ đó giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và thị trường tiêu thụ.

Đánh giá cao những lợi ích của việc truy xuất nguồn gốc, ông Phú cho rằng, không chỉ tăng thêm uy tín cho DN sản xuất, bảo vệ người tiêu dùng trong nước mà việc này cũng có ý nghĩa rất lớn đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa. “Truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm trong hoạt động kinh doanh quốc tế ngày càng có vai trò quan trọng. Tại nhiều thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,… truy xuất nguồn gốc trở thành quy định bất thành văn với hàng hoá nhập khẩu và trở thành thói quen của người tiêu dùng”, ông Phú cho hay.

Truy xuất nguồn gốc hàng hóa là công cụ bảo vệ hữu hiệu cho nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Theo đó, truy xuất nguồn gốc trở thành tiêu chí bắt buộc trong xuất khẩu, hội nhập kinh tế thế giới. Đồng thời, truy xuất nguồn gốc góp phần gia tăng giá trị sản phẩm, hàng hóa của các địa phương, góp phần thiết thực tái cơ cấu ngành trong giai đoạn mới theo hướng công khai, minh bạch, bình đẳng. Cụ thể, truy xuất nguồn gốc đã mang lại những lợi ích như sau:

Đáp ứng nhu cầu của thị trường: Ngày nay, người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến nguồn gốc của sản phẩm, bao gồm cả quy trình sản xuất, vận chuyển và xử lý. Truy xuất nguồn gốc giúp doanh nghiệp đáp ứng nhanh chóng và linh hoạt với nhu cầu này, từ đó tăng cơ hội tiếp cận thị trường.

Tuân thủ luật pháp và tiêu chuẩn: Trong nhiều lĩnh vực, các quy định về an toàn thực phẩm, quản lý rủi ro, và quản lý chuỗi cung ứng đang trở nên nghiêm ngặt hơn. Truy xuất nguồn gốc giúp doanh nghiệp tuân thủ các quy định này một cách hiệu quả, từ đó giảm thiểu rủi ro pháp lý.

Quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả hơn: Trong môi trường kinh doanh ngày nay, việc quản lý chuỗi cung ứng là một yếu tố cực kỳ quan trọng. Truy xuất nguồn gốc cho phép doanh nghiệp theo dõi các bước trong quá trình sản xuất và vận chuyển một cách chính xác, từ đó cải thiện hiệu suất và giảm thiểu lãng phí.

Tăng cường quản lý rủi ro: Việc có khả năng theo dõi và truy xuất nguồn gốc giúp doanh nghiệp phát hiện và giảm thiểu rủi ro liên quan đến vấn đề như an toàn thực phẩm, quản lý chất lượng và độ tin cậy của nhà cung cấp.

Tăng cường tương tác với khách hàng: Truy xuất nguồn gốc cũng tạo ra cơ hội tương tác với khách hàng. Việc chia sẻ thông tin về nguồn gốc của sản phẩm có thể tạo ra một môi trường tương tác tích cực giữa doanh nghiệp và khách hàng, từ đó tăng cường sự liên kết và trung thành với thương hiệu.

Trung tâm Tin học và Công nghệ (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) đơn vị vận hành Hệ thống xác thực hàng chính hãng thông qua QRCode trong thương mại điện tử tại địa chỉ https://truyxuat.gov.vn/ cũng đang triển khai, thực hiện các giải pháp hướng đến các mục tiêu trên nhằm góp phần thực hiện chiến lược phát triển bền vững cho doanh nghiệp sản xuất từ việc tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch và đáng tin cậy.

TIN LIÊN QUAN