TCVN 13805:2023 đưa ra các yêu cầu đối với chuỗi cung ứng sữa và sản phẩm sữa để đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc. Ảnh minh họa.
Hiện nay, nhu cầu truy xuất nguồn gốc sữa và sản phẩm sữa xuất phát từ quy định pháp luật, tiêu chuẩn đối với quá trình sản xuất, chế biến, vận chuyển và nhu cầu minh bạch trong chuỗi cung ứng.
TCVN 13805:2023 về Truy xuất nguồn gốc – Yêu cầu đối với chuỗi cung ứng sữa và sản phẩm sữa do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/F12 Sữa và sản phẩm sữa biên soạn, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Các loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh được xác định trong tiêu chuẩn này đối với chuỗi cung ứng sữa và sản phẩm sữa bao gồm: cơ sở chăn nuôi; cơ sở cung cấp nguyên liệu; cơ sở vận chuyển và logistic; cơ sở chế biến; nhà phân phối; cơ sở bán lẻ. Mô hình chuỗi cung ứng sữa và sản phẩm sữa nêu trong TCVN 13805:2023 là mô hình ứng dụng hệ thống GS1 để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Về nguyên tắc, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong chuỗi cung ứng sữa và sản phẩm sữa phải đáp ứng nguyên tắc chung nêu trong TCVN 12850 về Truy xuất nguồn gốc – Yêu cầu chung đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc.
Đồng thời, cơ sở phải xác định đối tượng truy xuất (vật phẩm có thể truy xuất). Phải có sự thống nhất giữa các đối tác thương mại về vật phẩm có thể truy xuất, nhằm đảm bảo rằng các bên truy xuất xuôi cùng một đối tượng. Mỗi đối tác thương mại phải xác định ít nhất một cấp độ vật phẩm có thể truy xuất cho từng chuyến hàng.
Việc truy xuất nguồn gốc từ đầu đến cuối chuỗi cung ứng yêu cầu phải thực hiện có hiệu quả quy trình truy xuất nguồn gốc nội bộ và truy xuất nguồn gốc bên ngoài. Mỗi đối tác truy xuất nguồn gốc phải có khả năng định danh nguồn trực tiếp và bên tiếp nhận trực tiếp (khách hàng) của vật phẩm có thể truy xuất (nguyên tắc “một bước trước - một bước sau”). Điều này đòi hỏi các đối tác thương mại thu thập, lưu giữ và chia sẻ các thông tin tối thiểu để truy xuất nguồn gốc.
TCVN 13805:2023 nêu rõ, để có một hệ thống truy xuất nguồn gốc hiệu quả trên toàn bộ chuỗi cung ứng: Tất cả vật phẩm cần truy xuất xuôi hoặc cần truy xuất ngược đều phải được định danh đơn nhất toàn cầu; Tất cả các bên trong chuỗi cung ứng cần thực hiện biện pháp truy xuất nguồn gốc nội bộ và bên ngoài. Việc thực hiện truy xuất nguồn gốc nội bộ phải đảm bảo duy trì được mối liên kết cần thiết giữa đầu vào và đầu ra.
Các hoạt động chế biến và bao gói khác nhau diễn ra trong chuỗi cung ứng sữa. Sữa có thể trải qua nhiều lần “biến đổi” trước khi đến tay người tiêu dùng cuối cùng. Sản phẩm cần được truy xuất nguồn gốc trên tất cả các cấp bao gói khác nhau. Các đối tượng truy xuất bao gồm cả sản phẩm rời và đã được bao gói, thùng cac-tông, thùng chứa có thể tái sử dụng được dùng để vận chuyển và dùng cho các phương tiện vận chuyển.