Shophouse tại CCN được rao bán rầm rộ
Theo nhiều chuyên gia đánh giá, shophouse (nhà ở thương mại kết hợp với kinh doanh) là loại hình sẽ giữ được giá trị ngay cả trong bối cảnh thị trường nhiều thách thức là nhờ lợi thế tích hợp "3 trong 1" vừa để ở, kinh doanh và cho thuê với số lượng giới hạn. Vì vậy sẽ mang đến chỉ số sinh lời và thanh khoản cao.
Đồng thời trong bối cảnh phân khúc bất động sản Khu công nghiệp từ trong những năm qua luôn giữ được “chỗ đứng vững chắc” trên thị trường. Đặc biêt, tại khu vực ven Hà Nội, nơi mà tuyến đường Vành đai 4 – Vùng thủ đô đi qua, nhiều CCN đã được triển khai. Theo đó, đã nổi lên hiện tượng chào bán đất dịch vụ công nghiệp dưới tên shophouse.
Thời gian qua, tại khu vực vùng ven Hà Nội, xuất hiện nhiều thông tin rao bán shophouse tại các Cụm công nghiệp. Đơn cử như mộ dự án CCN tại thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai được nhiều môi giới rao bán “đất phân lô, shophouse” với từ 16-25 triệu đồng/m2. Theo môi giới tên H, dự án CCN này hiện có 4 khu đất phân lô diện tích từ 126-250m2, mỗi lô được xây dựng đến 3 tầng. Khách có nhu cầu mua sẽ ký hợp đồng vay tài sản với chủ đầu tư và vào tiền theo tiến độ ban đầu 40%.
Tương tự, một dự án CCN khác ở Thanh Oai cũng được các môi giới cũng đang rao bán shophouse diện tích từ 120-180m2 với giá từ 25 triệu đồng/m2 tùy vị trí.
Nhà đầu tư cẩn trọng
Mặc dù đang được rao bán rầm rộ, tuy nhiên, theo lời đại diện của một chủ đầu tư CCN trên địa bàn huyện Thanh Oai khẳng định: Không có loại hình shophouse bên trong CCN mà chỉ có đất dịch vụ hỗ trợ sản xuất. Loại đất này chỉ được phép kinh doanh các dịch vụ như cà phê, ăn uống... phục vụ cho CCN. “Nhà đầu tư cần thận trọng với những tin rao bán này, vì thực tế ngay chúng tôi cũng không biết và không liên quan đến những tin tức rao bán như vậy”, vị đại diện này thông tin.
Mới đây, theo thông tin từ Báo Giao thông, Sở Quy hoạch - Kiến trúc vừa có báo cáo gửi TP Hà Nội về tình trạng chào bán đất dịch vụ hỗ trợ, shophouse trong các cụm công nghiệp.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết theo tiêu chuẩn hiện hành, các thành phần đất bố trí trong cụm công nghiệp bao gồm: Đất xây dựng các công trình giao thông lớn hơn hoặc bằng 10%; đất cây xanh lớn hơn hoặc bằng 10%; đất hạ tầng kỹ thuật (cấp điện, nước, xử lý nước thải...) lớn hơn hoặc bằng 1%; đất khu sản xuất (nhà máy, xí nghiệp) 65-70%.
Công trình công cộng phục vụ chung với các chức năng: nhà hành chính quản trị, phục vụ sinh hoạt văn hóa, hội họp, trung tâm nghiên cứu khoa học, nhà ăn, căng tin, trạm y tế, cơ sở nghiên cứu khoa học kỹ thuật bồi dưỡng nghiệp vụ, văn phòng...
Các công trình phụ trợ sản xuất (cơ khí sửa chữa, sửa chữa xây dựng, sửa chữa điện, dịch vụ, sửa chữa khác...) đóng bao bì, thùng chứa sản phẩm, kho tàng nguyên liệu và thành phẩm, bãi thải công nghiệp; kho bãi.
Đáng chú ý, các công trình công cộng phục vụ chung không được phép chia nhỏ các lô dưới dạng nhà ở riêng lẻ, biệt thự, nhà ở liên kế, nhà thương mại liên kế. Tùy vào giải pháp thiết kế, có thể bố trí hợp khối hoặc phân tán các công trình với chức năng khác nhau...
Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cũng cho biết, pháp luật Nhà nước và TP Hà Nội về quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế hiện hành không quy định cụ thể khái niệm "đất dịch vụ hỗ trợ" và việc chia lô các khu đất dịch vụ hỗ trợ trong các cụm công nghiệp. Nhưng loại đất này lại được quy định về tỷ lệ thành phần đất và có trong quy hoạch phát triển cụm công nghiệp của TP Hà Nội (1292/QĐ-UBND, ngày 14/3/2018).
Trên cơ sở quy định của pháp luật hiện hành, thực tiễn công tác lập, thẩm định phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch chi tiết các cụm công nghiệp, các vấn đề bất cập trong công tác quản lý, dẫn tới việc sử dụng đất không đúng mục đích theo quy hoạch được phê duyệt. Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện đảm bảo, tránh tình trạng phân lô, chia nhỏ và lợi dụng chia lô, bán nền, sử dụng đất sai mục đích tại các ô đất dịch vụ hỗ trợ trong các cụm công nghiệp.