Tại hội nghị giao ban Bộ Tài chính đánh giá tình hình thực hiện công tác tháng 7/2022 và kế hoạch triển khai chương trình công tác tháng 8/2022 cho biết: thu ngân sách tháng 7/2022 do cơ quan Thuế quản lý đạt 122.500 tỷ đồng; lũy kế 7 tháng đạt gần 911.030 tỷ đồng. Loại trừ các yếu tố chính sách miễn, giảm, gia hạn thì 7 tháng đầu năm số thu thuế, phí nội địa (không kể tiền SD đất, cổ tức & LNCL, xổ số và thu chênh lệch thu chi NHNN) tăng 8,7% so cùng kỳ.
Trước báo cáo trên, Tổng cục Thuế đánh giá tình hình kinh tế những tháng đầu năm 2022 tiếp tục khởi sắc nhờ kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã và đang phát huy tác dụng, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước trong 7 tháng đầu năm 2022.
Những điểm nhấn nổi bật đóng góp vào ngành thuế như sau:
Hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại trạng thái bình thường, chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng đầu năm 2022 tăng 8,8% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu tăng 16,1%;
Ngành bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng đầu năm 2022 tăng 16% so với cùng kỳ, đây là mức cao nhất trong vòng 5 năm gần đây;
Sự quay lại mạnh mẽ của hoạt động du lịch, vận tải hành khách phục hồi mạnh mẽ. Ghi nhận lượng khách du lịch quốc tế đến nước ta 7 tháng đầu năm đạt 954 nghìn lượt người.
Đánh giá tốc độ tăng trưởng GDP nửa đầu năm tăng 6,42%, cao hơn tốc độ tăng 5,74% so cùng kỳ năm 2021.
Tổng cục Thuế lưu ý mức thu đối với lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bất động sản và dầu khí là không bền vững. Thể hiện trong quý I/2022 thu đạt khoảng 48.300 tỷ đồng, tăng 18,1% cùng kỳ, nhưng thu trong quý II/2022 có sự sụt giảm rõ rệt, tổng thu đạt khoảng 40.000 tỷ đồng, bằng 82,8% so quý I/2022.
Dự báo ngành thuế những tháng cuối năm sẽ gặp nhiều khó khăn do tác động của việc Chính phủ ưu tiên kiểm soát lạm phát, tăng cường quản lý việc phát hành trái phiếu đối với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, kiểm soát chặt chẽ thị trường bất động sản và chứng khoán.