Đầu cơ khiến thị trường “nóng” hơn
Theo Bộ Xây dựng, thời gian qua, tình trạng đầu cơ bất động sản liên tục xuất hiện thông qua các hình thức như “cò đấu giá”, “quân xanh-quân đỏ”; đe dọa cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá đất; thông đồng giữa tổ chức tư vấn định giá với người tham gia đấu giá để “dìm giá”; bỏ giá rất cao một số lô đất, rồi "bỏ cọc", tạo mặt bằng "giá ảo" để thao túng thị trường, tác động làm tăng giá bất động sản, nhà ở, ảnh hưởng đến công tác bồi thường, thu hồi đất và thu hút đầu tư của địa phương; mua đi, bán lại nhiều lô đất trúng đấu giá làm ảnh hưởng đến mặt bằng giá và hoạt động của thị trường bất động sản.
Theo báo cáo thị trường bất động sản quý III/2024 của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, thị trường bất động sản nhà ở tiếp tục ghi nhận nguồn cung đạt mức 22.412 sản phẩm được chào bán trên thị trường, với khoảng 14.750 sản phẩm mở bán mới, giảm 25% so với quý trước, nhưng đã tăng 60% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, thị trường đã ghi nhận 38.797 sản phẩm mới được chào bán. Nguồn cung vẫn ghi nhận sự phân hóa mạnh: 70% nguồn cung mới đến từ phân khúc căn hộ chung cư. Trong đó, các sản phẩm có giá bán trên 50 triệu đồng/m2 trở lên chiếm phần áp đảo. Thị trường gần như vắng bóng hoàn toàn căn hộ chung cư thương mại giá bình dân.
Về giá bán, mặt bằng giá nhà ở tiếp tục neo ở mức cao, trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp, nhất là tại phân khúc căn hộ. Bởi tình trạng mất cân đối cung cầu đang ngày càng nghiêm trọng do nguồn cung dù đã được cải thiện nhưng vẫn rất khó đáp ứng đủ nhu cầu. Bên cạnh đó, phần lớn nguồn cung mới tiếp tục được hoàn thiện ở mức tiêu chuẩn cao với chỉ phí đầu tư, nhất là chỉ phí liên quan đến đất đai tăng cao.
Bà Phạm Thị Miền - Phó Viện trưởng VARs IRE cho biết, thị trường bất động sản nhà ở đã bắt đầu ghi nhận những dấu hiệu thể hiện sự “tăng nhiệt". Sức nóng của thị trường còn được dẫn dắt bởi phân khúc căn hộ, với mức giá liên tục thiết lập mặt bằng mới ở mức cao, trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Bất chấp giá bán tăng cao, các dự án căn hộ mới ra hàng, đều ghi nhận tỷ lệ hấp thụ rất tốt.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả xuất phát từ cung, cầu thực tế, thị trường cũng đã xuất hiện những dấu hiệu “tạo nhiệt”. Tình trạng này thể hiện qua việc đầu cơ đất đai, đẩy giá nhà ở, và phát sinh các giao dịch bất động sản thiếu minh bạch. Nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia thị trường với mục đích lướt sóng, khiến giá bất động sản bị đẩy lên cao bất hợp lý.
Đầu cơ ngắn hạn nhưng để lại hệ lụy lâu dài
Chia sẻ về vấn nạn đầu cơ bất động sản hiện nay, TS Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết: “Những khu vực nóng như Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm xuất hiện một loạt văn phòng nhà đất không có đăng ký hoạt động, thậm chí chính người dân bản địa đứng ra lập văn phòng rồi giới thiệu tư vấn cho khách hàng mua những sản phẩm bất động sản không được pháp luật cho phép đưa vào thị trường”.
Ngoài ra, việc đầu cơ bất động sản đã và đang gây ra những cơn sốt. Bài học từ những đợt sóng ngầm qua 4 đợt sốt đất lịch sử, mà gần nhất, cơn sốt thứ tư là vào thời điểm Covid-19 những năm 2021, 2022 khiến phần lớn nguồn lực tài chính chôn vốn vào bất động sản.
Theo đó, tình trạng đầu cơ đất đai dẫn đến nhiều hệ luỵ cho nền kinh tế và xã hội như người có nhu cầu thực (để ở, để sản xuất, kinh doanh) không thể tiếp cận đất đai trong khi đất đai bị bỏ hoang (do bị đầu cơ); nguồn lực xã hội thay vì dành cho đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm lại bị “chôn” vào đất, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế;
Giá nhà đất không ngừng tăng ảo trong khi thu nhập của người dân không mấy cải thiện sẽ làm trầm trọng thêm nguy cơ bất bình đẳng xã hội. Người có nhu cầu mua nhà ở, đất ở thực sự đang phải trả một khoản tiền lớn cho giới đầu cơ, người nghèo đang phải chi trả nhiều hơn cho nhu cầu về nhà ở, khiến tình trạng gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng lớn.
Cũng bày tỏ sự e ngại trước vấn đề này, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, hiện tượng đầu cơ bất động sản sẽ ảnh hưởng tiêu cực, làm chậm lại quá trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Nếu đô thị hóa bị chậm lại, việc thu hút đầu tư cả nước ngoài lẫn trong nước, địa phương cũng sẽ giảm đi. Do đó, về lâu dài, hệ lụy đối với kinh tế địa phương là rất lớn.
Cùng với đó, chuyên gia kiến nghị cần phải có những biện pháp thiết thực để ngăn chặn tình trạng đầu cơ thổi giá, giúp cho hoạt động kinh tế địa phương phát triển tốt hơn.
"Đó là một sự lãng phí và cũng tạo ra sự nhếch nhác cho đô thị. Điều chúng ta nên tính đến là đánh thuế sử dụng đất cao hơn. Thậm chí, chúng ta cũng tính đến mức như tiền thuê đối với diện tích đất và diện tích xây dựng mà chúng ta đang có", ông Thịnh nhấn mạnh.