Quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa

(CL&CS) - Để phù hợp hơn với thực tiễn, nhiều quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong năm 2022 đã có sự thay đổi.

Ngày 30/12/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 126/2021/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ; năng lượng nguyên tử. Có 04 nghị định được sửa đổi gồm: Nghị định số 99/2013/NĐ-CP, Nghị định số 119/2017/NĐ-CP, Nghị định số 51/2019/NĐ-CP, Nghị định số 107/2013/NĐ-CP.

Trong các Nghị định được sửa đổi, có 02 Nghị định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, thầm quyền xử phạt của lực lượng quản lý thị trường, đó là: Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực Sở hữu công nghiệp; Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Nội dung 02 nghị định nêu trên được sửa đổi, bổ sung như sau:

Đối với Nghị định số 99/2013/NĐ-CP: Nghị định đã bổ sung quy định về phạm vi điều chỉnh: Nghị định này quy định về các hành vi vi phạm hành chính; hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả; thủ tục nộp đơn yêu cầu xử lý vi phạm; đối tượng bị xử phạt; thẩm quyền, thủ tục giải quyết đơn yêu cầu xử lý vi phạm; thẩm quyền lập biên bản đối với vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh; việc thi hành các hình thức xử phạt vi phạm hành chính, các biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khác trực tiếp liên quan đến lĩnh vực sở hữu công nghiệp không quy định tại Nghị định này thì áp dụng quy định tại Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan để xử phạt.

Nghị định quy định rõ các đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính. Nghị định số 99/2013/NĐ-CP cũng đã sửa đổi, nâng mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm, cụ thể: Nâng mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng lên từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi “Chỉ dẫn sai về đối tượng, yếu tố được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, chủ thể quyền sở hữu công nghiệp, tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí; Chỉ dẫn sai về tình trạng pháp lý, phạm vi bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp”; nâng mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng lên từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với một trong các hành vi “ Không giao văn bằng bảo hộ, tài liệu chứng minh quyền sở hữu công nghiệp, giấy chứng nhận… cho bên ủy quyền đại diện trong thời hạn quy định mà không có lý do chính đáng; Sửa chữa, làm sai lệch nội dung chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp;…”

Đối với Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017: Nghị định sửa đổi, bổ sung một số chức danh có thẩm quyền xử phạt theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật số 67/2020/QH14), cụ thể: Nghị định đã bãi bỏ các quy định như: Quy định về mức phạt tiền tối đa, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính (điểm c khoản 3 Điều 3); hợp quy (điểm g, điểm h khoản 3, khoản 5 Điều 19); chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường (khoản 3 Điều 20); hoạt động đánh giá sự phù hợp (điểm a, điểm b khoản 1 Điều 21); cung cấp thông tin không trung thực, sai sự thật về giấy tờ, tài liệu liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa (điểm b, khoản 3 Điều 24); điều kiện sản xuất mũ bảo hiểm (Điều 28), Hành vi khinh doanh hàng hoá gắn nhãn hàng hoá giả; sản xuất hàng hoá gắn nhãn hàng hoá giả (khoản 5, khoản 6 Điều 31), sử dụng mã số mã vạch (điểm đ, điểm g khoản 1 Điều 32).

Bổ sung hình phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 01 tháng đến 03 tháng dối các hành vi: “Kinh doanh hàng hóa trên nhãn có hình ảnh, hình vẽ, chữ viết, dấu hiệu, biểu tượng, huy chương, giải thưởng và các thông tin khác không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa đó; nhãn hàng hóa thể hiện những hình ảnh, nội dung liên quan đến tranh chấp chủ quyền và các nội dung nhạy cảm khác có thể gây ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội, quan hệ ngoại giao và thuần phong mỹ tục Việt Nam; kinh doanh hàng hóa có nhãn, kể cả nhãn gốc hoặc nhãn phụ đối với hàng hóa nhập khẩu bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch thông tin về hàng hóa; kinh doanh hàng hóa gian lận về thời hạn sử dụng hàng hóa trên nhãn hàng hóa; kinh doanh hàng hóa đã quá hạn sử dụng, trừ trường hợp hàng hóa nhập khẩu chưa được thông quan (khoản 3 Điều 31); và kinh doanh hàng hóa theo quy định phải có nhãn hàng hóa mà không có nhãn hàng hóa; không có nhãn gốc hoặc có nhãn gốc nhưng ghi không đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa, hoặc bị thay đổi (khoản 4 Điều 31)”. 

TIN LIÊN QUAN