Nỗ lực hoàn thiện quy định pháp luật về giảm phát thải khí nhà kính

(CL&CS) - Thời gian qua, Việt Nam đã có những bước đi tích cực trong việc nội luật hóa các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính. Điều này đồng nghĩa với việc các quy định pháp luật trong nước ngày càng được hoàn thiện để phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời tạo ra khung pháp lý rõ ràng cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Biến đổi khí hậu đang là một trong những vấn đề nghiêm trọng, thách thức lớn đối với toàn nhân loại. Nguyên nhân chính được ghi nhận là do lượng phát thải khí nhà kính không có xu hướng giảm trong những năm qua. Nếu tình trạng này còn gia tăng, nó sẽ làm nặng nề thêm những thay đổi của khí hậu toàn cầu cũng như gây ảnh hưởng tiêu cực đối với tự nhiên và con người.

Trong đó, khí nhà kính là thành phần dạng khí có khả năng hấp thụ các bức xạ sóng dài (bức xạ hồng ngoại) trong dải bước sóng của Trái Đất gây ra, được phản xạ từ bề mặt Trái Đất khi được chiếu sáng bằng ánh sáng mặt trời, rồi phân tán nhiệt lại cho Trái Đất và gây nên hiệu ứng nhà kính. Khí nhà kính cần loại bỏ chủ yếu bao gồm: CO2, CH4, N20, NF3, SF6, HFCs và PFCs,…

Việt Nam có những bước đi tích cực trong việc nội luật hóa các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính. (Ảnh minh họa)

Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Việt Nam phấn đấu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Điều này là minh chứng cho thấy cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính.

Theo ông Trần Quốc Dũng - Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT), thời gian qua, Việt Nam đã có những bước đi tích cực trong việc nội luật hóa các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính. Điều này đồng nghĩa với việc các quy định pháp luật trong nước ngày càng được hoàn thiện để phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời tạo ra khung pháp lý rõ ràng cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cụ thể, Chính phủ đã ban hành nhiều luật, Nghị định mới liên quan đến bảo vệ môi trường, năng lượng, biến đổi khí hậu. Đồng thời sửa đổi, bổ sung các luật hiện hành như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đầu tư, Luật Năng lượng để phù hợp với các cam kết quốc tế và thực tiễn mới.

Việt Nam đã xây dựng và ban hành nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về khí thải, chất lượng môi trường, hiệu suất năng lượng. Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng quốc gia cũng đã xây dựng và cập nhật tiêu chuẩn về kiểm kê khí nhà kính theo các chuẩn mực quốc tế.

Chính phủ đang xây dựng và triển khai các cơ chế thị trường như giao dịch khí thải, cơ chế phát triển sạch để khuyến khích doanh nghiệp giảm phát thải và đầu tư vào các dự án thân thiện với môi trường. Các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để đảm bảo doanh nghiệp tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường. Đồng thời, Chính phủ cũng triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình sản xuất kinh doanh bền vững, giảm thiểu phát thải khí nhà kính.

Các chuyên gia đánh giá, giảm phát thải khí nhà kính không chỉ là yêu cầu của các thị trường xuất khẩu mà còn là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận các thị trường mới và xây dựng thương hiệu bền vững.

TIN LIÊN QUAN