Phát hiện kho hàng chứa hơn 1,3 tấn hàng hóa giả mạo nhãn hiệu

(CL&CS) - Mới đây, Lực lượng chức năng tỉnh Thái Bình tiến hành khám 02 kho tập kết hàng hóa trên địa bàn xã Chí Hòa, huyện Hưng Hà phát hiện và tạm giữ 1,31 tấn hàng hoá có gắn dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu của NIKE và adidas.

Theo đó, sáng ngày 02/10/2023, lãnh đạo Cục QLTT tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo Đội QLTT số 1 chủ trì, phối hợp với Đội QLTT số 3, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh, Đội Kinh tế Công an huyện Hưng Hà, Công an xã và chính quyền xã Chí Hòa thành lập 02 Đoàn kiểm tra đồng loạt tiến hành khám đối với 02 kho tập kết hàng hóa trên địa bàn thôn An Tiến, xã Chí Hòa, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

Tại thời điểm khám, 02 Đoàn kiểm tra đã phát hiện tại các kho tập kết có số lượng hàng hoá gồm 48 bao chứa đựng tất chân thành phẩm và chưa thành phẩm mang nhãn hiệu  của NIKE và mang nhãn hiệu của adidas, có tổng trọng lượng lên tới 1,31 tấn và 57,3 kg nhãn giấy mang nhãn hiệu của NIKE và adidas có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu hàng hóa đã được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam.

Lực lượng chức năng kiểm đếm hàng hóa vi phạm.

Lãnh đạo Cục QLTT tỉnh Thái Bình đã trực tiếp tham gia và chỉ đạo Đội QLTT số 1 phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện niêm phòng, tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiến hành kiểm đếm cụ thể và tiếp tục thẩm tra, xác minh làm rõ dấu hiệu vi phạm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Theo điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định: Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng; hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý. Hay nói cách khác, hàng hóa này đã được bảo hộ về quyền sở hữu trí tuệ. Mọi hình vi xâm phạm làm tổn hại đến nhãn hiệu đều phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Luật Sở hữu trí tuệ cũng quy định hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu tại Điều 129. Theo đó, các hành vi được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu: Việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ. Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó.

Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự; hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó. Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự. Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng; dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng.

Những năm gần đây, tình trạng buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ có những diễn biến phức tạp khi nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao. Do đó cần xây dựng kế hoạch cụ thể về công tác kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ... Tập trung tuyên truyền, vận động các tổ chức, hộ kinh doanh chấp hành nghiêm pháp luật trong hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ; tích cực vào cuộc cùng cơ quan chức năng lên án, đấu tranh các hành vi vi phạm.

Chủ động đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm; củng cố các cơ sở nắm thông tin về các đối tượng buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, gian lận thương mại. Đồng thời, chủ động phối hợp với các ngành chức năng địa phương nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, vận chuyển hàng cấm, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

TIN LIÊN QUAN