Sau khi ông Lê Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh có tâm thư gửi đến các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ… về việc xin tự nguyện đơn phương chấm dứt hợp đồng mua đấu giá tài sản lô đất 3-12 khu chức năng số 3 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, dư luận đặt ra rất nhiều thắc mắc liên quan đến số phận lô đất có giá “khủng” này sẽ đi về đâu, hướng xử lý tiếp theo sẽ như thế nào, có đấu giá lại hay không?
Trước những bất cập trong quy định pháp luật hiện hành về việc đấu giá quyền sử dụng đất thời gian vừa qua, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, Luật Đấu giá 2016 quy định phải nộp tiền đặt trước với mức tối đa 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá. Theo ông Châu, việc chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư, để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán giá trị tài sản trúng đấu giá của nhà đầu tư là rất quan trọng nhất là đối với cuộc đấu giá tài sản có giá trị rất lớn như trường hợp đấu giá 4 lô đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Thế nhưng luật không quy định nhà đầu tư phải nộp thêm tiền đặt trước hoặc phải có văn bản cam kết nộp bổ sung tiền đặt trước, hoặc phải có văn bản bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng trong trường hợp nhà đầu tư trả giá tài sản đấu giá cao hơn rất nhiều lần so với giá khởi điểm của tài sản đấu giá.
Ngoài ra, hiện vẫn còn thiếu các quy định pháp luật về điều kiện tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, nhất là điều kiện chứng minh nhà đầu tư không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất để thực hiện dự án đầu tư khác và điều kiện chứng minh có năng lực tài chính của nhà đầu tư. Tuy nhiên, người đứng đầu HoREA cũng cho rằng việc yêu cầu nhà đầu tư có văn bản cam kết để chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư vẫn còn mang tính hình thức và lỏng lẻo.
Liên quan đến việc lô đất tỷ đô vừa bị Tân Hoàng Minh bỏ cọc thì nhiều ý kiến thắc mắc có tổ chức đấu giá lại hay không?
Theo luật sư Trần Tấn Tài, Giám đốc Công ty Luật City (Đoàn luật sư TP.HCM) mặc dù "Tâm thư" của chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh được công bố rộng rãi với truyền thông và cộng đồng nhưng không được xem là văn bản mang tính pháp lý trong việc xác định doanh nghiệp này đơn phương chấm dứt Hợp đồng mua bán đấu giá tài sản lô đất 3-12 khu chức năng số 3 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Văn bản này chỉ thể hiện doanh nghiệp có mong muốn chấm dứt hợp đồng. Việc hủy hợp đồng mua bán tài sản đấu giá cần được thể hiện qua văn bản được gửi đến đúng cơ quan chức năng tiếp nhận. Thực tế, cho đến nay, TP.HCM, Trung tâm Dịch vụ Đấu giá Tài sản và Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.HCM vẫn chưa nhận được thông tin chính thức gì từ Tập đoàn Tân Hoàng Minh về vấn đề này.
Bên cạnh đó, Cục Thuế TP.HCM đã có "Thông báo nộp tiền" vào ngày 6/1 về tiền sử dụng đất đối với 4 doanh nghiệp vừa trúng đấu giá đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm với tổng số tiền sử dụng đất là 37.364 tỷ đồng và 1,5 tỷ đồng lệ phí trước bạ. Trong đó, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (Công ty con thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) trúng đấu giá lô đất số 3-12 đóng 24.500 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 500 triệu đồng lệ phí trước bạ cho diện tích sử dụng thương mại dịch vụ.
Cũng theo luật sư Trần Tấn Tài, theo quy định, số tiền đặt trước sẽ chuyển thành tiền cọc theo quy định tại khoản 5 Điều 39 của Luật đấu giá tài sản. Nếu đến ngày 7/2/2022 tới đây, nếu Tân Hoàng Minh tiếp tục không thực hiện nghĩa vụ, xem như họ bỏ cọc và mất số tiền gần 600 tỷ đồng.
Còn theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI cho biết, các bên cần có sự thỏa thuận hủy kết quả đấu giá bằng văn bản. Trong trường hợp này là thỏa thuận giữa Công ty Ngôi Sao Việt, Trung tâm quỹ đất (Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM) và Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản (Sở Tư pháp). Sau khi hủy kết quả, nếu các bên có lỗi gây thiệt hại sẽ phải bồi thường theo quy định. Nếu hết thời hạn 90 ngày nhưng không có văn bản thống nhất chấm dứt hợp đồng đấu giá giữa các bên, doanh nghiệp cũng không thực hiện nghĩa vụ đóng tiền đấu giá thì mới vi phạm hợp đồng, phải chịu mất tiền cọc và chịu phạt (nếu có).
Trường hợp phiên đấu giá đã chấm dứt, các bên đã ký hợp đồng mua tài sản đấu giá và UBND TP.HCM cũng đã có quyết định công nhận kết quả đấu giá. Số tiền đặt trước giờ đã chuyển thành tiền cọc và nếu đơn vị trúng đấu giá không tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ tiếp theo thì xem như họ bỏ cọc, mất số tiền này. Lô đất trên trở lại là đất công thuộc quyền quản lý của Nhà nước.
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, đến giờ phút này lô đất ở Thủ Thiêm vẫn đang thuộc quyền sở hữu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, theo đúng kết quả phiên đấu giá đã được công nhận vào ngày 10/12/2021. Sau khi đơn vị này chính thức hủy hợp đồng, TP.HCM sẽ làm lại hồ sơ để thực hiện đấu giá lại từ đầu.