Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng (TCĐLCL) phải là công cụ quan trọng hỗ trợ, là động lực thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (S.T.I.D). Ngược lại, chính S.T.I.D cũng sẽ tạo cú hích giúp phát triển hệ thống TCĐLCL hiện đại, hiệu quả và đồng bộ.
Bộ trưởng cho biết, tiêu chuẩn không chỉ để kiểm soát mà cần dẫn dắt sự phát triển. Nếu thực thi tốt, Việt Nam không chỉ bắt kịp thế giới mà còn có thể định hình các chuẩn mực mới. Tiêu chuẩn phải trở thành nền tảng kỹ thuật cho toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội, là một phần trong thể chế quốc gia, đóng vai trò cốt lõi trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập toàn cầu.
“Đo lường cần được xem như nền tảng dữ liệu để ra quyết định, thay vì thói quen cảm tính, trực quan. Chúng ta cần xây dựng hệ thống đo lường độc lập, tạo lập văn hóa quản trị dựa trên dữ liệu”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chất lượng tạo ra niềm tin và là yếu tố cạnh tranh số một của doanh nghiệp. Văn hóa trọng danh dự của người Việt Nam cần được phát huy để nâng cao chất lượng, qua đó bảo vệ người tiêu dùng và nâng tầm thương hiệu quốc gia.
Cụ thể hóa định hướng trên, từ ngày 22-23/5/2025, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Nam đã tổ chức lớp tập huấn phổ biến quy định của nhà nước về đo lường, nhằm tăng cường năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực TCĐLCL.
Quang cảnh lớp tập huấn đo lường.
Lớp học thu hút sự tham gia của nhiều nhóm đối tượng liên quan trực tiếp đến hoạt động đo lường tại địa phương như: cán bộ Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin cấp huyện, cán bộ UBND cấp xã, Ban quản lý chợ, trung tâm thương mại, cùng các hộ kinh doanh, doanh nghiệp sử dụng phương tiện đo nhóm 2 theo quy định tại Thông tư 03/2024/TT-BKHCN ngày 15/4/2024 của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Trong hai ngày tập huấn, học viên được tiếp cận nhiều nội dung quan trọng như: quản lý nhà nước về đo lường trong doanh nghiệp, đổi mới đo lường để nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng dẫn áp dụng Thông tư số: 09/2017/TT-BKHCN ngày 27/6/2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ Quy định về đo lường đối với phép đo khối lượng trong thương mại bán lẻ, Thông tư số: 21/2014/TT-BKHCN ngày 15/7/2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ về đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn, cũng như nội dung kiểm tra nhà nước về đo lường.
Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh cho biết, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ và doanh nghiệp, hướng đến một hệ sinh thái quản lý đo lường hiệu quả, chính xác và đồng bộ trong toàn tỉnh.
Cùng với đào tạo về đo lường, Quảng Nam cũng đang tiếp cận thị trường Halal - một trong những ngành kinh tế đang phát triển nhanh nhất toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm, du lịch và dịch vụ thân thiện với người Hồi giáo.
Theo đó, tại hội thảo “Hướng dẫn, áp dụng các yêu cầu kỹ thuật Halal dành cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thực phẩm” diễn ra tại TP. Đà Nẵng với sự tham dự của nhiều doanh nghiệp khu vực miền Trung, các chuyên gia đã cập nhật các yêu cầu kỹ thuật Halal đối với ngành chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống, nhấn mạnh tầm quan trọng của nguyên liệu, quy trình sản xuất, đóng gói và phục vụ đúng chuẩn Halal.
Theo đại diện Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 2 (Ủy ban TCĐLCL Quốc gia), thị trường Halal toàn cầu được dự báo đạt trên 2.800 tỷ USD vào năm 2025, phục vụ khoảng 2 tỷ người Hồi giáo, chiếm 1/4 dân số thế giới. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam mới có khoảng 20 mặt hàng xuất khẩu đạt chuẩn Halal, một con số khiêm tốn so với tiềm năng.
Miền trung có nhiều tiềm năng khai phá thị trường Halal. Ảnh minh họa
“Đây là thời điểm vàng để các địa phương như Quảng Nam, Đà Nẵng phát triển thị trường Halal, nhất là trong ngành du lịch”, đại diện Trung tâm cho biết. Hiện tại, nhiều khách du lịch Hồi giáo từ Ấn Độ, Malaysia, Indonesia… đang chọn miền Trung làm điểm đến. Sắp tới, đường bay quốc tế của Emirates (Dubai - Bangkok - Đà Nẵng) cùng các chuyến bay thuê bao từ Kazakhstan sẽ mở ra thêm nhiều cơ hội cho du lịch và dịch vụ Halal.
Việc triển khai các lớp tập huấn về đo lường và tiếp cận tiêu chuẩn Halal tại Quảng Nam, Đà Nẵng cho thấy một chuyển động thực chất trong việc đưa TCĐLCL trở thành công cụ phát triển và hội nhập. Khi TCĐLCL được nhìn nhận đúng tầm không chỉ là kỹ thuật quản lý mà là nền tảng thể chế hóa đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh thì mỗi doanh nghiệp, mỗi địa phương đều có cơ hội bứt phá.