Phong trào thi đua “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi”, đã thu hút đông đảo công nhân lao động tích cực hưởng ứng tham gia, đem lại hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Luôn xác định các phong trào thi đua như “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi”, là dịp để công nhân lao động (CNLĐ) học tập, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao tay nghề cho người lao động trong các đơn vị, doanh nghiệp; thời gian qua, Ban Thường vụ Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội tích cực chỉ đạo và triển khai các phong trào thi đua “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi” đến 100% các Công đoàn cơ sở và thu hút sự hưởng ứng, tham gia tích cực của CNLĐ.
Trong tháng 5/2024, Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội đã tổ chức Hội thi thợ giỏi năm 2024. Hội thi thu hút sự tham gia của 49 thí sinh, đại diện cho gần 11.000 CNLĐ trong toàn ngành tham gia. Trong đó, 49 thí sinh tham dự Hội thi với 6 nội dung, gồm: Hàn điện, hàn Tig, hàn CO2, tiện vạn năng, phay vạn năng, vẽ thiết kế trên máy tính. Các thí sinh trải qua phần thi lý thuyết theo hình thức trắc nghiệm với thời gian 45 phút và phần thi thực hành với thời gian 60 phút...
Cũng là một trong những đơn vị mạnh trong phong trào thi đua “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi”, những năm qua, Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất (KCN&CX) Hà Nội thường xuyên phối hợp với Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức Hội thi thợ giỏi trong CNLĐ với các nghề tiêu biểu như: Tiện CNC, phay CNC, tiện vạn năng, phay vạn năng, hàn điện, vẽ và thiết kế trên máy tính...
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trực thuộc còn chủ động tổ chức các phong trào thi đua như Hội thi Bàn tay vàng của Công ty TNHH Toto Việt Nam; Hội thi Kỹ năng đo đạc, Kỹ năng lắp ráp máy in văn phòng của Công ty TNHH Canon Việt Nam; Hội thi Kỹ năng lắp ráp, Hội thi Kỹ năng chất lượng của Công ty TNHH Denso Việt Nam... Cùng đó, các doanh nghiệp đã chọn cử CNLĐ tham gia hội thi thợ giỏi trong tập đoàn trên toàn thế giới và tham dự kỳ thi đạt chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, quốc tế tiêu biểu và đạt được nhiều giải cao, đơn cử như Công ty TNHH Canon Việt Nam, Công ty TNHH Denso Việt Nam, Công ty TNHH Toto Việt Nam...
Từ những kết quả của phong trào thi đua “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi” trong công nhân lao động, đồng chí Nguyễn Đình Thắng – Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội khẳng định: “Thi đua là động lực hết sức quan trọng để khơi dậy tinh thần lao động sáng tạo, ý thức trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đặt biệt là tăng năng suất lao động, giảm hàng lỗi hàng hỏng, cải tiến mẫu mã, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh. Qua đó, khẳng định sự sáng tạo, đổi mới về nội dung, hình thức trong hoạt động của tổ chức Công đoàn”.
Trong thời gian tới, để phong trào thi đua “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi” trong công nhân lao động mang lại hiệu quả, đồng chí Nguyễn Đình Thắng cho rằng Đảng cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị của Bộ chính trị về “Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điểm hình tiên tiến” nhằm xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến và lan tỏa các gương điển hình xuất sắc tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước.
Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ về kinh phí để khuyến khích các trường nghề phối hợp với doanh nghiệp đào tạo nghề cho đội ngũ công nhân lao động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Đối với các tỉnh, thành phố chỉ đạo xây dựng đội ngũ công nhân lao động, quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất cho các trường nghề, đặc biệt là máy móc thiết bị tiên tiến hiện đại để tổ chức Hội thi thợ giỏi nhằm đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động.
Đối với doanh nghiệp cần quan tâm đầu tư hơn nữa về thời gian, cơ sở vật chất, kinh phí để tổ chức các hội thi thợ giỏi nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.