Giá siêu rẻ
Trên vỉa hè của các tuyến đường tại Hà Nội như Nguyễn Xiển, Lê Văn Lương, Giải Phóng, Hồ Tùng Mậu…, nhiều loại trái cây như thanh long, bơ sáp, dưa hấu, nhãn lồng… được bày bán theo kiểu đổ đống, chỉ được xếp trên những tấm bạt, thùng giấy thậm chí là để ngay trên rơm, nền đất nhưng lại rất thu hút khách hàng vì giá thành rẻ.
Cụ thể, thanh long ruột trắng được bán với giá 10.000-15.000 đồng/kg, trong khi tại các cửa hàng trái cây thường có giá từ 30.000-40.000 đồng/kg; bơ sáp có giá 15.000-20.000 đồng/kg trong khi bơ loại ngon thường được bán với giá 30.000-40.000 đồng/kg…; các loại dưa hấu giá rẻ chỉ 10.000-15.000 đồng/kg hay dừa xiêm chỉ có giá 8.000-10.000 đồng/quả…
Với giá bán này, theo nhiều người tiêu dùng là rẻ bằng một nửa, thậm chí bằng một phần ba so với giá thường thấy ở các cửa hàng, siêu thị. Lý giải về nguyên nhân trái cây có giá rẻ như vậy, những người bán hàng đều cho biết, năm nay trái cây được mùa, thanh long hay bơ sáp tại vùng trồng còn đang đổ đống, để thối ngoài vườn do không xuất khẩu được nên mới có trái cây giá rẻ mang ra ngoài Hà Nội bán. Hơn nữa, theo một người bán hàng trên đường Lê Văn Lương, các loại trái cây được bán dưới hình thức này chỉ phải trả một ít chi phí về mặt bằng, địa điểm, hàng lại nhập về với số lượng lớn nên tiết kiệm hơn nhiều so với các cửa hàng bán trái cây.
Một lợi thế nữa của những loại trái cây đổ đống này là thường có số lượng lớn, người bán hàng lại khá dễ tính, mặc sức cho khách hàng lựa chọn nên việc chọn ra một loại trái cây đẹp mã, ngon mắt không quá khó.
Tuy nhiên, đánh giá về chất lượng, theo chị Thu Vân (Thanh Xuân, Hà Nội), nhìn bên ngoài các loại trái cây này khá ngon mắt, vừa rẻ vừa dễ mua nhưng chất lượng bên trong khá bình thường, nếu may mắn mới chọn được quả ngon. Thậm chí, nhiều loại quả khi mua về, bên ngoài trông tươi mới nhưng bên trong lại đã thối hỏng hoặc bị dập nát do quá trình vận chuyển, lưu trữ không đúng cách ngoài thời tiết nóng bức như thế này.
Mua bằng “niềm tin”
Một điều đáng buồn là các loại trái cây này đều mập mờ về nguồn gốc xuất xứ. Dù các địa điểm bán hàng đều trưng biển quảng cáo là thanh long Bình Thuận, bơ sáp Đăk Lăk, nhãn lồng Hưng Yên… nhưng sự thật như thế nào cũng chỉ người bán biết thậm chí họ chỉ là người mua lại từ đầu mối mà không quan tâm đến nguồn gốc từ đâu, nên khách hàng chỉ còn biết mua hàng bằng “niềm tin”. Đáng chú ý là hiện nay, khi một số loại trái cây bắt đầu hết mùa hoặc hàng ít đi thì nhiều nơi đã chuyển sang bán một số loại trái cây khác như: Lựu, nho… và hầu như các loại này đều không thấy đề nguồn gốc, xuất xứ.
Qua quan sát của phóng viên, số lượng khách hàng mua đông đảo nhất là khách hàng bình dân, với mức thu nhập không cao. Chị Phạm Thu Hiền (Hà Đông, Hà Nội) cho hay: “Tôi chỉ mua những loại trái cây đoán là được trồng nhiều tại Việt Nam như thanh long, bơ sáp, nhãn lồng… Tôi đọc báo thấy người nông dân trông các loại quả này vì không bán được hàng mà để quả thối hỏng ngoài vườn, nên tôi cũng tặc lưỡi mua dù cách bán hàng hơi mất mỹ quan”.
Trao đổi với Báo Hải quan, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng, hiện vẫn chưa có cơ sở nào để kết luận các loại trái cây bán ở lề đường có độc hại, ngậm hóa chất gì hay không. Dù vậy, người tiêu dùng không vì thế mà chủ quan mà cần cẩn thận, xem xét, lựa chọn kỹ mặt hàng để tránh những nguy cơ đáng tiếc có thể xảy ra.
Mọi thông tin liên quan đến Tiêu dùng, bạn đọc có thể theo dõi thêm tại đây
Theo Báo Hải Quan