Hướng tới nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm
Trong thời gian vừa qua, chương trình quốc gia thúc đẩy các hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng đã được triển khai và đạt nhiều thành tựu, xây dựng nền tảng về các hệ thống quản lý chất lượng, giải pháp đồng bộ cho việc nâng cao năng suất doanh nghiệp cũng như xây dựng được văn hoá chất lượng cho các cơ quan dịch vụ hành chính công.
Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa
Nhìn chung, bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2024 có triển vọng tích cực, điều này cho thấy những biện pháp tháo gỡ về cơ chế chính sách của Chính phủ thời gian qua đã phát huy tác dụng. Với mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đảm bảo chất lượng, nâng cao năng suất càng trở nên cấp bách, là chìa khoá cho sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Thời gian tới, với sự thay đổi nhanh chóng của hệ thống tiêu chuẩn thế giới, để đảm bảo vị trí của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam tại thị trường trong nước và trên thị trường quốc tế, đồng thời đáp ứng yêu cầu quản lý và nhu cầu của doanh nghiệp thì việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh là yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp.
Để thích ứng và tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh mới, các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa sự hỗ trợ của Nhà nước trong nâng cao năng suất, chất lượng và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, cần triển khai các nhóm giải pháp đổi mới, sáng tạo trong quá trình sản xuất, kinh doanh, bao gồm toàn bộ các giai đoạn từ khâu thiết kế sản phẩm, cung ứng nguyên, phụ liệu, sản xuất, xuất khẩu và marketting đến đổi mới phương thức, mô hình quản trị, đổi mới cách tiếp cận đến các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng cho phù hợp với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh, ngày 31/3/2021, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch số 65/KH-UBND thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030.
Ngày 10/12/2021, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND quy định mức chi đối với các nhiệm vụ do địa phương thực hiện thuộc Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 10.228 doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng
Thời gian vừa qua, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai một số nội dung như hướng dẫn các doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng cơ bản, đẩy mạnh áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng đặc thù cho ngành, lĩnh vực, tiêu chuẩn về các hệ thống quản lý mới được công bố; Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (G.A.P), thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, năng suất xanh...
Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để thiết lập, tối ưu hóa, hiện đại hóa hệ thống quản trị doanh nghiệp; áp dụng tiêu chuẩn, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh; Hỗ trợ doanh nghiệp chứng nhận sản phẩm, hàng hóa, chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, môi trường, năng lượng, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp và chứng nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế.
Xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia phục vụ trực tiếp cho hoạt động nâng cao năng suất chất lượng, thiết lập nền tảng tiêu chuẩn hóa cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh; Nâng cao năng lực tổ chức chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để đuợc công nhận, thừa nhận ở khu vực và quốc tế; Đầu tư, tăng cường năng lực thử nghiệm chất lượng, an toàn và sinh thái của sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu chủ lực; Đẩy mạnh cơ chế thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp ở các cấp độ...
Đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng và triển khai Chương trình bảo đảm đo lường cho 5 doanh nghiệp, HTX sản xuất hàng đóng gói sẵn đạt chứng nhận OCOP; xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, gồm: Chè, quả (na, nhãn, bưởi), thịt lợn, thịt gà và trứng gà, gỗ, quế; hỗ trợ 6 doanh nghiệp, HTX áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc gắn với nhận diện thương hiệu và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chè mang chỉ dẫn địa lý “Tân Cương”.
Từ nguồn vốn sự nghiệp Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, 3 năm qua, nhiều doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh đã được hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, góp phần tạo các liên kết sản xuất với quy mô lớn, tập trung, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, khai thác tiềm năng, lợi thế, phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm.
Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), đến nay toàn tỉnh có 240 sản phẩm OCOP từ 3 đến 5 sao. Trong đó có 14 doanh nghiệp với 27 sản phẩm OCOP từ 3-4 sao được hỗ trợ với kinh phí gần 700 triệu đồng.
Đổi mới sáng tạo gắn với nâng cao năng suất chất lượng giúp doanh nghiệp đạt được lợi thế cạnh tranh mới, tạo ra thị trường mới, thu hút các nguồn lực tài trợ của các đối tác, sử dụng hiệu quả nguồn lực, giảm lãng phí, nâng cao uy tín của doanh nghiệp. Do đó, việc triển khai các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng gắn với đổi mới sáng tạo là yêu cầu cấp thiết đối với doanh nghiệp hiện nay.
Có thể khẳng định rằng, việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm không chỉ là mục tiêu kinh doanh mà còn là yếu tố quyết định sự bền vững và phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ tại tỉnh Thái Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung trong thời kỳ hội nhập và cạnh tranh mạnh mẽ ngày nay. Doanh nghiệp sẽ có được đội ngũ nhân viên biết vận hành hệ thống quản lý tích hợp và sử dụng thành thạo các công cụ nâng cao năng suất chất lượng, tạo nền tảng vững chắc để giải quyết các vấn đề trong doanh nghiệp về lâu dài, giúp doanh nghiệp tiếp cận với trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến trong khu vực và thế giới.