Đến năm 2023, tỉnh Sơn La đã có hơn 20.000ha trồng cà phê Arabica, trở thành tỉnh có diện tích trồng cà phê Arabica lớn nhất cả nước, chiếm 41,2% tổng diện tích cả nước. Trong đó có gần 18.000ha cà phê được cấp chứng nhận bền vững và tương đương, sản lượng đạt trên 204.000 tấn quả tươi (giá trị thu từ bán sản phẩm quả cà phê tươi ước đạt trên 2.045 tỷ đồng).
Sơn La đã hình thành được một số vùng sản xuất tập trung chuyên canh, ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ cà phê, với sự tham gia của các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp. Hiện, sản phẩm Cà phê Sơn La đã được xuất khẩu sang thị trường 20 nước thuộc EU, Bắc Mỹ, Trung Đông và các nước ASEAN với giá tiêu thụ ổn định ở mức cao; góp phần nâng cao thu nhập của người trồng, chế biến cà phê, tạo thêm việc làm, góp phần cơ cấu lại sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị cà phê tại Sơn La.
Tỉnh Sơn La đã được cấp Quyết định Công nhận vùng sản xuất 02 vùng ứng dụng công nghệ cao cho cà phê với diện tích 1.039,5 ha, 1.560 hộ gia đình tham gia; phát triển cà phê đặc sản với diện tích là 1.120 ha, sản lượng đạt gần 1.000 tấn cà phê nhân; xây dựng duy trì và phát triển chuỗi cung ứng cà phê an toàn với tổng diện tích 16 ha, sản lượng 132 tấn cà phê nhân/năm góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất cà phê.
Từ năm 2017, sản phẩm cà phê Sơn La đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê Sơn La. Đến nay vẫn duy trì quản lý cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “cà phê Sơn La” cho 7 tổ chức: Công ty TNHH xuất nhập khẩu cà phê Minh Tiến - Chi nhánh Sơn La; Công ty TNHH Cà phê Sơn La; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Cát Quế - chi nhánh Sơn La; Công ty cà phê Phúc Sinh Sơn La; Hợp tác xã Bích Thao; HTX Aratay -Coffee; Công ty Cổ phần cà phe Detech. Toàn tỉnh hiện có 05 sản phẩm cà phê được chứng nhận Ocop, trong đó 1 sản phẩm (Cà phê bột nguyên chất) đạt 5 sao, 3 sản phẩm đạt 4 sao (Aratay Coffee, Coffee Arabica Minh Trí, Trà quả cà phê), 01 sản phẩm đạt 3 sao (cà phê rang xay). Diện tích cà phê được các tổ chức cấp chứng nhận bền vững và tương đương là 19.270,9 lượt ha, sản lượng cà phê được chứng nhận trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 28.500 tấn cà phê nhân trên năm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất cà phê vẫn còn một số tồn tại như: sản lượng cà phê còn bị ảnh hưởng nhiều do thời tiết; chuỗi giá trị sản phẩm cà phê chưa chặt chẽ, thiếu bền vững; còn nhiều cơ sở chế biến cà phê quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu ảnh hưởng tới môi trường và chất lượng cà phê; khâu thu hái của người dân nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật…
Theo các chuyên gia, để phát triển bền vững, nâng tầm giá trị cà phê Sơn La cần tăng diện tích cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản; mở rộng diện tích trồng cà phê arabica ở nơi có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp. Khuyến khích các trang trại, hộ sản xuất hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm liên kết với doanh nghiệp trong đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, thu mua nguyên liệu đầu vào, trao đổi kỹ thuật sản xuất, tiếp cận, chuyển giao khoa học công nghệ và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cà phê.
Cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, đăng ký chỉ dẫn địa lý, cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở chế biến và quản lý, phát triển nhãn hiệu mang địa danh, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê đặc sản; thúc đẩy liên kết vùng nguyên liệu với các cơ sở, nhà máy chế biến sâu để tạo nguồn hàng đảm bảo ổn định về chất lượng và số lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Tỉnh Sơn La phấn đấu đến năm 2030, diện tích cà phê trên địa bàn toàn tỉnh ước đạt 25.000 ha, sản lượng ước cà phê nhân ước đạt 40.000 tấn. Thực hiện tái canh 9.800 ha; phát triển cà phê đặc sản 5.950 ha; phát triển vùng nguyên liệu cà phê đạt các tiêu chuẩn bền vững 20.000 ha. Hình thành và phát triển 5 vùng cà phê ứng dụng công nghệ cao trở lên trên địa bàn huyện Mai Sơn, Yên Châu, Thuận Châu và thành phố. Duy trì và phát triển chỉ dẫn địa lý cà phê Sơn La. Diện tích cà phê sản xuất theo hướng hữu cơ, cà phê đặc sản, diện tích cà phê sản xuất theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng, ATTP (RA, 4C...) và được cấp mã số vùng trồng truy xuất nguồn gốc sản phẩm khoảng 70 - 80% diện tích cà phê toàn tỉnh.
Trong thời gian tới tỉnh tiếp nghiên cứu đưa một số giống cà phê chè có năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện của tỉnh. Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cấp quyết định công nhận lưu hành giống cà phê THA1, H1, Stamaya phục vụ chương trình tái canh cà phê giúp nâng cao giá trị, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu; hỗ trợ cho tỉnh mở rộng diện tích trồng tái canh cà phê; sản xuất cà phê bền vững được chứng nhận (hữu cơ, GAP, 4C, RA…) và các chứng nhận tương đương phục vụ nhu cầu xuất khẩu; hướng dẫn cho tỉnh Sơn La về quy định triển khai Khung hành động thực hiện thích ứng với Quy định xuất khẩu các hàng hóa và sản phẩm có liên quan đến gây mất rừng và suy thoái rừng của Châu Âu (EU) trên địa bàn tỉnh Sơn La.