Tác động của thủy điện Tam Hiệp tới môi trường sinh thái
Đập Tam Hiệp là đập thủy điện lớn nhất thế giới, nằm trên sông Dương Tử (sông dài thứ ba trên thế giới, dài nhất châu Á) tại Tam Đẩu Bình, Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Đập được bắt đầu xây dựng vào tháng 12/1994 và hoàn thành vào cuối năm 2009, tuy nhiên, toàn bộ công trình Tam Hiệp chỉ được hoàn tất vào cuối năm 2020, sau khi hoàn thành toàn bộ quy trình nghiệm thu.
Như nhiều dự án đập nước khác trên thế giới, dự án thủy điện này cũng gây ra nhiều tranh cãi ở cả trong và ngoài Trung Quốc. Các đề xuất ủng hộ nhấn mạnh vào các lợi ích kinh tế từ việc kiểm soát lũ lụt cũng như việc tạo ra năng lượng từ thủy điện. Các quan điểm phản đối chủ yếu tập trung vào nỗi lo về nguy cơ vỡ đập, chi phí di dời 1,9 triệu người dân, mất mát các di tích lịch sử và văn hóa quan trọng, cùng với tác động tiêu cực đến môi trường.
Trong số những vấn đề gây tranh cãi nhất là về mức độ tổn thất mà đập Tam Hiệp mang lại cho môi trường. Theo nhiều ước tính, 70% nguồn nước ngọt của Trung Quốc đã bị ô nhiễm và sự xuất hiện của đập này chỉ làm cho tình hình này trở nên trầm trọng hơn.
Trước khi phần thân của đập Tam Hiệp được hoàn tất, Trung Quốc đã sử dụng 200 tấn thuốc nổ để phá hủy đê tạm ngăn nước sông Dương Tử, một cấu trúc được xây dựng để ngăn nước khi đang xây dựng đập. Vụ nổ này đã tạo ra khoảng 186.000 m3 gạch và đất đá rơi vào lòng sông Dương Tử. Sự tích tụ của cặn bã này đã ảnh hưởng đáng kể đến môi trường và khả năng kiểm soát lũ lụt của đập.
Lý do 10.000 con cá tầm được thả vào sông Dương Tử sau khi “siêu đập” hoàn thành
Hồ chứa của đập Tam Hiệp cũng khiến nhiệt độ của nước trong sông Dương Tử tăng lên. Vào mùa hè, nhiệt độ của dòng sông tăng lên, gây ra sự phân tán của môi trường sống và đe dọa sự tồn tại của các loài sinh vật sống trong nước.
Một trong những hậu quả nghiêm trọng của đập Tam Hiệp là ngăn cản sự di chuyển tự nhiên của các loài cá trên sông Dương Tử. Môi trường của dòng sông này cũng bị ảnh hưởng đáng kể do quá trình xây dựng của đập. Đặc biệt, nhiều loài cá trên sông Dương Tử, trong đó có cá tầm, đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, và không ít loài sinh vật thủy sinh khác cũng đã biến mất vĩnh viễn.
Với mong muốn khắc phục môi trường sinh thái, năm 2009, khi hoàn thành việc xây dựng đập Tam Hiệp, Trung Quốc đã thả 10.000 con cá giống từ nhiều loại vào hồ chứa của đập. Các con cá giống này được lựa chọn kỹ lưỡng về chất lượng và khả năng chịu đựng trước các điều kiện môi trường.
Không dừng lại ở đó, tháng 4/2021, Tập đoàn vận hành đập Tam Hiệp tiếp tục thả 10.000 con cá tầm với tổng trọng lượng 13 tấn, gồm cả con non và con trưởng thành, đã được thả xuống sông Dương Tử để giúp khôi phục quần thể hoang dã của loài cá này.
Tập đoàn Tam Hiệp đã phát động thả cá tầm Trung Quốc hàng năm kể từ năm 1984 và chưa bao giờ dừng lại. Chỉ tính đến tháng 4/2020, Tập đoàn Tam Hiệp đã thả hơn 5,03 triệu con cá tầm Trung Quốc xuống sông Dương Tử.
Gần đây nhất, vào cuối tháng 3 vừa rồi, hơn 200.000 con cá tầm nhiều kích cỡ cũng được thả về sông Dương Tử.
Với biệt danh là “gấu trúc dưới nước”, cá tầm Trung Quốc là một trong những loài động vật có xương sống lâu đời nhất trên trái đất, có lịch sử 140 triệu năm, là loài động vật hoang dã được bảo vệ cấp quốc gia cấp một tại quốc gia tỉ dân.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, dù Trung Quốc có đầu tư nhiều hơn thì cũng rất khó để giải quyết triệt để vấn đề môi trường sông Dương Tử. Khi đập Tam Hiệp vẫn tồn tại, môi trường sống tự nhiên của các loài sinh vật thủy sinh trên sông Dương Tử vẫn bị ảnh hưởng và khó khôi phục lại, đồng thời còn phải đối mặt với tình trạng đánh bắt và khai thác quá mức.
Theo Tân Hoa Xã, để đối phó với tình trạng suy thoái môi trường sông Dương Tử, kể từ ngày 1/1/2020, Trung Quốc đã áp đặt lệnh cấm nghiêm ngặt đánh bắt cá tại 332 khu vực bảo tồn dọc theo sông.
Tổng hợp: China Daily, Sohu, Xinhuanet