Quy định giới hạn giá trị các thông số chất lượng nguồn nước dưới đất theo QCVN

(CL&CS) - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước dưới đất QCVN 09:2023/BTNMT được ban hành để quy định giá trị giới hạn các thông số chất lượng nước dưới đất làm căn cứ để định hướng cho các mục đích sử dụng nước khác nhau.

Nước dưới đất là một dạng nước được phân bổ hoàn toàn dưới bề mặt đất, đá. Đây là nguồn nước được tích trữ trong các không gian rỗng của đất, hay trong những khe nứt của các lớp đất đá trầm tích. Nước dưới đất có vai trò góp phần ổn định dòng chảy của sông, suối; giúp cố định các lớp đất đá bên trên, tránh các hiện tượng sạt lở, sụt lún.

Tuy nhiên, nguồn tài nguyên nước dưới đất (hay nước ngầm) đang đứng trước nguy cơ suy kiệt, mà nguyên nhân chủ yếu là do bị khai thác quá mức. Dấu hiệu nước ngầm đang bị ô nhiễm, thường là nhiễm vi sinh và một số chỉ tiêu vi lượng vượt mức cho phép. Do đó để quản lý, khai thác, đánh giá và giám sát giá trị giới hạn các thông số chất lượng nguồn nước dưới đất một cách có hiệu quả cần tuân thủ theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09:2023/BTNMT.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09:2023/BTNMT quy định giá trị giới hạn các thông số chất lượng nước dưới đất. Ảnh minh họa

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09:2023/BTNMT do Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường biên soạn, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Pháp chế trình duyệt; Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định và được ban hành theo Thông tư số 01/2023/TT-BTNMT ngày 13 tháng 03 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09:2023/BTNMT thay thế QCVN 09-MT:2015/BTNMT.

Quy chuẩn này quy định giá trị giới hạn các thông số chất lượng nước dưới đất. Quy chuẩn này áp dụng để đánh giá và giám sát chất lượng nguồn nước dưới đất, làm căn cứ để định hướng cho các mục đích sử dụng nước khác nhau.

Quy chuẩn này áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước về môi trường và mọi tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân có các hoạt động liên quan đến chất lượng nước dưới đất trên lãnh thổ Việt Nam.

Theo đó, nước dưới đất trong Quy chuẩn này là nước tồn tại trong các tầng chứa nước dưới đất. Trong đó thông số cơ bản trong Quy chuẩn này là các thông số được sử dụng để quan trắc định kỳ, liên tục để đánh giá chất lượng nước dưới đất.

Cụ thể, giá trị giới hạn của các thông số chất lượng nước dưới đất được quy định như sau: Thông số cơ bản như độ pH thì có giá trị giới hạn từ 5,8 đến 8,5; tổng coliform là 3; Nitrate là 15; amoni là 1; chỉ số permangarnat là 4; tổng chất rắn hòa tan là 1500; độ cứng là 500; asenic là 0,05; chloride là 250. 

Thông số gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người được quy định trong Quy chuẩn này là các thông số có khả năng gây tổn hại tới sức khỏe khi nước dưới đất được con người trực tiếp sử dụng cho các mục đích khác nhau. Cụ thể, thông số ảnh hưởng tới sức khỏe một số chất nổi bật như: Thủy ngân 0,001, chì là 0,01; tổng chromi là 0,05, đồng là 1; kẽm là 3; nickel là 0,02; mangan là 0,5; sắt là 5...

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09:2023/BTNMT quy định việc quan trắc chất lượng nước dưới đất và sử dụng kết quả quan trắc để trực tiếp cung cấp, công bố thông tin về chất lượng môi trường cho cộng đồng phải được thực hiện bởi các tổ chức đáp ứng các yêu cầu, điều kiện về năng lực quan trắc môi trường theo quy định của pháp luật. Việc quan trắc chất lượng nước dưới đất định kỳ cần căn cứ vào mục tiêu quan trắc để lựa chọn các thông số quan trắc phù hợp.

Liên quan tới vấn đề quản lý nguồn nước dưới đất, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khuyến cáo, để đảm bảo khai thác ổn định, cần theo dõi chặt chẽ các diễn biến mực nước dưới đất các tầng chứa nước, từ đó có phương án bảo vệ, quản lý, khai thác hiệu quả.

Quản lý, giám sát chặt chẽ các công trình thăm dò, khai thác nước dưới đất, từ khâu thiết kế, lập đề án thăm dò, thi công đề án, lắp đặt công trình khai thác và trong quá trình khai thác, sử dụng nước. Thực hiện nghiêm chỉnh chế độ quan trắc, giám sát mực nước, lưu lượng khai thác, phân tích chất lượng nước và báo cáo định kỳ quá trình khai thác.

Ở các vùng có nhiều công trình khai thác nước dưới đất thực hiện rà soát, xử lý trám lấp các giếng không sử dụng; khoanh định các vùng hạn chế/cấm khai thác; lập quy hoạch khai thác sử dụng, bảo vệ nước dưới đất và từng bước xây dựng mạng quan trắc nước dưới đất địa phương, khu vực.

TIN LIÊN QUAN