Tình hình COVID-19 tại Italia và Canada

(CL&CS) - Ba nước có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Pháp (111.583 ca), Hàn Quốc (107.916 ca), Italia (63.815 ca).

Biến thể Omicron chiếm 100% các ca mắc mới tại Italia

Sau khi thực hiện cuộc khảo sát nhanh với các phòng thí nghiệm vùng và Quỹ Fondazione Bruno Kessler, Bộ Y tế và Viện Y tế quốc gia Italia (ISS) cho biết biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 hiện chiếm 100% các ca mắc mới COVID-19, trong đó dòng phụ BA.2 chiếm đa số.

Trước đó, Massimo Zollo - nhà di truyền học và điều phối viên lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 của trường đại học Naples, cho biết biến thể phụ mới của Omicron BA.2.3 hiện chiếm khoảng 20% số ca mắc mới COVID-19 tại Italia.

Theo ông, biến thể này có nguồn gốc từ biến thể phụ BA.2, nhưng có nhiều đột biến hơn".

Cùng ngày, tổ chức y tế độc lập GIMBE của Italia cho biết tình trạng lây lan COVID-19 đang giảm dần với số ca mắc mới trong tuần 6-12/4 giảm 6,5% so với tuần trước đó, số ca tử vong cũng giảm 11,4%, số bệnh nhân phải cấp cứu giảm 1,7% và số người phải nhập viện giảm 0,4%.

Biến thể Omicron chiếm 100% các ca mắc mới tại Italia (Ảnh: Reuters)

Phát biểu với báo giới, Chủ tịch Nino Cartabellotta của GIMBE cho hay các số liệu cho thấy đại dịch COVID-19 đang trong giai đoạn giảm ổn định, tuy nhiên mức độ lây lan vẫn còn cao với khoảng 60.000 ca mắc mới mỗi ngày và khoảng 1,2 triệu người dương tính với virus SARS-CoV-2.

Theo ông, để phòng ngừa dịch bệnh, người dân vẫn cần tránh tụ tập đông người và sử dụng khẩu trang khi ở trong không gian kín.

Ông Zollo cho biết thêm kể từ ngày 1/3, Italia đã cung cấp khoảng 10.000 mẫu virus SARS-CoV-2cho ngân hàng dữ liệu bản đồ COVID-19 quốc tế.

Canada lo ngại về tiêm mũi tăng cường chậm

Nhiều chuyên gia y tế Canada đang lo ngại về tình trạng chậm tiêm mũi tăng cường vaccine phòng COVID-19 trên cả nước, cảnh báo rằng 2 liều vaccine không cung cấp đủ khả năng bảo vệ trước biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2.

Cơ quan Y tế Công cộng Canada thông báo đến nay chỉ có 47% dân số của Canada (57% người từ 18 tuổi trở lên), đã tiêm mũi vaccine tăng cường.

Bà Katharine Smart, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Canada cho rằng chính quyền các cấp và cơ quan y tế chưa làm tốt công tác tuyên truyền về hiệu quả của mũi tăng cường đầu tiên (mũi 3).

Theo báo cáo của Bộ Y tế, gần 1,5 triệu liều vaccine COVID-19 đã hết hạn sử dụng kể từ tháng 1/2022. Đây là dấu hiệu cho thấy số người tiêm mũi cơ bản và mũi tăng cường đều giảm đáng kể.

Các chuyên gia khẳng định việc tiêm mũi tăng cường là rất quan trọng vì biến thể Omicron (hiện đang chiếm ưu thế) có thể "né" được một số tác dụng bảo vệ của 2 liều vaccine mRNA, đặc biệt là ở những người dễ bị tổn thương.

Mặc dù mũi thứ 3 và thứ 4 không ngăn hoàn toàn nguy cơ nhiễm bệnh nhưng có tác dụng rất tốt trong việc ngăn ngừa nguy cơ phải nhập viện và tử vong.

Trước xu hướng gia tăng các ca nhiễm mới trên khắp Canada, trong tuần này, Ủy ban tư vấn quốc gia về tiêm chủng của Canada (NACI) đã tăng cường khuyến nghị về việc tiêm mũi 3, người lớn từ 18 tuổi trở lên nên tiêm mũi thứ 3 vaccine mRNA ít nhất 6 tháng sau mũi tiêm thứ 2.

Các bằng chứng hiện có cho thấy 3 liều vaccine mRNA (ở một số người là 4 liều) mang lại sự bảo vệ tốt nhất.

Tổng số ca mắc COVID-19 tại Canada hiện ở mức trên 3,6 triệu, hơn 38.200 người đã tử vong.

Một nghiên cứu của Mỹ cho thấy việc tiêm 2 mũi vaccine mRNA mang lại hiệu quả 65% trong việc ngăn ngừa nguy cơ nhập viện liên quan đến Omicron ở người từ 18 tuổi trở lên. Đối với những người được tiêm 3 mũi, hiệu quả ngăn ngừa nhập viện tăng lên 86%.

TIN LIÊN QUAN