Thua lỗ triền miên, VHG “vẽ” dự án du lịch sân golf Tây Bà Nà 700 ha

(CL&CS) - CTCP Đầu tư và Phát triển Việt Trung Nam (VHG) đã có 6 năm liên tiếp chìm đắm trong thua lỗ và hoạt động lây lất không có doanh thu.

VHG với tên ban đầu là CTCP Đầu tư và Sản xuất Việt - Hàn rồi lần lượt đổi thành CTCP Đầu tư Cao su Quảng Nam, CTCP Đầu tư và Phát triển Việt Trung Nam và sắp tới là CTCP Tập đoàn Tây Bà Nà.

Hai lần thay tên, đổi họ

Tiền thân của VHG là CTCP Đầu tư và Sản xuất Việt - Hàn được thành lập năm 2003. Sản phẩm là cáp đồng với thương hiệu Viet-Han Cable.

Công ty sản xuất cáp viễn thông có dung lượng 2.400 đôi, trở thành nhà sản xuất cáp có dung lượng lớn nhất Việt Nam với công suất 3 triệu km đôi/năm. Bên cạnh đó, công ty còn có nhà máy dây và cáp điện, cáp quang… Chính điều này đã thu hút được các quỹ đầu tư nước ngoài như: Indochina Capital và Vinacapital trở thành nhà đầu tư chiến lược, cổ đông lớn.

Năm 2010, công ty thay đổi chiến lược phát triển theo ngành nghề với thứ tự ưu tiên là bất động sản, hạ tầng công nghiệp dịch vụ, trồng và chế biến cao su, sản xuất vật liệu xây dựng cơ bản, đầu tư khai thác chế biến kim loại màu.

Đến năm 2014, với sự tham gia của nhóm nhà đầu tư đến từ Hà Nội, công ty tái cấu trúc đổi tên thành CTCP Đầu tư Cao su Quảng Nam và chào bán 37,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để thu về 375 tỷ đồng. Nguồn huy động được công ty trồng và khai thác 13.300 ha cao su, dự án khu nghỉ dưỡng khu vực biển Non Nước với quy mô 5,3 ha; dự án cao ốc 9 Lê Duẩn, Đà Nẵng. Nhưng tất cả chỉ là “bánh vẽ” khi công ty nhanh chóng chuyển nhượng hai dự án bất động sản.

Sang năm 2015, công ty thêm một lần nữa chào bán 75 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu nhằm huy động 750 tỷ đồng và vốn điều lệ của VHG nâng lên 1.500 tỷ đồng. Nguồn vốn thu về sẽ được phẩn bổ vào đầu tư, liên doanh, liên kết, hợp tác với các công ty có tiềm năng trong cùng lĩnh vực hoạt động của công ty; đầu tư vào công ty con (CTCP Cao su Việt Hàn, CTCP Khoáng sản Quảng Nam) và bổ sung vốn lưu động. Thế nhưng nguồn vốn thu được công ty “tất tay” 729 tỷ đồng vào CTCP Phát triển Bất động sản Tây Hồ với tỷ lệ sở hữu 43,81%.

Đến năm 2016, công ty lại mở rộng hoạt động thương mại trong lĩnh vực phân bón, hóa chất để đến năm 2017 phải tập trung tái cơ cấu các hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây cũng là năm, công ty ghi nhận khoản lỗ kỷ lục 1.179 tỷ đồng do hoạt động thoái vốn tại hàng loạt các công ty liên doanh, liên kết, trong đó có CTCP Phát triển Bất động sản Tây Hồ.

Trong năm 2020 và 2021, VHG lần lượt thoái vốn khỏi các công ty con còn lại và doanh thu đều ghi nhận là 0 đồng. Trải qua 6 năm liên tục thua lỗ 1.597 tỷ đồng, tổng tài sản của VHG còn lại là 180 tỷ đồng, gồm 142 tỷ đồng đầu tư vào công ty liên kết, liên doanh (CTCP Công nghiệp Cao su Quảng Nam, CTCP Sản xuất ứng công nghệ cao Thái Sơn) và 38 tỷ đồng là các khoản phải thu. Tuy nhiên, đây là những tài sản có giá trị kém, công ty có thể trích lập dự phòng toàn bộ tài sản này trong bất kỳ lúc nào.

Trong năm 2021, VHG lại thêm một lần đổi tên thành CTCP Đầu tư và Phát triển Việt Trung Nam.

Báo cáo kết quả kinh doanh của VHG giai đoạn 2007 - 2021 và kế hoạch kinh doanh 2022.

Năm 2022, thêm lần thay tên, đổi họ

Mặc dù không có doanh thu và tiếp tục báo lỗ trong năm 2021 nhưng VHG khá tích cực trong việc tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2022. Công ty đã chốt danh sách tham dự từ ngày 28/1/2022 và tổ chức đại hội vào 4/3 vừa qua nhưng bất thành. Theo danh sách, VHG có 22.342 cổ đông đại diện cho 150 triệu cổ phiếu nhưng chỉ có 13 cổ đông, đại diện cho 684.900 cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 0,46% vốn điều lệ của công ty nên đại hội không đủ điều kiện tiến hành. Công ty sẽ tiến hành tổ chức đại hội lần 2 vào 30/3 tới.

Trong tài liệu tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, VHG chuẩn bị thêm một lần đổi tên, dự kiến là CTCP Tập đoàn Tây Bà Nà. Tên mới này xuất phát từ việc dự kiến thành lập công ty con với tên gọi CTCP Tây Bà Nà Land có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, trong đó VHG sở hữu 65%.

Đồng thời, VHG định hướng chuyển đổi hoạt động kinh doanh cốt lõi từ trồng và kinh doanh cao su sang bất động sản. Cụ thể, nghiên cứu dự án bất động sản du lịch sân golf Tây Bà Nà có quy mô 700 ha thuộc địa bàn huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam - giáp ranh dự án Bà Nà Hill của Sun Group tại huyện Hòa Vang, Đà Nẵng.

Việc VHG liên tục công bố những thông tin liên quan đến dự án du lịch sân golf Tây Bà Nà, tham gia góp vốn thành lập CTCP Tây Bà Nà Land, đổi tên công ty thành CTCP Tập đoàn Tây Bà Nà đã giúp cổ phiếu VHG tăng mạnh trong thời gian vừa qua dù công ty liên tục báo lỗ. Cổ phiếu VHG đã tăng 150% trong năm 2020, tăng 533,3% trong năm 2021 và 8,4% từ đầu năm đến nay. Nếu xét từ đáy của năm 2020 đến đỉnh được lập trong năm 2022 thì cổ phiếu VHG tăng 31 lần kèm theo khối lượng khớp lệnh hàng ngày cực lớn.

Để thực hiện dự án du lịch sân golf Tây Bà Nà còn trên giấy, có thể VHG sẽ dùng lại chiêu cũ. Công ty phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho một nhóm nhà đầu tư, nguồn vốn thu về được đầu tư vào công ty con. Nhưng thực tế, tiền được trả lại nhóm nhà đầu tư đã mua cổ phiếu phát hành riêng lẻ. Sau một thời gian, VHG trích lập dự phòng toàn bộ khoản đầu tư vào công ty con còn số cổ phiếu phát hành riêng lẻ được bán trên sàn cho những nhà đầu tư khác ở bất kỳ mức giá nào cũng có lời. 

TIN LIÊN QUAN